Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Trung Quốc - Trung Á

Thứ Ba, 23/05/2023, 21:06

Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nguyên thủ quốc gia của cả 5 nước Trung Á sẽ tham dự lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh mà sẽ "vạch ra một kế hoạch chi tiết mới cho quan hệ Trung Quốc - Trung Á".

Lần đầu tiên

Hội nghị thượng đỉnh lần này là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên mà chính phủ Trung Quốc đăng cai tổ chức trong năm 2023. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và 5 quốc gia Trung Á bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao 31 năm trước.

antg 1905 anh 3.jpeg -0
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á diễn ra tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

Trên thực tế, quan hệ Trung Quốc - Trung Á trong những năm gần đây đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, làm tiền đề cho việc tổ chức hội nghị lần này. Hiện có khoảng 8.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động ở Trung Á. Ngày 17/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy khối lượng xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước Trung Á lên tới 173,05 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 24,8 tỷ USD, trong 4 tháng đầu năm 2023, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khoảng 55% hàng nhập khẩu của Trung Quốc là các sản phẩm năng lượng như than đá, dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Trung Quốc muốn gì từ Trung Á?

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc đối với khu vực Trung Á là hợp tác năng lượng. Bắc Kinh hy vọng sẽ có thêm một tuyến đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc mới, nâng tổng số tuyến đường ống này lên con số 4, giúp khai thác thêm nguồn dự trữ khổng lồ ở Turkmenistan, nơi chiếm 75% lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực này. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và năng  lượng phức tạp mà thế giới đang phải đối mặt, sự hợp tác của Trung Quốc và các nước Trung Á trong lĩnh vực này có thể giúp hai bên phát huy sức mạnh của nhau. Trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu các sản phẩm năng lượng như than đá, dầu thô và khí đốt tự nhiên trị giá 32,45 tỷ NDT từ 5 quốc gia Trung Á, chiếm 55% tổng kim ngạch.

Gia tăng đầu tư vào các nền kinh tế Trung Á là một mối quan tâm khác của Trung Quốc. Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” trích báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tính đến cuối tháng 3, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước Trung Á đã vượt quá 15 tỷ USD.

Đầu tư cho các cơ sở hạ tầng giao thông là một điểm được chú ý hàng đầu trong hợp tác Trung Quốc - Trung Á. Theo AFP, Hội nghị thượng đỉnh lần này tổ chức tại thành phố Tây An - cửa ngõ phía Đông của Con đường Tơ lụa lịch sử nối liền Âu - Á thời cổ - là dịp để thúc đẩy các tuyến giao thông rộng lớn, bao gồm tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan, trị giá 6 tỷ USD, vốn bị đình trệ từ lâu. Theo nhận định của chuyên gia Bradley Jardine, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Oxus, các tuyến đường sắt đi qua Trung Á, nối liền châu Âu và Trung Quốc, trở nên quan trọng hơn rất nhiều sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, dẫn đến việc phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm cô lập Nga.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm tới vấn đề an ninh của khu vực Trung Á, vốn nằm ở ngã tư của châu Á, có tầm quan trọng chiến lược. 3 trong số 5 quốc gia Trung Á có chung đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 3.000km. Do đó, các nước Trung Á không chỉ là phạm vi ảnh hưởng của Nga mà còn là láng giềng của Trung Quốc, có liên quan đến an ninh chiến lược của khu vực Tây Bắc Trung Quốc.

Vai trò của Nga đang suy giảm?

Trước hội nghị, nhiều người cho rằng Trung Á là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Nga, trong bối cảnh Nga đang can dự sâu vào cuộc xung đột với Ukraine, động thái này của Trung Quốc là “tranh thủ”.

Emil Avdaliani - Giáo sư tại Đại học châu Âu và là Giám đốc Nghiên cứu Trung Đông tại Geocase - trong bài viết đăng trên trang mạng của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (ECPA) cho rằng vẫn như thường lệ, Nga không bày tỏ quan ngại khi nói đến Trung Quốc ở Trung Á, nhưng thực tế là Moscow nhất quyết yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo Trung Á đến Moskva để dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9/5, báo hiệu rằng Điện  Kremlin đang lo lắng về ảnh hưởng khu vực đang bị thu hẹp của mình.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế với Trung Á; kể từ năm 2022, trọng tâm đã thay đổi. Trung Quốc hiện đã mở rộng tầm nhìn bao gồm cả vấn đề chính trị và hội nghị thượng đỉnh ở Tây An có thể chính thức mở ra một giai đoạn hợp tác song phương mới.

Dù vậy, có nhiều ý kiến không đồng tình với nhận định này. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á là sự kiện chưa từng có trong lịch sử ngoại giao giữa hai bên, nhưng nhìn lại thực tiễn ngoại giao của các nước Trung Á với các nước khác, việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh như vậy không phải là hiếm. Những năm gần đây, 5 quốc gia Trung Á ngày càng có xu hướng kết giao với thế giới bên ngoài như một chỉnh thể. Hội nghị tham vấn nguyên thủ các quốc gia Trung Á là hội nghị thượng đỉnh của 5 nước do Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev khởi xướng năm 2017 đã được các nước ủng hộ. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Astana (Kazakhstan) vào tháng 3/2018 và Hội nghị tham vấn nguyên thủ các quốc gia Trung Á lần thứ 5 dự kiến sẽ được tổ chức tại Dushanbe (Tajikistan) vào tháng 9/2023. 5 quốc gia Trung Á đều đã thiết lập cơ chế “C5+1” với Mỹ, Nga, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực không có nghĩa là Moscow kém quan trọng hơn. Trung Quốc và Nga đã đồng ý thiết lập quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2 năm ngoái, chưa đầy 3 tuần trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.
.