Chiến tranh không chỉ là tiếng súng

Thứ Tư, 02/11/2022, 08:22

Không ai muốn chiến tranh, với hệ lụy kéo theo đương nhiên là đau thương, tang tóc, tàn phá, hủy hoại… Song, với chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga đang tiến hành ở miền đông Ukraine, viễn cảnh hòa bình dường như vẫn ở tận đằng sau đường chân trời xám xịt.

Những lời kêu gọi lạc giữa thinh không

Khó có thể coi cuộc xung đột ấy vẫn chỉ là “chuyện riêng” giữa hai nước từng là anh em: Nga và Ukraine. Tính chất “quốc tế hóa” của nó đã được thể hiện rõ ràng, vượt qua phạm vi nhỏ nhoi của những cuộc giao tranh - mà trong đó, có cả sự hiện diện của những nguồn vũ khí lẫn các chiến binh đến từ nhiều nơi trên thế giới - để chạm tới các cấu trúc rộng lớn và quan trọng hơn gấp bội, đối với toàn thế giới.

Mới nhất, ngày 30/10, theo hãng tin Reuters, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phải hoãn chuyến công du tới Algeria tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lại một ngày, để tập trung vào vấn đề mà ông “quan ngại sâu sắc”: Nước Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua những tuyến đường hàng hải ở Biển Đen.

Chiến tranh không chỉ là tiếng súng -0
Những khoảng vênh rất lớn vẫn hiện hữu giữa quan điểm hai phía.

Đại diện cho NATO, người phát ngôn Oana Lungescu “kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình và gia hạn thỏa thuận khẩn cấp, tạo điều kiện cho thực phẩm đến tay những người cần nhất”.“Hàng hóa xuất khẩu từ đó đã giúp giảm giá lương thực trên toàn thế giới”, bà Lungescu nhấn mạnh.

Đến sáng 31/10, bởi quyết định đó, việc Nga ngừng tham gia thỏa thuận khiến giá lúa mỳ tăng 5%, có lúc tăng gần 6%, lên mức 8,93 USD/giạ, giá ngô tăng 2,2%. Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá: Việc Nga rút khỏi thỏa thuận có tác động xấu và trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu. Quan điểm này được các nước đồng minh phương Tây của Washington chia sẻ. Theo các chuyên gia quốc tế, tình hình sẽ còn có thể xấu hơn, trong những ngày tới.

Song, vấn đề là, theo phía Nga, chỉ 3% số thực phẩm xuất khẩu từ các cảng biển của Ukraine theo thỏa thuận do LHQ làm trung gian đến được các nước nghèo nhất, trong khi phương Tây chiếm một nửa tổng số chuyến hàng. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nhấn mạnh: Quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc là nhằm phản ứng lại vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea, do Ukraine thực hiện, do đó, Nga khôn thể “đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự”.

Chiến tranh không chỉ là tiếng súng -0
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T. Erdogan đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc cho Ukraine.

Tất nhiên, Kyiv bác bỏ cáo buộc này và cả LHQ cũng khẳng định: Không có tàu hàng nào liên quan đến thỏa thuận ngũ cốc do LHQ làm trung gian lưu thông trên Biển Đen, vào thời điểm diễn ra vụ tập kích.

Ngày 31/10 vẫn có thêm 12 chuyến tàu chở ngũ cốc rời các cảng của Ukraine, dưới sự hộ tống của các đội tàu tuần tra do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp thực hiện. Tuy vậy, các “phương án B” cũng đã được lên kế hoạch. Trong ngày 31/10, trả lời phỏng vấn đài phát thanh RMC, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau cho biết Pháp đã xúc tiến các công đoạn cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực qua đường bộ thay vì tuyến Biển Đen, thông qua Ba Lan hoặc Romania.

Đã không còn là “nguy cơ” nữa. Cùng với năng lượng hay phân bón, giá lương thực toàn cầu đã thực sự phải hứng chịu những tác động tiêu cực, theo đà diễn tiến của cuộc chiến, để tạo nên những hiệu ứng mang tính khủng hoảng với phạm vi rộng lớn, làm chao đảo kết cấu kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.

Chiến tranh không chỉ là tiếng súng -0
Phía Ukraine vẫn tin rằng tình hình chiến sự sẽ định đoạt đàm phán hòa bình.

Tia sáng nào cuối đường hầm?

Cuộc chiến nào rồi cũng sẽ phải đến lúc kết thúc. Song, vấn đề là nó có thể kết thúc như thế nào? “Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với họ (Chính phủ Ukraine) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng họ đã ném chúng vào thùng rác. Giờ đây, họ từ chối mọi cuộc thảo luận với chúng tôi. Làm sao có thể nói đến những thỏa thuận khi bên kia thậm chí không muốn nói chuyện. Nhưng, chúng tôi có thể chờ. Có thể sẽ cần những điều kiện kèm theo nhất định, song chúng tôi đã tỏ rõ thiện chí. Điều này là chắc chắn và sẽ không thay đổi” - ngày 31/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong cuộc họp báo, theo hãng tin Sputnik. Chủ nhân Điện Kremlin cũng làm rõ: Để có thể đưa ra các đề xuất đàm phán thì đầu tiên các cuộc đàm phán phải được diễn ra.

Song, mới chỉ một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, Oleh Nikolenko, tuyên bố: “Đề xuất thực tế duy nhất là Nga phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến chống Ukraine và rút quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine”. Lập trường kiên định và cứng rắn này đã được Kyiv duy trì kể từ đầu cuộc xung đột và đến hiện tại vẫn không thay đổi.

Như quan điểm chính thức của Kiyv, tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov - rằng Nga vẫn đang chờ đợi phản ứng của phương Tây để có thể “đưa ra một số cách tiếp cận nghiêm túc giúp xoa dịu căng thẳng, đồng thời tính đến lợi ích của Nga cũng như an ninh của nước này” - chỉ là “kế hoãn binh”, trong bối cảnh quân đội Nga đang gặp khó khăn trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo ông Nikolenko, chừng nào Nga còn tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine thì mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết trên chiến trường.

Chiến tranh không chỉ là tiếng súng -0
Sẽ rất khó để đối thoại vì Kyiv từng nói rằng họ không muốn đàm phán khi tổng thống Nga vẫn là ông Vladimir Putin.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 30/10, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cung cấp thêm một khía cạnh khác của câu chuyện, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1: “Rõ ràng là Washington có quyền quyết định trong vấn đề này. Đàm phán với Kiev sẽ không giải quyết được điều gì”.

Ông làm rõ thêm: Những thỏa thuận với Ukraine, như đã từng có hồi tháng 3/2022, có thể dễ dàng bị hủy bỏ bởi những tác động từ bên ngoài. Do đó, “thảo luận với bên bảo trợ cho họ (Ukraine) là điều cần thiết”.

Ở đây, điểm rõ ràng nhất nổi lên trên bề mặt câu chuyện là độ vênh về quan điểm giữa hai phía Nga - Ukraine, khi hướng đến các cuộc đàm phán. Và bởi vậy, sự thiếu một xuất phát điểm được nhất trí đó lại càng khiến chặng đường phía trước tiến trình tái khởi động hòa đàm bị chất thêm nhiều chướng ngại vật khổng lồ.

Thực tế, hiện tại, nước Nga không chỉ đang tiến hành một “trận chiến” đơn lẻ ở miền Đông Ukraine. Phương diện quân sự có lẽ cũng chỉ là một trong những khía cạnh chính của một cuộc trỗi dậy đòi lại vị thế mà đương kim chủ nhân Điện Kremlin cho rằng nước Nga xứng đáng có được. Ông đang thực hiện tiến trình ấy, bằng cả một cuộc chiến tiêu hao kinh tế dành cho Liên minh châu Âu (EU) lẫn NATO. Ông thử thách sức chịu đựng của họ, đẩy họ đến những giới hạn mới của sự thiếu thốn, kham khổ, cực nhọc, bất ổn... Từ đó, nước Nga từng ngày chứng minh rằng trật tự thế giới đơn cực - với sự áp đặt các giá trị Mỹ và phương Tây – đã đến lúc phải kết thúc.

Từ góc nhìn “tranh bá đồ vương” này, dường như sẽ không có gì là bất ngờ nếu Moscow để ngỏ những cánh cửa đàm phán, nhưng lại không vội vàng thực sự bước chân vào. Cho đến hiện tại, trên thực địa chiến trường, sau những đợt thu hồi lãnh thổ diện rộng tại phía Đông Bắc, quân đội Ukraine đã chững lại tại một khu vực quan trọng hơn - miền duyên hải Biển Đen phía Đông Nam. Tương quan vị thế công - thủ (về mặt quân sự chuyên môn thuần túy) đã thay đổi và những nỗ lực tiến quân của Kyiv ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mùa đông buốt giá đang đến gần.

Trong khi đó, hạ tầng cơ sở ở hậu phương của Ukraine liên tục bị uy hiếp bởi những đợt không tập từ phía Nga - điều sẽ dẫn đến không chỉ các khó khăn về tiếp liệu và hậu cần, mà còn gây xáo trộn xã hội nghiêm trọng. Trong khi đó, Ukraine càng ngày càng phụ thuộc vào những nguồn viện trợ từ phương Tây, bởi gần như toàn bộ nền kinh tế của họ, kể cả công nghiệp quốc phòng, đã bị tê liệt.

Chiến tranh không chỉ là tiếng súng -0
Những chuyến tàu chở ngũ cốc Ukraine vẫn có thể rời cảng ở Biển Đen.

Câu hỏi đặt ra thật rõ ràng: Phương Tây sẽ còn “hà hơi tiếp sức” cho Ukraine được đến bao giờ? Ẩn số tiếp theo, không gì khác, chính là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Đương kim Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ còn tại vị thêm 2 năm nữa, nhưng nếu để mất quyền kiểm soát một trong hai (hoặc cả hai) viện quốc hội, quyết sách nào mà ông đưa ra chắc chắn cũng sẽ vấp phải rất nhiều lực cản, từ phe Cộng hòa đối lập. Và, chính sách đối ngoại - liên can mật thiết đến cả mối quan hệ với Ukraine cũng như với Nga - hẳn cũng sẽ không phải ngoại lệ.

Trong lịch sử chiến tranh của loài người, nhiều khi đối thoại và đàm phán, chiến sự hay hòa bình lại không được quyết định ở chiến địa. Chúng có thể được định đoạt tại chính trường...

Mây Linh
.
.
.