Cùng hướng đến một APEC đầu tàu và động lực tăng trưởng

Thứ Tư, 13/11/2024, 17:25

Ngoài việc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile từ ngày 9 đến ngày 12/11, Chủ tịch nước Lương Cường, trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới kể từ lúc được Quốc hội khóa XV ở Kỳ họp thứ 8 (ngày 21/10/2024) bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 diễn ra từ ngày 12 đến 16/11 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh dấu kỷ niệm 35 năm thành lập APEC (1989-2024); là dịp để rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới. 

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là một trong những ưu tiên hàng đầu; kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp khu vực tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Vì vậy, chuyến công tác này của Chủ tịch nước Lương Cường được các chuyên gia về chính trị và các nhà bình luận quốc tế đánh giá là có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, cả về song phương và đa phương. 

Cùng hướng đến một APEC đầu tàu và động lực tăng trưởng -0
Lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay quốc tế Arturo M. Benitez ở thủ đô Santiago de Chile. Ảnh: TTXVN.

Về song phương thì chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường sẽ góp phần tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai thác hiệu quả những dư địa hợp tác, thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với hai nước cũng như khu vực Mỹ Latinh, đồng thời tăng cường phối hợp với các nước trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. 

Đặc biệt, với Chile thì đây cũng là dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende - sự kiện đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Còn Peru là nước Mỹ Latinh đầu tiên ký Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (năm 2014) và hiện là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN với kim ngạch thương mại song phương trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 300 triệu USD.

Về đa phương thì việc Chủ tịch nước tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực.

Năm 2024 là dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn APEC. Tháng 1/1989, từ lời kêu gọi kiến tạo một sự hợp tác kinh tế hữu hiệu hơn cho toàn vùng châu Á - Thái Bình Dương do Thủ tướng Australia Bob Hawke đưa ra, hội nghị đầu tiên của APEC đã được tổ chức tại Canberra, Australia (tháng 10/1989), với sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 12 quốc gia. 

Hội nghị Các nhà lãnh đạo APEC được tổ chức lần đầu vào năm 1993. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi tháo gỡ những rào cản thương mại và đầu tư, với viễn kiến về một "cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương" sẽ tiến đến thịnh vượng thông qua hợp tác. Trên thực tế, APEC đã thực sự khẳng định ngày càng có vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang chiếm khoảng 77% thương mại, 81% đầu tư trực tiếp nước ngoài và 85% lượng khách du lịch vào Việt Nam. 

Cùng hướng đến một APEC đầu tàu và động lực tăng trưởng -0
Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren Stork đón Chủ tịch nước Lương Cường tại sân bay quốc tế Arturo M. Benitez ở thủ đô Santiago de Chile. Ảnh: TTXVN.

10 năm sau khi APEC được thành lập, ngày 15/11/1998, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC, nhân Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10. Trước đó, Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996. 

Với triết lý đối ngoại luôn coi mình là một bộ phận của thế giới, việc tham gia APEC năm 1998 là tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng thi hành chính sách mở cửa, sẵn sàng gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hơn nữa, ở thời điểm 1998 thì việc trở thành thành viên của APEC là tiền đề để Việt Nam nâng hội nhập kinh tế quốc tế lên tầm toàn cầu với việc sau đó gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.

Kể từ lúc trở thành thành viên của APEC, Việt Nam đã 2 lần đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017. Trên cương vị chủ nhà, Việt Nam đã khẳng định năng lực điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC, đóng góp thành công của các hội nghị, thúc đẩy đà hợp tác và liên kết kinh tế của APEC và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong các cơ chế khác nhau của APEC, trong đó có Ban Thư ký, Nhóm ASEAN, các ủy ban/nhóm công tác và đặc biệt là lần nữa được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đăng cai Năm APEC 2027.

Nói về những hoạt động cụ thể của Việt Nam trong cộng đồng APEC, có thể kể đến những đề xuất, triển khai gần 190 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực quan trọng như cải cách cơ cấu, phát triển nhân lực, trao quyền cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thương mại điện tử... 

Thông qua đó, Việt Nam đã góp phần làm cho các nội dung hợp tác APEC ngày càng phong phú và toàn diện, đưa APEC thích ứng với những biến chuyển của tình hình quốc tế và bắt kịp những xu hướng phát triển mới của thời đại, khẳng định vai trò không thể thiếu của APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.

Việt Nam cũng ghi được dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng APEC khi khởi xướng và tham gia định hình tầm nhìn dài hạn cho hợp tác APEC mà nổi bật là việc xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Cùng với đó là việc chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng báo cáo với tiêu đề "Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040" - là cơ sở để các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Trước chuyến đi của Chủ tịch nước Lương Cường, đoàn Việt Nam (do Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm trưởng đoàn) cũng đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 31, tổ chức dưới sự chủ trì của ông José Arista Arbildo - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Peru, từ ngày 20 đến 21/10/2024, tại Lima, Peru. 

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 31, các bộ trưởng đã thống nhất cần có sự kết hợp cân bằng giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực, nhấn mạnh tăng cường hợp tác đa phương trong khu vực là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. 

Cùng hướng đến một APEC đầu tàu và động lực tăng trưởng -0
Chủ tịch nước Lương Cường nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Chile. Ảnh: TTXVN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã thông tin đến Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 31 rằng Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức khoảng 7%, lạm phát dự kiến tiếp tục được kiểm soát phù hợp mục tiêu đặt ra là khoảng 4-4,5%; điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, linh hoạt, có trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào các sáng kiến hợp tác trong khu vực APEC. 
Với việc sẽ là chủ nhà của Năm APEC 2027 thì đây là dịp để Việt Nam thúc đẩy triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 mà Việt Nam khởi xướng và tham gia xây dựng cùng với các thành viên từ năm 2017. 

Như vậy, việc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ấy được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại để bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”.

Đường lối đối ngoại ấy cũng thể hiện rõ quan điểm Việt Nam là luôn nỗ lực hội nhập nhưng vẫn quan tâm đến an ninh quốc phòng, cụ thể ở đây là công tác đối ngoại quốc phòng. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn; cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và các điểm nóng có chiều hướng gia tăng; các vấn đề về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống ngày càng chuyển hóa, đan xen, tác động sâu sắc trên nhiều lĩnh vực... 

Những nội dung cụ thể này về đường lối đối ngoại thể hiện rõ trong nội dung của các văn bản như: Nghị quyết số 34-CT/TW, ngày 9/1/2023, của Bộ Chính trị “về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28/4/2023, của Bộ Chính trị, “về Chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Đề cao tăng trưởng bao trùm

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong Năm APEC 2024, chủ nhà Peru tiếp tục đề cao tăng trưởng bao trùm, bảo đảm rằng mọi người dân đều được tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình hợp tác của APEC.

Cụ thể: “Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Và, cuối cùng, các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như hợp tác APEC đều hướng đến “Tăng trưởng”, để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.

Lương Duy Cường
.
.
.