Ấn Độ và cương vị Chủ tịch G20
Ngày 1/12, Ấn Độ chính thức đảm nhận chức Chủ tịch G20. Đây được cho là cơ hội để chính quyền ông Narendra Modi thúc đẩy tham vọng thay đổi trật tự thế giới, vốn được hình thành từ sau Thế chiến II. Quan điểm của Ấn Độ là xem xét lại ưu thế của phương Tây và đẩy mạnh mục tiêu “Ấn Độ trên hết”, với tham vọng biến mình thành cường quốc sau gần 100 năm độc lập kể từ 1947.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào giữa tháng 11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã “vẽ” nên bức tranh hiện trạng của hành tinh: Biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, các sự kiện ở Ukraine... đã gây tổn thất lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn. Các mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt trên toàn thế giới”. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng các tổ chức đa phương hiện nay, bao gồm cả Liên hợp quốc, đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề này và kêu gọi lập lại trật tự thế giới.
Ấn Độ muốn sử dụng vị thế Chủ tịch G20 để đẩy nhanh quá trình sắp đặt lại hệ thống quốc tế. Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của ông Modi đã theo đuổi mục tiêu này từ nhiều năm qua nhằm giảm bớt ảnh hưởng của phương Tây. Năm 2020, trong cuốn sách của mình mang tên “Con đường Ấn Độ”, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar viết: “Chìa khóa cho sự trường tồn của phương Tây nằm ở tập hợp các thể chế và thông lệ quốc tế mà họ thiết lập trong thời kỳ thống trị... Việc thực hiện các giải pháp thay thế là một thách thức lớn. Nhưng, đã đến lúc phải làm điều đó!”. Để đạt được mục tiêu này, trong số các biện pháp đưa ra, Ngoại trưởng Jaishankar nhấn mạnh “quyền lực mềm”. Ông cho rằng Ấn Độ phải chinh phục thế giới bằng cách đưa Ấn Độ giáo và truyền thống Ấn Độ đến với cộng đồng quốc tế.
Thủ tưởng Modi sẽ tận dụng cương vị Chủ tịch G20 để tôn vinh triết học và văn hóa Hindu, coi đây là chìa khóa cho việc cải cách trật tự quốc tế. Khi công bố biểu tượng của nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, ông đã ca ngợi học thuyết Advaita. Theo ông, trường phái triết học này của Ấn Độ giáo sẽ là phương tiện giải quyết các xung đột thế giới và xử lý các tình huống khó xử trong thời đại hiện nay.
Thủ tướng Ấn Độ cũng thông báo sẽ tổ chức hơn 200 hội nghị trên khắp cả nước để các đại biểu G20 có cái nhìn tổng quát về sự đa dạng kinh ngạc, truyền thống bao trùm và sự phong phú của văn hóa Ấn Độ. Tiêu điểm của nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của nước này là Hội nghị thượng đỉnh New Delhi vào tháng 9/2023. Theo Thủ tướng Narendra Modi, đây là một trong những hội nghị quốc tế có uy tín nhất do Ấn Độ tổ chức.
Đối với vị trí Chủ tịch luân phiên G20, Ấn Độ dự định tập hợp các quốc gia phía Nam và tự coi mình là người phát ngôn, thậm chí là người bảo vệ các nước đang phát triển. Chính quyền ông Narendra Modi đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine trong đại dịch COVID-19, cung cấp hàng triệu liều vaccine cho châu Phi và Nam Á. Ấn Độ cũng nhấn mạnh tình bạn gắn bó đặc biệt với các nước phía Nam. Ông Modi từng nói: “Không nên có thế giới phát triển hay thế giới thứ ba, mà chỉ nên có một thế giới”.
Ấn Độ cũng sẽ phải tiếp tục vận động các quốc gia giàu có tài trợ thêm cho các nước nghèo khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Điều này cũng sẽ giúp Ấn Độ có khả năng tự tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của chính mình. Mặt khác, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar đang đề xuất lôi kéo Trung Quốc. Ông nhận định rằng bất chấp tình trạng căng thẳng song phương, Bắc Kinh và New Delhi có lợi ích chung khi đối mặt với phương Tây. Trong cuốn sách “Con đường Ấn Độ”, ông viết: “Ấn Độ và Trung Quốc luôn ý thức được rằng hai nước đều phản đối trật tự do phương Tây thiết lập. Hai quốc gia đang cùng nỗ lực theo đuổi mục tiêu tạo ra một thế giới cân bằng hơn. Cho dù đó là để duy trì sức mạnh và sự ổn định của Nga hay để chống lại chủ nghĩa tôn giáo chính thống, thì lợi ích của họ luôn hội tụ”.
Cuối cùng, Ấn Độ coi Nga, quốc gia muốn cải tổ trật tự quốc tế vốn đang chịu sự chi phối quá mức của Mỹ, là đồng minh cần được bảo vệ. Ấn Độ và Nga đã liên kết với nhau thông qua quan hệ đối tác chiến lược, tập trung vào vũ khí và dầu mỏ. Ấn Độ lo ngại Nga suy yếu sau cuộc chiến và thúc giục nước này ngồi vào bàn đàm phán.
Phương Tây không bình luận gì về tham vọng của Ấn Độ, song những động thái vừa qua cho thấy, rõ ràng có một “sự khích lệ” không nhỏ dành cho đất nước tỷ dân này. Ấn Độ hiện là một phần của nhóm Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và hoạt động dựa trên quan hệ đối tác về các vấn đề cụ thể như vaccine. Mặc dù những động thái này nằm trong khuôn khổ cách thức của phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng cũng là chứng thị cho thấy vai trò của Ấn Độ tại khu vực.
Pháp đã mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ sau khi ông Emmanuel Macron lên nắm quyền. Hai nước đang hợp tác trong sứ mệnh giám sát ở Ấn Độ Dương, nơi có sự hiện diện mạnh mẽ của hạm đội Trung Quốc. Tháng 6/2022, Liên minh châu Âu đã khởi động lại các cuộc đàm phán với Ấn Độ để đi đến một hiệp định thương mại tự do vào năm 2024.
Các thỏa thuận với phương Tây sẽ là chìa khóa để Ấn Độ có thêm nhiều đợt chuyển giao công nghệ, nhiều đầu ra cho xuất khẩu và nhiều thị thực để sịnh viên của họ vào được các trường đại học tốt nhất trên thế giới. Cuối cùng, chính trị thực tế vẫn luôn là yếu tố cần phải tính đến.