Cuộc chiến bùng phát trong lòng nước Mỹ?
Trong những ngày đầu năm mới 2024, một cuộc khủng hoảng trong lòng nước Mỹ bùng phát khi chính quyền liên bang và các tiểu bang xung đột với nhau về vấn đề nhập cư.
Bất đồng âm ỉ
Ngày 22/1, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép chính quyền liên bang dỡ bỏ hàng rào thép gai được dựng lên tại biên giới của bang Texas.
Hệ thống hàng rào này là “tác phẩm” của chính quyền bang Texas được Thống đốc Greg Abbott khởi động từ năm 2021, sau khi ông Biden lên nắm quyền tại Nhà Trắng và nới lỏng việc kiểm soát người nhập cư tới từ biên giới Mexico ở phía Nam Texas.
Trở lại thời điểm tháng 1/2021, Bộ An ninh nội địa Mỹ ban hành lệnh tạm dừng nhiều vụ trục xuất người nhập cư về nước để giúp chính quyền “xử lý hiệu quả hơn những thách thức tại biên giới Mỹ - Mexico”. Đây là kết quả của cam kết mà ông Biden đã hứa sẽ thực hiện trong thời gian 100 ngày sau khi nhậm chức từ khi tranh cử để lấy lòng số lượng lớn cử tri gốc Mỹ Latinh trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đó. Chính sách này trái ngược hẳn với quan điểm cứng rắn về người nhập cư của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump. Tiểu bang Texas với 2.014 km đường biên giới (chiếm 63% tổng chiều dài biên giới đất liền giữa Mỹ với Mexico) bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quyết định này của chính quyền liên bang bởi họ phải chịu sức ép lớn nhất từ dòng người nhập cư khổng lồ đến từ phía Nam.
Để đối phó với tình trạng người nhập cư tràn vào biên giới kèm theo những vấn nạn về an ninh xã hội, đặc biệt là buôn lậu, ma túy và buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tháng 6/2021, Thống đốc Greg Abbott đã đề xuất chiến dịch “Ngôi sao cô đơn” cho phép chính quyền tiểu bang tự tăng cường hoạt động giám sát đường biên giới của mình. Tháng 2/2022, sau khi được thông qua tại nghị viện tiểu bang, dự luật trị giá 2 tỷ USD mỗi năm này cho phép lực lượng Vệ binh quốc gia Texas ngăn chặn người nhập cư, đồng thời xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai ở những khu vực dễ bị người nhập cư vượt qua nhất hòng ngăn chặn làn sóng này.
Việc thực thi hàng rào đã có hiệu quả khi bằng biện pháp dồn những dòng người nhập cư vào các cửa khẩu được kiểm soát, chính quyền Texas đã bắt họ quay trở lại biên giới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những hình ảnh thương tâm về người nhập cư bị tai nạn, thậm chí tử nạn khi cố gắng vượt qua hàng rào đã khiến chính quyền liên bang vào cuộc. Tổng thống Joe Biden sau nhiều lần thuyết phục chính quyền Texas từ bỏ kế hoạch hàng rào đã ra lệnh cho lực lượng tuần tra biên giới tiến hành phá bỏ hàng rào ở dọc sông Rio Grande vào tháng 10/2023. Chính quyền Texas phản đối điều này và đã kiện chính quyền liên bang ra tòa. Tháng 11/2023, Tòa án Texas ra phán quyết không cho liên bang thực hiện hành động phá hàng rào và vụ án được chuyển lên Tòa án Tối cao.
Nhưng, những rắc rối vẫn chưa dừng lại. Ngay sau phán quyết của Tòa án Tối cao, ngày 24/1/2024, Thống đốc Greg Abbott tuyên bố bất chấp lực lượng liên bang phá bỏ hàng rào thì Texas vẫn sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống hàng rào của mình. Sự việc càng trở nên phức tạp khi ngay ngày hôm sau, 24 thống đốc tiểu bang của Mỹ đã ký tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ Thống đốc Texas Greg Abbott và "quyền tự vệ theo hiến pháp" của bang này.
Trong bản tuyên bố có đoạn viết: "Chúng tôi đoàn kết với Thống đốc đồng nghiệp của chúng tôi, Greg Abbott và bang Texas trong việc sử dụng mọi công cụ và chiến lược, bao gồm hàng rào dây thép gai, để bảo đảm biên giới" và “Chúng tôi làm điều đó một phần vì chính quyền Biden từ chối thực thi luật nhập cư đã có và cho phép tạm tha hàng loạt trên khắp nước Mỹ những người di cư vào đất nước chúng tôi bất hợp pháp”. Cần lưu ý, các vị thống đốc này cùng với tiểu bang Texas đều là những người đến từ đảng Cộng hòa đối nghịch với chính quyền dân chủ của Tổng thống Joe Biden.
Nguy cơ “nội chiến”
Ngày 26/1, những hình ảnh từ hiện trường cho thấy lực lượng Vệ binh quốc gia Texas tiếp tục được triển khai đến công viên Shelby ở Eagle Pass, Texas - một khu vực dọc theo sông Rio Grande, nơi đã trở thành trung tâm nhập cư bất hợp pháp lớn nhất từ Mexico và chặn các nhân viên tuần tra biên giới của liên bang tiếp cận hàng rào, đồng thời nối lại các đoạn hàng rào đã bị cắt trước đó. Trong một tuyên bố được đưa ra, các đơn vị vệ binh cho biết sẽ tiếp tục “bảo vệ chủ quyền của bang chúng ta” và “giữ phòng tuyến ở Shelby Park để ngăn chặn việc xâm nhập bất hợp pháp vào Texas”. Hành động này đã khởi phát một chuỗi phản ứng sau đó đến từ cả hai phía.
Chính quyền Tổng thống Biden đe dọa sẽ có hành động quân sự chống lại lực lượng Vệ binh quốc gia Texas nếu họ không loại bỏ lực lượng và mở cửa biên giới. Ngay lập tức, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Texas là ông John Cornyn và ông Ted Cruz kêu gọi chấm dứt tài trợ đối với liên bang. Thống đốc Abbott khi được hỏi chính quyền tiểu bang có tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao hay không thì tuyên bố chắc nịch: "Không, Texas sẽ không tuân thủ”.
Ông Greg Abbott cáo buộc rằng Nhà Trắng đã “phá vỡ thỏa thuận” giữa Washington và các bang về chính sách nhập cư và cho biết sẵn sàng kích hoạt Điều 10 của Hiến pháp Mỹ cho phép ông ban bố tình trạng thiết quân luật trong tiểu bang để hành động mà không cần quan tâm đến chính phủ liên bang.
Đảng viên đảng Dân chủ tại Texas, Joaquin Castro thì kêu gọi tổng thống “cần thiết lập quyền kiểm soát liên bang duy nhất đối với lực lượng Vệ binh quốc gia Texas ngay bây giờ” để ngăn “Thống đốc Greg Abbott sử dụng lực lượng Vệ binh quốc gia Texas cản trở và tạo ra hỗn loạn ở biên giới”. Nhiều nghị sĩ Dân chủ tại lưỡng viện cũng ủng hộ việc phế truất ông Abbott. Nhà Trắng thì thông báo sẽ cho chính quyền Texas thời hạn đến ngày 27/1 để rút lực lượng vệ binh khỏi biên giới.
Trong khi đó, “lực lượng” đảng Cộng hòa cũng không kém phần “máu lửa”. Thống đốc Nam Dakota, bà Kristi Noem cho biết đang “tiến tới vùng chiến sự” để bày tỏ tình đoàn kết với Texas và kêu gọi tất cả các thống đốc đảng Cộng hòa nên tới bang nổi loạn này. Một số thống đốc cũng đề nghị gửi lực lượng Vệ binh quốc gia của họ đến Texas để hỗ trợ lực lượng Vệ binh quốc gia Texas. Thượng nghị sĩ Ted Cruz thì gọi việc liên bang can thiệp vào công việc của Texas là “cuộc xâm lược” và khẳng định ông sẽ nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược này.
Chỉ trong vòng vài ngày, những phản ứng quá mạnh của các bên đã khiến tình hình trở nên khó lường. Từ một cuộc tranh chấp pháp lý giữa Thống đốc bang Texas và chính quyền liên bang giờ đã trở thành cuộc đối đầu thực sự giữa Washington và 25 bang. Những bang này bao gồm tất cả các bang đã gia nhập Liên minh miền Nam trong Nội chiến Mỹ, cũng như một số bang từng đứng về liên bang và các bang thậm chí chưa được thành lập vào năm 1861. Điều đó khiến cho một số người có thể liên tưởng tới phiên bản mới của “nội chiến Mỹ”.
Xoay quanh cuộc bầu cử
Tất nhiên, “nội chiến” chỉ là cách cường điệu hóa cuộc đối đầu giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa ở thời điểm này, bởi không ai ngu ngốc đến độ đẩy vấn đề đi xa đến thế. Nhưng, thực tế diễn biến tình hình cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đang đi sai hướng trong việc tiếp cận vấn đề. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP), trong năm 2023 đã có khoảng 3,2 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, tăng từ 2,7 triệu của năm 2022,1,6 triệu của năm 2021 và 400.650 năm 2020, thời điểm trước khi ông Biden nhậm chức. Tức là chỉ trong 3 năm dưới thời của ông Biden, lượng người nhập cư vào Mỹ đã tăng 8 lần.
Vào tháng 12/2013, lực lượng Tuần tra niên giới Mỹ đã tiến hành xử lý số lượng kỷ lục người di cư bất hợp pháp vào nước này. Chỉ trong 27 ngày, Đội tuần tra biên giới đã xử lý 225.000 người di cư - mức cao nhất mọi thời đại. Làn sóng nhập cư vô tội vạ này tạo nên nhiều vấn đề kinh tế, xã hội với nước Mỹ, đặc biệt là với các bang miền Nam như Texas, nơi người nhập cư cập bến đầu tiên. Đó chính là ngọn nguồn của cuộc phản kháng lần này.
Sự gia tăng số lượng người di cư đã khiến nhiều quan chức Mỹ phải choáng ngợp. Chính quyền Washington đang gấp rút tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung từ Quốc hội để tăng cường lực lượng Tuần tra biên giới và xử lý người tị nạn. Tuy nhiên, yêu cầu tài trợ này đã bị đình trệ trong các cuộc đàm phán ở Hạ viện trước Giáng sinh do những bất đồng giữa các đảng phái về chính sách biên giới.
Trong một cuộc thăm dò của Wall Street Journal vào cuối tháng 12/2023, 13% cử tri khẳng định nhập cư và vấn đề biên giới Mỹ-Mexico là mối quan tâm hàng đầu của họ, chỉ xếp sau các vấn đề kinh tế. Đa số không tán thành cách tiếp cận biên giới của Tổng thống Biden với tỷ lệ chênh lệch lớn. Khi được hỏi họ tin ai sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn, 54% chọn cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi chỉ 24% ủng hộ ông Biden, đánh dấu sự chênh lệch lớn nhất giữa hai ứng cử viên về bất kỳ vấn đề nào được thử nghiệm.
Ông Trump cũng đã lên tiếng bảo vệ quan điểm của bang Texas và cho biết sẽ quay lại chính sách cứng rắn với người nhập cư như từng làm. Trong khi đó, những cuộc đàm phán mới nhất giữa chính quyền Washington với phía Mexico để ngăn dòng người vượt biên đang khá bế tắc. Rõ ràng, đây là là những thông tin không tốt cho ông Biden khi cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ 2 đang tới gần.