COP27: Thời điểm để giải quyết “3 bất bình đẳng"

Thứ Tư, 05/10/2022, 08:28

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27), cho biết hội nghị lần này sẽ giải quyết mối quan tâm của toàn thế giới về khí hậu, bao gồm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình này.

Kể từ khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro năm 1992, “công lý khí hậu” đã là một vấn đề gây tranh cãi gây chia rẽ các nước phát triển và đang phát triển. Khái niệm “công lý khí hậu” rất quan trọng đối với việc đàm phán về trách nhiệm của các quốc gia và các tác nhân khác nhau cũng như để định hình các chính sách khí hậu. Tuy nhiên, với quy mô và mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng như mức độ dễ bị tổn thương khác nhau của các cộng đồng bị ảnh hưởng, hiện vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp.

COP27: Thời điểm để giải quyết “3 bất bình đẳng
Các vấn đề khí hậu đang ngày một nghiêm trọng nếu thế giới không hành động tích cực hơn.

Giảm thiểu tác động có hại

Trong suốt lịch sử, các hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp hóa và phát thải khí nhà kính đã diễn ra chủ yếu ở một số ít các quốc gia tương đối giàu có. Các quốc gia “có thu nhập cao” này là nguyên nhân gây ra 44% lượng khí thải CO2 tích lũy từ khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch, sử dụng đất và lâm nghiệp kể từ thời tiền công nghiệp. Ngược lại, tỷ lệ dân số của họ trong tổng dân số toàn cầu hiện tại chỉ là 14%.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ được công bố vào năm 2022, các thành viên của G20, nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm khoảng 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, sẽ không thể đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon năm 2030 theo các chính sách năng lượng và khí hậu hiện hành. Trên thực tế, lượng khí thải từ G20 với tư cách là một nhóm dự kiến sẽ tăng tới 0,6% mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2030. Mức tăng này sẽ không thể đáp ứng mục tiêu tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5°C. Nếu các quốc gia thực sự chia sẻ công bằng khi nói đến giảm thiểu, đồng thời nhận ra tác động của lượng khí thải trong quá khứ, thì các quốc gia giàu có nên làm nhiều hơn nữa.

Thích ứng

Nếu giảm thiểu nhằm ngăn chặn môi trường thay đổi, thì thích ứng tìm cách giúp con người sống trong một môi trường bị thay đổi. Việc thích ứng chủ yếu được đẩy nhanh ở các nước có thu nhập cao, trong khi các nước thu nhập thấp thường thiếu nguồn lực để đưa ra các biện pháp và sáng kiến thích ứng. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính rằng chi phí thích ứng sẽ trong khoảng từ 140-300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và từ 280-500 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Việc cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm hiện nay cho cả giảm nhẹ và thích ứng vào năm 2030 rõ ràng là không đủ để giải quyết các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Hơn nữa, các nước giàu đã không thanh toán được phần cam kết của họ tài trợ khí hậu hàng năm trị giá 100 USD vào năm 2020 và 2021.

Ngoài ra, sự phân bổ giữa giảm nhẹ và thích ứng cũng khác nhau: Các sáng kiến giảm nhẹ nhận được tỷ lệ hỗ trợ tài chính khí hậu lớn nhất thông qua các kênh song phương, ở mức 65%, trong khi tài trợ cho thích ứng chỉ chiếm 20-25% dòng tài chính cho khí hậu. Ví dụ, các quốc gia châu Phi là một trong những quốc gia kém thích ứng với khí hậu nhất trên thế giới, với mức độ dễ bị tổn thương cao trước các tác động của khí hậu và nguồn lực hạn chế để bắt tay vào các biện pháp thích ứng.

Tất cả những thách thức này phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại COP27 và các nước phát triển phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể liên quan đến huy động, tìm nguồn lực, quản trị và thực thi các quỹ tài trợ cho khí hậu.

Tổn thất và thiệt hại

Tổn thất và thiệt hại đề cập đến khái niệm rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương và các vùng nghèo khó phải đối mặt với các tác động không cân xứng từ biến đổi khí hậu. Những tác động này dưới dạng những tổn thất hữu hình có thể được sửa chữa hoặc phục hồi, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, tài sản hoặc di tích lịch sử và những tác động vô hình, như tổn thất không thể cứu vãn được về nhân mạng, đa dạng sinh học, kiến thức hoặc văn hóa bản địa và sức khỏe suy thoái. Tổn thất và thiệt hại khác với các biện pháp thích ứng ở chỗ chúng nên được chấp nhận khi các biện pháp thích ứng không thành công trong việc giải quyết các tác động khí hậu không thể đảo ngược. Điều này đặc biệt đúng đối với các tác động chậm không thể tránh khỏi như ngập lụt từ mực nước biển dâng hoặc các biện pháp thích ứng không khả thi để thực hiện, đôi khi do những hạn chế về kinh tế-xã hội, thiếu các thể chế để xây dựng năng lực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương hoặc thiếu tài trợ quốc tế.

Các cơ chế để giải quyết tổn thất và thiệt hại đã là một vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc họp toàn cầu về biến đổi khí hậu trong 25 năm qua và cho đến nay vẫn chưa có hành động chính trị quan trọng hoặc cam kết tài chính cụ thể nào được đưa ra. Các nước phát triển từ chối chấp nhận trách nhiệm về khí hậu và đưa ra cam kết tài chính rõ ràng để bù đắp cho tác hại của khí hậu và cung cấp viện trợ.

Vì vậy, COP27 sẽ là thời điểm quan trọng để giải quyết “ba bất bình đẳng” về giảm thiểu, thích ứng và trách nhiệm theo cách tạo ra các cam kết rõ ràng và các thỏa thuận ràng buộc với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một cơ chế về khí hậu của Liên hợp quốc, trong đó toàn thế giới đoàn kết với các cộng đồng dễ bị tổn thương và cố gắng giải quyết những bất công về khí hậu.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.