Đằng sau câu chuyện xe tăng phương Tây vào Ukraine

Thứ Tư, 01/02/2023, 08:01

Sau nhiều tháng chần chừ, cuối cùng thì hai quốc gia giàu có bậc nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Đức và Mỹ đã đồng ý cung cấp đợt đầu tiên gồm 14 xe tăng Leopard 2 và 30 xe tăng Abrams 1 cho Ukraine.

Giá trị chiến lược của những cỗ tăng

Quyết định chi viện chiến xa hạng nặng cho Ukraine, dù miễn cưỡng, nhưng mang ý nghĩa chiến lược rất lớn cho cả Kiev lẫn Phương Tây. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc chuyển giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine có thể đánh dấu một bước ngoặt trên chiến trường, cũng như cuộc khủng hoảng giữa phương Tây và Nga.

Thời gian gần đây, Ukraine gần như ngày nào cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn cấp chi viện xe tăng hạng nặng với số lượng lớn, ít nhất 300 chiếc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một trong những người luôn nêu bật nhu cầu cấp thiết của mình. Nhân cuộc họp tại Ramstein (Đức) ngày 20/1 của các nước chi viện cho Ukraine, trước thái độ dè dặt của nhiều đồng minh, ông Zelensky đã không ngần ngại phê phán: “Trăm lời cảm ơn không bằng trăm chiếc xe tăng”.

Đằng sau câu chuyện xe tăng phương Tây vào Ukraine -0
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (áo đen) trước một chiếc Leopard 2 cùng tổ lái tại cuộc tập trận ở Ostenholz, năm 2022.

Đối với giới quan sát, lý do đầu tiên thúc đẩy Ukraine khẩn cấp kêu gọi phương Tây chi viện chiến xa hạng nặng cho mình là vì Kiev cần thay thế những chiếc xe tăng cũ (hoặc đã bị phá hủy). Lực lượng xe tăng hiện nay của Ukraine chủ yếu là loại có từ thời Liên Xô, chẳng hạn như T-72 có từ những năm 1970. Cho đến nay, các đồng minh châu Âu của Kiev chỉ cung cấp cho nước này các loại thiết bị quân sự thời Liên Xô, vì một lý do đơn giản: Quân đội Ukraine đã được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí này. Ba Lan và Cộng hòa Séc đã thanh lý toàn bộ kho dự trữ cũ kỹ của họ và cung cấp khoảng 200 xe tăng T-72S cho nước láng giềng.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công, Ukraine đã bị mất hàng trăm chiến xa. Tính đến cuối tháng 10/2022 đã có hơn 330 chiếc xe tăng Ukraine bị phá hủy. Kiev hiện vẫn còn vài nghìn chiếc (đặc biệt là loại đã được sửa chữa lại sau trận chiến), nhưng đều thuộc diện cũ kỹ với hiệu năng tầm thường.

Vì lý do đó mà Ukraine khẩn thiết kêu gọi đồng minh phương Tây cung cấp cho mình loại chiến xa tối tân hơn, có hỏa lực mạnh, chính xác hơn và ít tiêu tốn nhiên liệu hơn. Xe tăng Abraham của Mỹ hay Leopard của Đức có trang bị tiên tiến nhưng quan trọng hơn cả là chúng có lớp giáp tốt và hiệu quả hơn.

Vấn đề đặt ra là không giống như loại T-72, xe tăng phương Tây yêu cầu người sử dụng phải được đào tạo từ 4 đến 6 tháng. Ngoài ra, xe tăng Anh, Pháp, Đức và Mỹ, mỗi loại sử dụng một công nghệ khác nhau, sự pha trộn giữa thể loại này đặt ra vấn đề kỹ thuật và hậu cần to lớn để bảo trì những phương tiện này.

Lý do thứ hai thúc đẩy Kiev yêu cầu phương Tây nhanh chóng cung cấp xe tăng là thay đổi chiến lược từ phía Ukraine, muốn đánh phủ đầu để chặn trước một cuộc tấn công của Nga vào mùa xuân tới. Theo đánh giá của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, chiến tranh Ukraine rất có thể sẽ bước qua một giai đoạn mới, thậm chí là “giai đoạn quyết định của cuộc chiến”.

Nga tố cáo phương Tây can thiệp trực tiếp

Nga tố cáo việc NATO cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine và cho rằng đó là bằng chứng cho thấy Mỹ và châu Âu đang can dự “trực tiếp và ngày càng tăng” vào cuộc chiến.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 25/1 đã phản đối quyết định của Mỹ gửi xe tăng tới Ukraine, nói rằng động thái như vậy sẽ dẫn đến một “sự khiêu khích trắng trợn chống lại Liên bang Nga”. Ông Anatoly Antonov viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Nếu Mỹ quyết định cung cấp xe tăng thì việc biện minh cho bước đi đó bằng những lập luận về “vũ khí phòng thủ” chắc chắn sẽ không hiệu quả. Rõ ràng Washington đang cố tình gây ra một đòn chiến lược đánh bại chúng tôi. Không người nào còn ảo tưởng ai mới là kẻ xâm lược thực sự trong cuộc xung đột hiện nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu quyết định chuyển giao Abrams 1 cho Kiev được đưa ra, xe tăng Mỹ sẽ bị quân đội chúng tôi tiêu diệt giống như tất cả các mẫu trang bị vũ khí khác của NATO đang bị tiêu diệt hiện nay”. Còn Đại sứ Nga tại Đức Sergei Netchaev ngày 25/1 nói rằng quyết định gửi xe tăng là “cực kỳ nguy hiểm” và “đưa cuộc xung đột này lên mức đối đầu mới”. Trước đó, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga khẳng định Nga “có đủ vũ khí” chứ không hề “thiếu hỏa tiễn, xe tăng, đạn dược như các đối thủ luôn nói”.

Đằng sau câu chuyện xe tăng phương Tây vào Ukraine -0
Xe tăng chủ lực M1A1 Abrams của Mỹ tại căn cứ Fort Irwin, California.

Fyodor Lukyanov, Giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, nói việc Berlin đồng ý gửi xe tăng Leopard là hệ quả của quá trình quân sự hóa chung của châu Âu: “Rõ ràng là trong môi trường hiếu chiến hiện đang hình thành ở phương Tây, người Đức thực sự không thể từ chối”.

Nguy cơ từ vũ khí phương Tây

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, quân đội Mỹ sản xuất khoảng 14.400 quả đạn pháo mỗi tháng. Vào tháng 9/2022, Lầu Năm Góc đã tăng gấp 3 mục tiêu sản xuất, sau đó tăng gấp đôi vào tháng 1/2023 và hiện đang sản xuất tới 90.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Tuy nhiên, việc Ukraine - một quốc gia vẫn còn nhiều tham nhũng - yêu cầu cung cấp thêm vũ khí, đạn dược từ Washington và các đồng minh có nguy cơ dẫn tới nhiều vũ khí phương Tây rơi vào tay kẻ xấu.

Bài học Iraq cho thấy một lượng rất lớn vũ khí hiện đại của Mỹ như 2.300 xe chở quân Humvee, 52 đại pháo M198 Howitzers, 74 nghìn súng máy, 40 xe tăng M1A1 Abrams và nhiều loại hệ thống vũ khí khác đã rơi vào tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), khi tổ chức này chiếm được một số thành phố của Iraq. Nhờ vậy IS đã có thể bành trướng lãnh thổ đến tận Syria, buộc Mỹ phải điều quân trở lại Iraq. Hay như tại Afghanistan, Mỹ đã “biếu” công nghệ máy bay không người lái (UAV) cho Iran và Trung Quốc để rồi Iran cung cấp cho Nga nhiều UAV “tự sát” phục vụ trên chiến trường Ukraine. Có tài liệu khẳng định vào lúc chính quyền Kabul sụp đổ năm 2021, phe Taliban đã tịch thu được rất nhiều thiết bị quân sự của Mỹ. Một số thì rơi vào tay Iran, số khác có lẽ cũng đã được chia sẻ với nước khác như dự định của Taliban.

Có thể thấy việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine với mức độ trang bị ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng hơn dẫn đến nguy cơ đối đầu trực diện giữa phương Tây và Nga ngày càng cao. Cũng không loại trừ việc Mỹ và phương Tây muốn thử nghiệm những vũ khí hiện đại trên chiến trường Ukraine để có tính toán sau này trong trường hợp đối đầu với Nga hoặc một cường quốc nào khác.

Sơn Hà (Tổng hợp)
.
.
.