Chi phí quốc phòng của NATO, bao nhiêu là đủ?
Giới phân tích nhận định việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ khiến châu Âu cần phải nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng. Nguyên nhân là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ sớm phải hướng tới ngưỡng chi tiêu quốc phòng mới tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đánh giá việc ông Trump quay trở lại nắm quyền sẽ tác động ra sao đến an ninh của “lục địa già”. Những bước tiến của quân đội Nga ở Ukraine đang mang lại ưu thế hơn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi những xung đột giữa Nga và các nước châu Âu đang ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ là một trong những điều châu Âu phải giải quyết nhanh chóng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Praha vừa được Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức, các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia đã nhất trí rằng, mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra từ cách đây 10 năm hiện sẽ không còn đủ cho mục tiêu chi tiêu quốc phòng của châu Âu. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Séc Petr Pavel, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, cũng đồng ý với quan điểm này, cho rằng 2% GDP cho quốc phòng là không đủ và châu Âu sẽ phải đầu tư nhiều hơn, tốt hơn vào quốc phòng để bảo vệ các giá trị và an ninh của bản thân.
Các cuộc thảo luận đang dần hướng tới ngưỡng chi tiêu quốc phòng mới, với tỷ lệ 3% GDP. Đây có thể sẽ là một trong những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới tại La Haye, Hà Lan. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nhấn mạnh, tỷ lệ 2% hoặc 2,5% GDP là không đủ, con số dành cho chi tiêu quốc phòng phải ở ngưỡng 3% GDP. Thực tế, Estonia đang hướng tới mục tiêu chi 3,4% GDP cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2024 và thậm chí đặt mục tiêu cao hơn nữa. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Peskuv, điều quan trọng là số tiền này được sử dụng để hiện đại hóa và mua sắm vũ khí mới, từ đó có được những năng lực mới.
Ông Peskuv cho biết, với mỗi đồng tiền đầu tư vào quốc phòng, Estonia sử dụng khoảng 55% nguồn vốn này để phát triển năng lực, trong khi mức trung bình ở NATO chỉ ở mức 30%. Bên cạnh đó, ông Peskuv cũng cho biết, Estonia đã tập trung vào việc mua sắm hệ thống pháo binh và đạn dược mới. Đồng quan điểm với Bộ trưởng Peskuv, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho rằng, mức chi tiêu 2% GDP đã lạc hậu và mức chi tiêu 3% GDP sẽ là cơ sở mới, thậm chí các nước NATO sẽ cần chi tiêu quốc phòng trên 4% GDP trong tương lai.
Trong năm 2024, có 23/32 quốc gia thành viên NATO được dự kiến đạt hoặc vượt mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP, tuy nhiên phần lớn trong số đó chỉ đạt ngưỡng 2% GDP. Mặc dù vậy, có 5 quốc gia thành viên NATO, gồm Ba Lan, Estonia, Mỹ, Latvia và Hy Lạp sẽ vượt ngưỡng 3% GDP chi cho quốc phòng trong năm 2024. Giới chuyên gia đánh giá, các quốc gia châu Âu đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ trong đầu tư và hiện đại hóa quân đội. Một ví dụ điển hình là Cộng hòa Séc, hiện nước này đang có khoản nợ lên tới khoảng 600 tỷ CZK (khoảng 25 tỷ USD).
Các quốc gia ở phía Đông của NATO và Liên minh châu Âu (EU) chủ yếu kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng. Trong đó, Ba Lan đang và sẽ là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất, ở mức 4,12% GDP trong năm 2024 và dự kiến chi tiêu 4,5% GDP trong năm 2025. Estonia đứng thứ hai với mức chi tiêu đạt 3,43% GDP và Mỹ đứng thứ ba với mức chi tiêu 3,38% GDP trong năm 2024. Trong khi đó, trong dự thảo ngân sách năm 2025, Nga đã lên kế hoạch chi tiêu 6,3% GDP cho quốc phòng, trong khi con số này ở Trung Quốc do các chuyên gia Mỹ ước tính là 1,7%.
Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sẽ gia tăng sức ép với các quốc gia thậm chí còn chưa tiến gần đến mốc chi 2% GDP cho quốc phòng như Tây Ban Nha. Nhà phân tích của IISS, chuyên gia về quân đội và chiến tranh, ông Franz-Stefan Gady nhận định, sau chiến thắng của Donald Trump, các thành viên NATO ở châu Âu sẽ tăng tốc việc gia tăng chi tiêu quốc phòng để chứng minh cho Tổng thống Mỹ thấy nỗ lực đẩy mạnh và thực sự làm gì đó để bảo vệ mình. Do đó, mức bình thường mới cho chi tiêu quốc phòng trong toàn NATO sẽ ở ngưỡng trên 2%.
Theo một nghiên cứu do tổ chức tư vấn IISS trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Praha, các quốc gia Nam Âu như Tây Ban Nha và Italy gặp vấn đề lớn nhất trong việc tăng ngân sách quốc phòng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa tỷ lệ GDP chi tiêu quốc phòng thực tế do NATO báo cáo chính thức với báo cáo của các quốc gia thành viên đang cố chứng tỏ rằng mình đang đóng góp nhiều hơn trước. Theo IISS, sự khác biệt này đến từ việc các quốc gia trên mở rộng định nghĩa về những gì có thể được hiểu là quốc phòng, bao gồm cả đầu tư vào đường bộ hoặc đường sắt.
Bên cạnh đó, IISS cho rằng, tỷ lệ mua sắm vũ khí mới, như chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quốc phòng, đang tăng lên đáng kể. NATO khuyến nghị mỗi quốc gia thành viên cần dành ít nhất 20% ngân sách quốc phòng cho các mục đích trên. Từ năm 2022, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tỷ lệ chi tiêu dành cho mục đích trên đã tăng lên 30%. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Âu Aspen, có trụ sở tại Praha, trong Chiến tranh lạnh, các quốc gia Tây Âu đã chi khoảng 3% GDP cho quốc phòng. Trong những năm 1980, nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa đã chi khoảng 5% GDP cho quốc phòng.
EU muốn hỗ trợ tăng chi tiêu quốc phòng bằng cách bổ nhiệm một chức vụ mới là Ủy viên Quốc phòng và không gian, đồng thời chỉ định cựu Thủ tướng Litva Andrius Kubilius nắm giữ cương vị này. Nhưng các nước thành viên và bản thân NATO vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc phòng thủ, trong khi EU chỉ có thể nỗ lực hỗ trợ bằng cách điều phối chính sách công nghiệp, tìm kiếm các nguồn mới hoặc thay đổi chính sách đó.