COVID-19, âm tính là an toàn?

Thứ Hai, 21/03/2022, 22:30

Làn sóng của biến chủng Omicron đang khiến dịch COVID-19 bùng phát rất mạnh ở nước ta, lên tới hơn 180.000 ca mắc/ngày. Có tuần, trong 4 ngày Việt Nam ghi nhận 1 triệu ca mắc mới. Tuy số ca mắc tăng rất cao, nhưng số bệnh nhân nặng và tử vong lại giảm.

Chủng Omicron gây triệu chứng bệnh nhẹ hơn, nhưng lại có nguy cơ tái nhiễm nhiều hơn. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã ghi nhận ca tử vong do hậu COVID-19.

Tử vong, xơ phổi do hậu COVID

Chúng tôi tới Bệnh viện Thanh Nhàn sau một thời gian bệnh viện mở Phòng khám hậu COVID-19. Tại đây, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người đến khám hậu COVID-19, đa số là người cao tuổi (60 tuổi trở lên) và trẻ em, cá biệt cũng có người trẻ vì lo lắng quá mà đi khám. Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội) đưa con 3 tuổi đến khám hậu COVID-19 cho biết: “Cháu xét nghiệm đã âm tính nhưng vẫn quấy khóc và sốt, tôi lo quá nên cho con tới khám xem sao. Tại đây, bác sĩ cho cháu làm xét nghiệm, kết quả âm tính. Bác sĩ chuyển cháu xuống cơ sở điều trị COVID-19 tại Đền Lừ để tiếp tục theo dõi vì cháu vẫn sốt”.

COVID-19, âm tính là an toàn? -0
Sau khi khỏi COVID-19, người dân hãy lắng nghe cơ thể, chỉ khi có triệu chứng mới đi khám hậu COVID

Chị Phạm Thị Hương (Đống Đa, Hà Nội) đến khám hậu COVID-19 vì sau 7 ngày âm tính, chị bị đau bụng đi ngoài, khi leo cầu thang thấy khó thở, đau tức vùng ngực. Chị được chỉ định chụp Xquang tim phổi. Ngồi chờ kết quả, chị Hương khá lo lắng.

Chia sẻ với chúng tôi, Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Chúng tôi đã tiếp nhận những trường hợp hậu COVID-19 có những triệu chứng nặng. Điển hình là nữ bệnh nhân 62 tuổi (Hà Nội) điều trị COVID-19 tại một bệnh viện khác và đã khỏi bệnh ra viện. Sau khi về nhà, bệnh nhân vẫn thấy khó thở, mệt mỏi, hàng tháng sau thì đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám. Kết quả test nhanh và xét nghiệm PCR 2 lần đều âm tính, nhưng chụp CT phổi của bệnh nhân tổn thương nặng, xơ hóa toàn bộ 2 bên. Bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng rất nặng, chỉ số SpO2 tụt xuống 80%, thở oxy mask nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để đặt nội khí quản thở máy, xong vẫn không đáp ứng, phải can thiệp ECMO - hệ thống tim phổi ngoài cơ thể. Sau 3 ngày bệnh nhân tử vong.

Trường hợp mới đây nhất là một người đàn ông 41 tuổi ở Hà Nội đã tiêm 3 mũi       vaccine, thể trạng béo, sau điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông test nhanh âm tính, đã được ra viện. Tuy nhiên khi về nhà bệnh nhân thường khó thở, chỉ leo vài bậc cầu thang đã không thở được. Bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai khám, xét nghiệm PCR chỉ số CT 37, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị hậu COVID. Tại đây, các bác sĩ xét nghiệm PCR cho bệnh nhân, chỉ số CT 25 (dương tính). Bệnh nhân được nhập viện điều trị, sau khi chiếu chụp làm các xét nghiệm, phát hiện người bệnh có tràn khí màng khổi 2 bên trên nền bệnh nhân có kén khí ở phổi bị vỡ (bệnh bẩm sinh).

Bệnh nhân được chuyển lên Phòng Hồi sức tích cực làm dẫn lưu khí màng phổi, tình trạng suy hô hấp được cải thiện, điều trị ổn định và được ra viện với kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Tuy nhiên, sau vài tuần, bệnh nhân lại tiếp tục khó thở, mệt mỏi. Đầu tháng 3 bệnh nhân đến tái khám và tiếp tục phải nhập viện điều trị hậu COVID-19. Thời điểm vào viện, chỉ số SpO2 của bệnh nhân chỉ được 91-92%. Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân cai được thở oxy, song phổi đã bị xơ hóa. Theo bác sĩ Hường, có một xu hướng mới trên thế giới là cần phải ghép phổi cho bệnh COVID-19 vì có nhiều người xơ phổi hoàn toàn không phục hồi dù có tập thở.

Bác sĩ Hường cho biết: “Khi tiếp nhận bệnh nhân hậu COVID chúng tôi nhận thấy ở biến chủng Detal bệnh nhân mắc các triệu chứng rất nặng như hậu COVID không rõ ràng. Nhưng ở Omicron thì triệu chứng nhẹ nhưng hậu COVID lại nặng nề hơn. Đặc biệt là bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Có bệnh nhân đã ra viện khi quay lại tái khám đã tắc hoàn toàn động mạch phổi. Khi F0 dùng thuốc chống đông, nguy cơ xuất hiện rất lớn”.

COVID-19, âm tính là an toàn? -0
Nhiều người đi khám hậu COVID vì có triệu chứng hụt hơi, tức ngực

Các triệu chứng hậu COVID-19 mà bệnh nhân thường gặp phải là khó thở, hụt hơi, mất ngủ, khó tập trung, rối loạn tiêu hóa. Đối tượng hậu COVID-19 thường gặp ở người già, người có bệnh lý nền. Cá biệt cũng có trường hợp bệnh nhân trẻ nhưng hậu COVID thì nặng, suy hô hấp. Có bệnh nhân chưa tiêm vaccine, mắc bệnh nền tiểu đường, béo phì. Khi mắc COVID-19 người bệnh đã uống thuốc ức chế miễn dịch (chứa hoạt chất Molnupiravir) không theo chỉ dẫn của bác sĩ, dẫn đến tình trạng suy tuyến thượng thận. Khi vào nhập viện hậu COVID, bệnh nhân đã bị tổn thương 50% phổi.

Theo WHO, hầu hết các bệnh nhân COVID-19 đều hồi phục sức khỏe hoàn toàn, chỉ có 10-20% bị ảnh hưởng lâu dài, tình trạng này có thể gặp ở bệnh nhân không có triệu chứng. “Không phải ai mắc COVID-19 cũng bị hậu COVID. Vì vậy bệnh nhân sau khỏi COVID-19 hãy lắng nghe cơ thể mình, nhất là người có bệnh lý nền, đã dùng thuốc chống đông, chống viêm, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều, nhóm điều trị ở phòng hồi sức tích cực thì cần lưu ý tái khám đề phòng hậu COVID”, BS Hường khuyến cáo.

Tái nhiễm hay tái dương?

Hà Nội đang có “trào lưu” cố tình mắc COVID-19. Có người còn thuê xe ôm chở đến khu vực có nhiều người mắc COVID-19 để mình bị lây vì cho rằng nhiễm rồi sẽ không bị nữa. Bác sĩ KCII Nguyễn Thu Hường cho biết, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Có nhiều người đang hiểu đã tiêm vaccine, đã nhiễm biến chủng Detal thì không bị nhiễm COVID-19 nữa. Theo ghi nhận trong thời gian gần đây, có những bệnh nhân tái nhiễm trong 1 tháng, cá biệt có bệnh nhân tái nhiễm trong vòng 15 ngày. Có 2 vấn đề đặt ra ở đây là bệnh nhân trước đó đã nhiễm chủng Delta nay tái nhiễm Omicron. Tuy nhiên cũng có bệnh nhân đã mắc Omicron nhưng lại tái nhiễm chủng này. “Người bị Omicron vẫn có thể tái nhiễm chủng đó nhưng ở tuýp khác”, bác sĩ Hường nói.

COVID-19, âm tính là an toàn? -0
Bệnh viện Thanh Nhàn mở phòng khám cho tất cả các F0 khám hậu COVID

Theo bác sĩ, đối tượng tái nhiễm có từ trẻ tới già. Xu hướng tái nhiễm lần thứ 2 nếu thời gian ngắn thì sẽ nặng hơn lần một. Dù kháng thể cao nhưng bệnh nhân vẫn mệt mỏi và nặng hơn.

Hiện nay, có nhiều người chỉ âm tính khoảng 1 tuần sau đã phát hiện dương tính, những trường hợp này là tái dương hay tái nhiễm? Theo Trưởng đơn nguyên phòng chống dịch COVID-19, cách đây 12 ngày, 1 nhân viên y tế của Bệnh viện nhiễm COVID-19 biến thể Omicron. Sau khi uống thuốc Molnupiravir 5 ngày, xét nghiệm âm tính 2 lần. Ngày thứ 8 nhân viên y tế này đi làm, đến ngày thứ 12 lại xuất hiện triệu chứng như ban đầu. Bệnh nhân test nhanh dương tính và xét nghiệm PCR CT 20.

“Trường hợp này chúng tôi chưa hiểu là tái dương hay tái nhiễm, khoảng cách rất gần, triệu chứng hoàn toàn giống như lần nhiễm đầu tiên. Vì vậy rất khó nói đối tượng nào hay tái nhiễm. Chúng tôi đã sơ bộ sàng lọc, đối tượng tái nhiễm là người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền, trẻ em chưa được tiêm vaccine và cá biệt có người trẻ” - BS Hường cho biết.

Bên cạnh đó, một số người có kết quả xét nghiệm âm tính và cho rằng mình đã khỏi bệnh, song điều đó hoàn toàn không đúng. Bộ Y tế yêu cầu, bệnh nhân sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn phải tuân thủ 5K, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Trong trường hợp bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng như sốt, dấu hiệu nặng lên, biểu hiện bất thường thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe. Thực tế cho thấy, một số người đã có kết quả test nhanh âm tính nhưng chỉ 1 tuần sau lại có kết quả xét nghiệm dương tính.

Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Hường thông tin, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh nhân âm tính vẫn chưa đào thải hết virus ra khỏi cơ thể mà vẫn còn trong người. Nhưng vì nồng độ virus quá thấp nên khi thực hiện test nhanh không thể phát hiện ra. Một lúc nào đó virus vẫn tiếp tục nhân lên, gây ra tình trạng tái dương tính. Còn tái nhiễm là khi khẳng định bệnh nhân đã khỏi COVID-19, sau đó lại nhiễm một đợt khác. Do vậy, người âm tính cần phải theo dõi sức khỏe trong 7 ngày để tránh tình trạng tái dương.

Dùng thuốc bổ phòng hậu COVID?

Nhiều người vì quá lo lắng, sau khi khỏi bệnh đã mua nhiều loại thuốc bổ về uống để phòng hậu COVID. Có người nghe quảng cáo trên mạng bán thuốc bổ phổi đã mua về uống với niềm tin rằng sẽ tránh được tổn thương phổi sau khi mắc COVID-19. Thậm chí, có F0 còn trẻ, tiêm 3 mũi vaccine, không có bệnh nền, khi mắc COVID-19 đã mua thuốc kháng virus trên mạng về uống để “chống viêm phổi” hoặc chống hậu COVID.

COVID-19, âm tính là an toàn? -0
Hình ảnh tổn thương phổi của bệnh nhân đến khám hậu COVID

Theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Thu Hường, người bệnh dùng bất cứ thuốc gì cũng cần phải hỏi bác sĩ. Nếu có bất thường cần phải đi khám sớm để xem có tổn thương sau COVID hay không. Nên sử dụng các loại thuốc chính thống được bác sĩ kê để tránh tiền mất tật mang và tránh những nguy hiểm không đáng có. Đến nay chưa có nghiên cứu nào uống thuốc kháng virus có thể phòng được hậu COVID-19. “Thuốc kháng virus Molnupiravir không phải là thuốc thần thánh, uống phải có chỉ định. Với bệnh nhân trẻ tuổi không có bệnh lý nền, không cần thiết dùng. Ngay cả các trường hợp nguy cơ cao nhưng chức năng gan, thận bình thường mới nên dùng. Người suy thận, men gan tăng không được dùng”, bác sĩ Hường khuyến cáo.

Vậy những ai nên đi khám hậu COVID-19? Theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Phó chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu COVID-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc COVID-19 đều đi khám hậu COVID-19, như vậy sẽ rất lãng phí. Những người phải có triệu chứng của hậu COVID-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19.

Trần Hằng
.
.
.