Đàm phán ngừng bắn Israel - Hamas: Hòa bình vẫn xa vời
Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas vừa được nhen nhóm vào cuối tuần trước đã có nguy cơ tắt ngấm sau khi Hamas tấn công một cửa khẩu ở Gaza và Israel đóng cửa văn phòng của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này.
Hai cú đấm vào nỗ lực hòa giải
Các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas diễn ra ở Cairo (Ai Cập) đã kết thúc vào Chủ nhật (5/5) mà không có tiến triển, các nhà hòa giải Arab cho biết, sau khi Hamas không phản hồi chính thức đề xuất của Israel-Ai Cập về việc tạm dừng giao tranh để đổi lấy việc thả con tin.
Trong khi đó, Israel đã đóng cửa Karem Abu Salem - một trong 2 cửa khẩu biên giới lớn được sử dụng để phân phối viện trợ nhân đạo cho Gaza vào Chủ nhật sau khi Hamas tổ chức một cuộc tấn công vào nơi này.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết 3 binh sĩ đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương nặng khi Hamas phóng khoảng 10 quả rocket và bắn nhiều đạn súng cối từ gần giao lộ Rafah, trên biên giới Gaza-Ai Cập, về phía cửa khẩu biên giới Kerem Shalom của Israel. IDF cho biết họ đã tấn công các bệ phóng dùng để bắn rocket trong khi Lữ đoàn Al-Qassam, cánh tay quân sự của Hamas, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẵn sàng tạm dừng chiến tranh ở Gaza để giải phóng các con tin bị giữ ở đó, nhưng sẽ không đồng ý với yêu cầu của Hamas về việc chấm dứt chiến tranh hoàn toàn. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố Hamas không nghiêm túc với một thỏa thuận và cảnh báo về “một chiến dịch mạnh mẽ trong tương lai rất gần ở Rafah và những nơi khác trên khắp Gaza”.
Cũng trong Chủ nhật, Quốc hội Israel đã thông qua một đạo luật cho phép nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đóng cửa tạm thời văn phòng đại diện của các đài truyền hình nước ngoài tại Israel nếu những nơi này có dấu hiệu đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ngay sau khi đạo luật kể trên được thông qua, Bộ Truyền thông Israel đã ký sắc lệnh yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động của Đài truyền hình Al Jazeera tại nước này trong vòng 45 ngày và quãng thời gian này có thể được gia hạn lâu hơn nữa. Theo đó, văn phòng đại diện của Al Jazeera ở Israel bị đóng cửa, kênh sóng của đài này cũng bị cắt khỏi hệ thống truyền hình cáp và trang web của Al Jazeera cũng bị chặn truy cập trên lãnh thổ Israel. Al Jazeera là đài truyền hình của Qatar, nước có vai trò rất tích cực trong việc làm trung gian đàm phán ngừng bắn cũng như kết nối thế giới với các nhà đạo Hamas đang sống lưu vong tại Doha. Bản thân Al Jazeera cũng là một kênh thông tin quan trọng về cuộc chiến tại Gaza, là nơi truyền tải nhiều thông điệp của Hamas tới thế giới.
Trở lại thế bế tắc
Cả hai sự kiện kể trên đều đe dọa thêm đến khả năng tồn tại của các cuộc đàm phán ngừng bắn vốn đã bấp bênh.
Trước đó, hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza đã được nhen lên lên vào thứ Bảy khi một phái đoàn Hamas đến Cairo để tiếp tục các cuộc đàm phán gián tiếp, để xem xét một đề xuất mới, được cho là đã được Israel đồng ý, ngừng giao tranh trong 40 ngày và trao đổi con tin lấy tù nhân Palestine.
Các nhà hòa giải của Ai Cập và Mỹ tham gia quá trình đàm phán này đã tiết lộ những dấu hiệu thỏa hiệp trong những ngày gần đây và kênh tin tức nhà nước Ai Cập Al-Qahera cho biết rằng các bên đã đạt được sự đồng thuận trong những cuộc đàm phán gián tiếp về nhiều điểm bất đồng.
Trong số những điểm bất đồng này, theo các quan chức Ai Cập cho biết, nút thắt lớn nhất nằm ở việc Hamas muốn tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và sự đảm bảo từ Mỹ rằng lệnh ngừng bắn sẽ được Israel tôn trọng. Các quan chức Hamas bày tỏ lo ngại rằng đề xuất mới nhất của Israel vẫn còn quá mơ hồ và tạo cơ hội cho Israel bắt đầu lại cuộc chiến.
Trong khi đó, phía Israel cũng cương quyết với yêu cầu ngừng bắn lâu dài của Hamas. “Hamas vẫn giữ quan điểm cực đoan của mình, trước hết là đòi chúng tôi rút hết lực lượng khỏi Dải Gaza, kết thúc chiến tranh và để Hamas nguyên vẹn”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói. “Israel sẽ không đồng ý với yêu cầu của Hamas, bởi điều đó có nghĩa là đầu hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu”.
Vậy nên, sau vụ tấn công của Hamas vào cửa khẩu Karem Abu Salem thái độ cứng rắn của Israel càng trở nên rõ ràng. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel sẽ sớm tấn công Rafah, nơi có hơn 1 triệu thường dân Palestine trú ẩn, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã yêu cầu quân đội chuẩn bị cho chiến dịch.
Israel cũng quyết định không cử phái đoàn tới cuộc đàm phán mới nhất dự kiến diễn ra ngày 6/5. Trước động thái này, truyền thông nhà nước Ai Cập đưa tin, phái đoàn Hamas cũng rời Cairo để trở lại tới Qatar, nơi nhóm này có văn phòng chính trị và sẽ cân nhắc có nên quay trở lại Ai Cập để đàm phán thêm hay không. Trao đổi với Báo New York Times, một quan chức Israel xác nhận các cuộc đàm phán đã bị đình trệ và mô tả nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn đang rơi vào tình trạng “bế tắc”.
Còn nhiều ngáng trở
Hòa bình, thứ mà hàng triệu người Palestine đang sống cảnh màn trời chiếu đất tại thành phố biên giới Rafah cũng như thân nhân của các con tin bị Hamas giam giữ tại Gaza mong mỏi, tưởng đang tới gần giờ đây lại trở nên xa xôi.
Những cánh cửa thương thảo đang bị các bên đóng kín. Phía Hamas thì đổ lỗi cho sự thiếu thiện chí của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người nhiều lần tuyên bố rằng quân đội Israel sẽ mở cuộc tấn công trên bộ vào Rafah nhằm quét sạch Hamas, dù có hoặc không có thỏa thuận ngừng bắn.
Mousa Abu Marzouk, một quan chức cấp cao của Hamas, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Báo New York Times: “Chúng tôi đã xích lại gần hơn, nhưng sự hẹp hòi của Netanyahu đã hủy bỏ một thỏa thuận”. Một quan chức Israel giấu tên cũng nói rằng Israel và Hamas đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận vài ngày trước, nhưng những tuyên bố của ông Netanyahu về Rafah đã buộc Hamas phải cứng rắn hơn với các yêu cầu của mình.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu cũng chịu sức ép từ nhiều phía. Đồng minh lớn nhất của Israel là Mỹ hiện cũng đang gây áp lực để nhà lãnh đạo này đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, qua đó tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nặng nề tại Rafah. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn gặp gỡ lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội Israel, Yair Lapid để vận động ông này gây áp lực lên Thủ tướng Netanyahu.
Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza đang lan rộng ở nhiều nơi trên đất Mỹ và những cuộc tuần hành của gia đình các con tin bị giam giữ cùng những người ủng hộ việc giải cứu con tin lập tức, vẫn diễn ra hằng ngày tại Tel Aviv.
Nhưng, ở bên kia “sân khấu”, các nhóm cánh hữu của Israel đã gây áp lực buộc chính phủ không được nhượng bộ Hamas. Những nhóm này thậm chí còn yêu cầu Tel Aviv phải từ chối việc viện trợ nhân đạo vào Gaza vì lo ngại rằng viện trợ sẽ được chuyển hướng đến Hamas hoặc giảm áp lực lên nhóm này để thả con tin. Không cần đến cuộc tấn công của Hamas vào cửa khẩu Karem Abu Salem, những nhóm cực hữu tại Israel cũng đã kêu gọi chính phủ đóng cửa nơi này.
Trước những diễn biến phức tạp mới phát sinh, Giám đốc CIA William Burns cũng sẽ rời Cairo để bay đến Doha nhằm tiếp tục thảo luận với Qatar và Hamas trong nỗ lực đưa các cuộc đàm phán ngừng bắn trở lại đúng hướng. Báo New York Times cho biết, giới lãnh đạo chính trị của Hamas đã triệu tập một cuộc họp tại Doha để thảo luận về những gì đã diễn ra ở Cairo cuối tuần qua.
Chưa rõ kết quả của cuộc họp này ra sao, nhưng một nguồn tin giấu tên từ Hamas nói với New York Times rằng lực lượng này có thể vẫn tiếp tục tham gia đàm phán với “sự tích cực”. Trong khi đó, một bản tin trên kênh truyền hình nhà nước Ai Cập, Al-Qahera News, cho biết phái đoàn Hamas có thể trở lại Cairo nhưng các quan chức cấp cao của lực lượng này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo các nhà quan sát, ngay cả khi Hamas và Israel trở lại bàn đàm phán, triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn vẫn rất bấp bênh, bởi yêu cầu cốt lõi của hai bên quá khác biệt. Và, trong lúc mọi nỗ lực ngoại giao bế tắc thì cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn tiếp tục lan nhanh ở Rafah, nơi có hơn 1 triệu người Palestine trú ẩn trong điều kiện thiếu thốn nghiêm trọng về cả lương thực lẫn y tế, cũng như tại miền Bắc Gaza - nơi nạn đói đang đe dọa khoảng 1 triệu người khác.