Bangladesh lúng túng trước ngã ba lịch sử

Thứ Tư, 28/08/2024, 10:00

Sau khi phong trào biểu tình của sinh viên lật đổ Thủ tướng Sheikh Hasina, Bangladesh đang đứng trước một ngã ba lịch sử. Nhưng, đất nước đông dân thứ 8 trên thế giới vẫn lúng túng, chưa biết lối đi nào an toàn.

Từ chuyện những sinh viên trở thành bộ trưởng

3 tháng trước, Nahid Islam còn bận rộn với các bài đăng trực tuyến về cuộc chiến ở Gaza và những cuộc thảo luận trong câu lạc bộ sách tại Đại học Dhaka. Hiện tại, sinh viên xã hội học 26 tuổi - người đã giúp lãnh đạo các cuộc biểu tình lật đổ cựu Thủ tướng Sheikh Hasina - là Bộ trưởng Công nghệ và Viễn thông của Bangladesh và đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến 170 triệu người.

Bangladesh lúng túng trước ngã ba lịch sử -0
Nahid Islam (cầm micro) cùng các sinh viên biểu tình chống lại chính quyền của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina. Ảnh: WSJ.

Islam và những sinh viên biểu tình khác đã vận động quân đội đưa Muhammad Yunus - một chủ ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô từng đoạt giải Nobel, lên làm người đứng đầu chính phủ lâm thời.

Sinh viên đã có được nhà lãnh đạo mà họ mong muốn, cùng với 2 ghế trong nội các của ông. Và, Islam là lựa chọn tự nhiên cho một trong hai vị trí đó. Trong khi theo đuổi bằng thạc sĩ, Islam đã mài giũa kỹ năng tổ chức của mình trong phong trào đại học và trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của các cuộc biểu tình sinh viên.

Từ vị trí mới giám sát truyền thông của đất nước - quản lý việc phát sóng và internet - Islam đã gửi đi thông điệp rằng chính phủ mới sẽ khác: “Chúng tôi sẽ ưu tiên hàng đầu cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí”.

Một sinh viên khác là Asif Mahmud, cũng 26 tuổi, cũng đang giữ chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao trong chính phủ lâm thời. Trước khi đảm nhận cương vị này, Asif Mahmud đang học thạc sĩ ngành ngôn ngữ học tại Đại học Dhaka và cũng là một lãnh đạo có ảnh hưởng lớn của phong trào sinh viên sau khi bị cảnh sát của chính quyền cũ bắt giam.

Sự xuất hiện của những thủ lĩnh sinh viên như Asif Mahmud và Nahid Islam trong nội các lâm thời của Thủ tướng tạm quyền Muhammad Yunus khiến nhiều người dân Bangladesh hy vọng vào những sự đổi thay tích cực cho đất nước.

Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là cả Asif Mahmud và Nahid Islam cũng như “sếp” của họ, Thủ tướng tạm quyền Yunus, đều chưa từng có kinh nghiệm chính trị hay kỹ năng quản trị đất nước.

Muhammad Yunus, 84 tuổi, là một giáo sư kinh tế và từng đoạt giải Nobel nhờ nỗ lực xóa đói giảm nghèo bằng các khoản tín dụng vi mô từ Ngân hàng Grameen Bank của ông. Nhưng, về mặt chính trị, kinh nghiệm duy nhất của ông chỉ là một lần... thử thành lập đảng của riêng mình vào năm 2007.

Bangladesh lúng túng trước ngã ba lịch sử -0
Asif Mahmud (bìa trái) và Nahid Islam (bìa phải) chụp ảnh cùng Thủ tướng tạm quyền Muhammad Yunus. Ảnh: Somoynews.

Chỉ vài tháng sau khi tuyên bố ý định lập một chính đảng có tên Quyền lực công dân, ông Yunus đã bỏ cuộc và cũng từ bỏ luôn ý định làm chính trị vì choáng váng trước những cạm bẫy và áp lực khủng khiếp của con đường này, nhất là khi ông chẳng có một cương lĩnh thực sự và cũng thiếu những hậu thuẫn mang tính tổ chức để điều hành một chính đảng.

Yunus sau đó còn liên tiếp hứng chịu những cáo buộc tham nhũng, biển thủ và bị phế truất khỏi cương vị Chủ tịch Ngân hàng Grameen Bank rồi phải sống lưu vong ở nước ngoài. Vậy mà giờ đây, ông đã trở lại Bangladesh đảm nhận cương vị đứng đầu chính phủ lâm thời của một đất nước đang hỗn loạn sau cơn địa chấn chính trị.

Thách thức bủa vây chính phủ lâm thời

Chỉ 72 giờ sau khi bà Hasina chạy trốn khỏi đất nước vào ngày 5/8, ông Yunus đã tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời, với thành phần chủ yếu bao gồm các nhà kỹ trị và 2 đại diện của sinh viên. Chính phủ này, theo hiến pháp chỉ được phép tồn tại trong 90 ngày với nhiệm vụ duy nhất là tổ chức một cuộc bầu cử tự do.

Bangladesh lúng túng trước ngã ba lịch sử -0
Sinh viên ăn mừng việc bà Hasina phải từ chức thủ tướng và chạy khỏi Bangladesh. Ảnh: Zuma Press.

Nhưng, việc chính quyền của bà Hasina sụp đổ quá nhanh đã để lại khoảng trống quyền lực khiến xã hội Bangladesh rơi vào bất ổn nghiêm trọng. Tất cả cảnh sát đều từ chối làm nhiệm vụ do sợ bị trả thù vì đã bắn người biểu tình. Cướp bóc lan rộng, những sự trả thù nhắm vào các quan chức chế độ cũ và các cơ sở liên quan đến nhóm thiểu số tôn giáo Hindu cũng ngày một nhiều.

Trong những ngày gần đây ở Dhaka, cảnh sát đã trở lại đường phố, khôi phục lại một số mức độ trật tự song những thách thức về quản lý vẫn còn, một phần là do hàng trăm thị trưởng và các quan chức địa phương khác có liên hệ với chế độ cũ vẫn bỏ trốn. Đấy là chưa kể, sinh viên đã buộc các quan chức nắm giữ những chức vụ quyền lực nhất - bao gồm Chánh án Tòa án Tối cao, Thống đốc Ngân hàng Trung ương và hiệu trưởng các trường đại học hàng đầu - phải từ chức.

Tất cả bối cảnh đó đặt ra cho chính phủ lâm thời của Thủ tướng Yunus quá nhiều thách thức cần giải quyết trước khi có thể tổ chức được một cuộc bầu cử. Trong số đó, kinh tế có lẽ là thách thức cấp bách nhất. Hiện tại, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Bangladesh đã bị lung lay nghiêm trọng do lạm phát 2 con số, dòng vốn tháo chạy ồ ạt, dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt và một hệ thống ngân hàng gặp nhiều rắc rối.

Thách thức thứ hai, cũng cấp bách chẳng kém, là phải nhanh chóng cải thiện luật pháp và trật tự, đảm bảo an toàn công cộng và bảo vệ an ninh cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Nếu không sớm ổn định môi trường an ninh chung và cung cấp lại các dịch vụ công cho người dân, tính hợp pháp của chính phủ lâm thời có thể sẽ suy yếu nghiêm trọng.

Bangladesh chưa tìm được hướng đi

Hiện tại, chính phủ của ông Yunus đang phải chịu áp lực rất lớn để cân bằng các yêu cầu của những đảng phái chính trị và của người dân. Trong khi các đảng phái tại Bangladesh đang thúc đẩy việc tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt, thì người dân nước này muốn trước tiên cần phải tiến hành các cải cách sâu rộng về thể chế và chính trị. Các sinh viên cũng cho rằng chính phủ lâm thời phải là chính phủ có quyền lực chứ không chỉ nhằm mục đích giám sát bầu cử. Họ muốn có những thay đổi toàn diện hơn nữa về chính trị tại quốc gia này trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Bangladesh lúng túng trước ngã ba lịch sử -0
Binh sĩ bắt tay các sinh viên. Quân đội quyết định không nắm quyền nhưng Bangladesh vẫn chưa hẹn được ngày bầu chính phủ mới. Ảnh: Reuters.

Sinh viên vẫn là lực lượng có sức chi phối mạnh nhất tới chính trường Bangladesh lúc này. Tiếng nói của họ sẽ phải được lắng nghe. Nhưng, sinh viên lại không có một chính đảng dẫn đường. Cuộc cách mạng của họ mang tính tự phát, thiếu một cương lĩnh và sách lược cụ thể. Nói cách khác, sau khi lật đổ chính quyền cũ, sinh viên Bangladesh vẫn chưa biết chính xác họ phải thực hiện những bước đi gì tiếp theo để xây dựng một xã hội mới.

Khả năng sinh viên thành lập một chính đảng của riêng mình đã được nhắc đến, nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng. Tuần trước, Mahfuj Alam, người chủ trì một ủy ban có nhiệm vụ liên lạc giữa chính phủ và các nhóm xã hội như giáo viên và nhà hoạt động, cho biết các nhà lãnh đạo sinh viên đã thảo luận về việc thành lập một đảng chính trị.

Sinh viên luật 26 tuổi này nói với Reuters rằng quyết định sẽ được đưa ra trong khoảng một tháng nữa, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo biểu tình muốn tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân trước khi quyết định về một cương lĩnh. “Mọi người thực sự mệt mỏi với các đảng phái chính trị hiện tại. Họ tin tưởng chúng tôi”, Mahfuj Alam phát biểu tại cổng Khoa Nghệ thuật của Đại học Dhaka.

Sau khi câu chuyện được đăng tải, Alam cho biết trên Facebook rằng tuyên bố của anh với Reuters "là sai" và mục tiêu chính của sinh viên là duy trì tinh thần nổi dậy của quần chúng và củng cố chính quyền. “Chúng tôi không nghĩ đến các tổ chức chính trị ngay bây giờ", Alam nói trong bài đăng trên Facebook, đồng thời tuyên bố ưu tiên của sinh viên là cải cách toàn diện hệ thống chính trị. “Mọi người sẽ biết cấu trúc chính trị sẽ như thế nào vào thời điểm thích hợp”.

Các nhà lãnh đạo sinh viên trong chính phủ lâm thời chưa nêu rõ họ định theo đuổi chính sách nào, ngoài những thay đổi toàn diện về mặt thể chế - chẳng hạn như cải cách ủy ban bầu cử do Hasina lựa chọn - để tránh một đợt cai trị độc đoán khác.

"Tinh thần của phong trào này là tạo ra một Bangladesh mới, nơi không có phát xít hay nhà độc tài nào có thể quay trở lại", Nahid Islam, đại diện sinh viên đang giữ chức Bộ trưởng Công nghệ và Viễn thông cho biết. “Để đảm bảo điều đó, chúng ta cần những cải cách về mặt cấu trúc, chắc chắn sẽ mất một thời gian”.

Nhưng, thời gian là bao lâu thì Islam không nói. Và, cũng như sinh viên 26 tuổi này, Thủ tướng tạm quyền Yunus cũng chia sẻ rằng ông không muốn giữ chức vụ được bầu nhưng lại không xác định được chính phủ lâm thời của mình sẽ làm gì tiếp theo, không đưa ra được một lộ trình cụ thể trước quốc dân rằng ông có thể nắm quyền trong bao lâu và dưới thẩm quyền nào.

Bangladesh vì thế vẫn ngẩn ngơ giữa ngã ba lịch sử, dù đã hơn 2 tuần sau khi đất nước Nam Á này tự đưa mình tới giao lộ định mệnh ấy bằng những cuộc biểu tình “dời non lấp biển” của sinh viên.

Quân đội sẽ không nắm quyền

Sau khi bà Hasina bỏ trốn, tướng Waker-uz-Zaman, Tổng Tham mưu trưởng lục quân Bangladesh đã nắm quyền kiểm soát đất nước và sau đó đứng ra đảm bảo việc thành lập chính phủ lâm thời. Việc này từng khiến người ta lo ngại về việc Bangladesh sẽ rơi vào “cái bẫy” chính quyền quân sự.

Tuy nhiên, quân đội Bangladesh không có ý định nắm quyền. Chỉ vài giờ sau khi chính phủ cũ sụp đổ, tướng Waker-uz-Zaman cùng các thủ lĩnh của các nhánh quân đội khác và Tổng thống Mohammed Shabuddin đến thăm các lãnh đạo sinh viên và những đại diện xã hội dân sự. Họ cũng gặp gỡ lãnh đạo các đảng Dân tộc Bangladesh, Jamaat-e-Islam và Jatiya ngay trong ngày 5/8. Tất cả đều cho thấy quân đội đã sẵn sàng bước sang một bên để nhường chỗ cho tiến trình chính trị toàn diện nhằm kiến tạo một chính phủ dân chủ tại Bangladesh.

Quang Anh
.
.
.