Cơn giận dữ của nông dân Đức

Thứ Ba, 23/01/2024, 08:14

Nông dân Đức đã biểu tình trên khắp đất nước trong hơn một tuần qua. Họ đang phản đối về việc chính phủ quyết định cắt các khoản trợ cấp với xăng dầu được sử dụng trong ngành nông nghiệp. Sự phẫn nộ đã lên đến đỉnh điểm vào thứ Hai tuần này với một cuộc biểu tình lớn ở Berlin.

Từ cuối tuần trước, hàng ngàn máy kéo đã bắt đầu di chuyển đến thủ đô nước Đức sau khi chính phủ thông báo hủy trợ cấp vào tháng 12/2023, trong đó có quyết định xóa dần trợ cấp với dầu diesel cho thiết bị nông nghiệp trong vòng 3 năm.

Chính phủ quyết định cắt một số khoản trợ cấp theo lệnh của các thẩm phán Hội Đồng Bảo Hiến về thắt chặt quy định ngân sách của Đức. Nông dân ngủ trên máy móc của họ để chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn tuần này. Nông dân Đức cho đến nay vẫn là một trong những tầng lớp xã hội ít được quan tâm kể từ khi chính phủ hiện tại lên nắm quyền. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mặc dù theo chủ nghĩa môi trường, Cem Ozdemir, song không muốn đối đầu trực tiếp với những người trong chính phủ. Nhưng sự bế tắc về ngân sách cần được giải quyết vào cuối năm 2023 đã dẫn đến một loạt biện pháp tiết kiệm. Nhiều khoản trợ cấp khác nhau đã được xem xét lại, trong đó có hai khoản trợ cấp cho nông dân: miễn thuế đối với máy móc nông nghiệp và hỗ trợ công cho dầu diesel sử dụng trong nông nghiệp.

image001.jpg -0
Một nông dân Đức giận dữ trong cuộc biểu tình trước cửa ngõ Brandenburg.

Trước sự bất bình của nông dân, chính phủ đã khẩn trương thu hồi quyết định liên quan đến việc bãi bỏ miễn thuế đối với máy móc nông nghiệp. Nhưng điều này không đủ để xoa dịu cuộc phản kháng của những người liên quan. Một nông dân đến từ Brandenburg (miền đông nước Đức), người tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Hai ở Berlin đã tóm tắt: “Các yêu cầu của chúng tôi là chính đáng và phải được đáp ứng, nếu không trang trại của chúng tôi sẽ bị đe dọa. Thật buồn khi chính phủ phải mất 4 tuần mới đồng ý thảo luận”.

Trước sự phẫn nộ của hàng nghìn nông dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Christian Lindner, đã phát biểu vào giữa trưa ngày 15/1 trước cửa ngõ Brandenburg rằng: “Mọi người đều phải đóng góp. Vì lợi ích của người nộp thuế, tôi phải luôn tự hỏi bản thân xem những khoản trợ cấp nào là cần thiết và có những lựa chọn thay thế nào”. Bộ trưởng cũng nhắc lại rằng nông dân Đức đã nhận được gần 10 tỷ euro tiền hỗ trợ công từ chính phủ Berlin và Liên minh châu Âu.

Một số vật thể đã bị ném đến sân khấu nơi bộ trưởng đang đứng nhưng đã được những người bảo vệ chắn thành hàng rào phía trước che chắn. Bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ sự thông cảm với ngành nông nghiệp nhưng không có gì khác ngoài điều này. Những đề xuất về giảm quan liêu hoặc cải cách hệ thống thuế đã không xoa dịu được những người biểu tình. Các quan chức ngành nông nghiệp đã nhóm họp với các nghị sĩ của liên minh cầm quyền. Tại Hạ viện, các biện pháp tiết kiệm do chính phủ đề xuất phải được nhanh chóng quyết định thông qua hoặc không. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, và các quan chức nông nghiệp khác, đang đề xuất tăng khoản thuế đối với các loại thực phẩm nông nghiệp với hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho các trang trại.

Cuộc xung đột hiện tại chắc chắn sẽ dẫn đến một thỏa hiệp khiến chính phủ không thể rút hoàn toàn các khoản ưu đãi dành cho giới nông nghiệp, thậm chí phải chứng tỏ thiện chí của mình đối với nông dân. Tầng lớp chính trị đã nhận thức được rằng các cuộc biểu tình hiện nay đã vượt ra ngoài các biện pháp hỗ trợ giá dầu diesel và phản ánh tình trạng bất ổn kéo dài. Thậm chí tình trạng bất ổn này vượt xa những thách thức của ngành nông nghiệp. Cuộc biểu tình tại Berlin vào thứ Hai tuần này đã xuất hiện nhiều biểu ngữ yêu cầu chính phủ Thủ tướng Scholz từ chức. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây đã chạm mức thấp lịch sử, khi một cuộc khảo sát của viện thăm dò INSA cho thấy 64% số người được hỏi muốn ông từ chức. Trước cửa ngõ Brandenburg, một số người hô vang: “Chúng tôi là nhân dân”, khẩu hiệu nổi tiếng của cuộc cách mạng hòa bình của CHDC Đức vào mùa thu năm 1989.

Nhiều nhóm cực đoan đã thâm nhập vào các cuộc biểu tình trong những ngày gần đây. Liên đoàn Nông dân Đức bác bỏ lời kêu gọi bạo lực. Thủ tướng Olaf Scholz cũng lên án những hành động bạo lực trong một tin nhắn video đăng tải vào thứ Bảy tuần trước. Đảng cực hữu - Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD) tìm cách khơi dậy sự bất mãn sâu sắc này, như họ đã làm trước đây với các cuộc biểu tình khác, dù trong chính sách của mình, AfD đã từ chối trợ cấp cho ngành nông nghiệp.

Ba năm sau cuộc suy thoái lớn do COVID-19 gây ra, Đức rơi vào suy thoái vào năm 2023. GDP giảm 0,3%. Đây là thành tích tệ nhất trong G7, đúng như dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Lạm phát đã làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình và từ đó làm hỏng động cơ tiêu dùng của kinh tế Đức. Động lực tăng trưởng khác của Đức, một ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, cũng bị mắc kẹt vì nhu cầu đang cạn kiệt. Và bởi vì cuộc chiến ở Ukraine đã tước đi một trong những tài sản có khả năng cạnh tranh của các nhà công nghiệp Đức, đó là năng lượng giá rẻ, trong trường hợp này là khí đốt của Nga. Ngành hóa chất và luyện kim của Đức tiêu tốn nhiều năng lượng đã chứng kiến sản lượng của họ giảm 20% trong hai năm qua.

Cũng trong ngày 15/1, nông dân và tài xế xe tải Romania đã nối lại các cuộc diễu hành bằng máy kéo trên đường phố sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ thất bại vào 14/1. Trong khi đó, ở Ba Lan, nông dân và tài xế xe tải đã chặn các cửa khẩu biên giới với Ukraine kể từ tháng 11, cáo buộc Ukraine “cạnh tranh không công bằng” và việc nới lỏng các quy định tiếp cận của Liên minh châu Âu đối với các công ty Ukraine. Nông dân Ba Lan đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa biên giới vào tuần trước nhưng hôm 15/1 đã công bố kế hoạch biểu tình trên toàn quốc vào cuối tháng này.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các cuộc biểu tình máy kéo của giới nông dân một số nước châu Âu bắt nguồn từ những tình huống cụ thể khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm chung đó là nỗi bất an của người nông dân và việc họ muốn bảo vệ những quyền lợi cũ. Nhiều người nông dân chia sẻ rằng họ đang bị dồn vào chân tường bởi các biện pháp mới nhằm tăng cường tiêu chuẩn môi trường của Liên minh châu Âu và chi phí tăng cao.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.