Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc đua rộng mở

Thứ Tư, 30/11/2022, 11:01

Ngày 27/11, Chính phủ Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, trong đó Ottawa xác định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng suốt tiến trình định hình tương lai của Canada trong thế kỷ tới. Chiến lược này là một lộ trình toàn diện và ở rất nhiều khía cạnh, nó tô đậm thêm vị thế của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để âm thầm mở ra một cuộc đua mới nhằm tạo dựng các mối quan hệ hợp tác phát triển, cũng như tăng cường ảnh hưởng.

Chương trình đầy tham vọng

Chính phủ Canada của Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh: Mọi vấn đề quan trọng đối với người dân Canada - bao gồm an ninh quốc gia, kinh tế thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị dân chủ, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và quyền con người - sẽ được định hình bởi các mối quan hệ (cùng các đồng minh và đối  tác) với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc đua rộng mở -0
Thủ tướng Canada Justin Trudeau với sứ mệnh đưa Canada trở thành một trung tâm quyền lực quốc tế đích thực.

Song song, Ottawa khẳng định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada, để bảo đảm rằng người dân nước này và khu vực được hưởng lợi từ sự tham gia của Canada.

Tập tài liệu dày 26 trang nêu rõ: Giai đoạn 5 năm đầu tiên trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada sẽ bao gồm các sáng kiến mới, với nguồn vốn đầu tư khoảng 2,3 tỷ CAD (1,72 tỷ USD). Trong hai năm 2026-2027, Chính phủ Canada sẽ cập nhật các sáng kiến và nguồn lực cho giai đoạn 2027-2032. Đồng thời Canada xác định chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nỗ lực của toàn xã hội, hướng đến 5 mục tiêu liên kết với nhau.

Thứ nhất, thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh. Sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đánh giá có vai trò thiết yếu đối với toàn cầu. Theo đó, Canada sẽ đầu tư để tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, củng cố năng lực tình báo và an ninh mạng để thúc đẩy an ninh trong khu vực và đảm bảo sự an toàn của công dân ở trong nước.

Thứ hai, mở rộng thương mại, đầu tư và sự phục hồi của chuỗi cung ứng. Canada sẽ nắm bắt các cơ hội kinh tế bằng cách tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong khu vực, đồng thời xây dựng nền kinh tế nội địa mạnh mẽ và an toàn hơn. Nước này cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu tư hiệu quả, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh cạnh tranh và củng cố trật tự kinh tế khu vực cởi mở, bền vững hơn và có thể dự đoán được.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc đua rộng mở -0
Canada không dấu khả năng tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ ba, đầu tư và kết nối giao lưu nhân dân giữa Canada với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm của chiến lược này. Ottawa sẽ mở rộng hợp tác giáo dục, tăng cường năng lực xử lý thị thực, đồng thời khuyến khích các chuyên gia nước này tham gia nhiều hơn vào các vấn đề khu vực...

Canada cũng sẽ tăng cường hỗ trợ quốc tế về nữ quyền để giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển trong khu vực, thúc đẩy những nỗ lực tập thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tiếp tục tham gia và bảo vệ quyền con người trong khu vực.

Thứ tư, xây dựng tương lai xanh và bền vững. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Đây cũng là nơi có nhiều nền kinh tế đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - nhân tố sẽ tác động đáng kể đến sự bền vững của môi trường.

Thông qua những mối quan hệ đối tác mới và mở rộng trong khu vực, Canada sẽ hỗ trợ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững và ít carbon. Ottawa cũng sẽ chia sẻ chuyên môn về công nghệ sạch, quản lý đại dương, chuyển đổi năng lượng và tài chính khí hậu, hợp tác với khu vực để giảm lượng khí thải và ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Thứ năm, Canada hướng tới trở thành đối tác tích cực và gắn kết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nước này sẽ mở rộng sự hiện diện và tăng cường sức ảnh hưởng, làm sâu sắc và đa dạng hóa quan hệ đối tác khu vực và hợp tác về các mối quan tâm chung.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc đua rộng mở -0
Nhóm bộ tứ ra tuyên bố khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở rộng, bao trùm và có khả năng phục hồi. Ảnh: NHK

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ phát triển kinhtế nhanh nhất thế giới. Đến năm 2030, đây sẽ là nơi sinh sống của 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu. Với mối quan hệ lịch sử và văn hóa của Canada với khu vực và hàng chục năm gắn bó với các đối tác tại đây, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ottawa, vì tương lai, lợi ích của Canada và của khu vực này.

Không ai muốn chậm chân

Như vậy, thông qua bản kế hoạch, tất cả những mục tiêu cụ thể mà Ottawa hướng đến đều đã được đề cập tương đối rõ ràng, kể cả những ý niệm về tăng cường hiện diện quân sự hay khuếch trương các giá trị mang màu sắc phương Tây (cũng có nghĩa là những bước tiến mới của đất nước rộng lớn thứ hai thế giới, trên con đường vươn mình trở thành một trung tâm quyền lực quốc tế đích thực).

Thậm chí, giới quan sát còn nhận định: Với việc Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực, đồng thời thể hiện mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc đua rộng mở -0
Một khu vực “trọng địa” mà không ai muốn vắng mặt.

Các nhà phân tích đều còn nhớ, Hiệpđịnh Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được ký lại trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Canada và Mexico đã bị nước Mỹ (dưới thời Tổng thống Donald Trump) đặt dưới nhiều áp lực như thế nào, để phải chấp nhận “thua thiệt” ra sao khi Mỹ lựa chọn chủ nghĩa bảo hộ. Kịch bản ấy vẫn hoàn toàn có thể tái diễn, do đó việc mở rộng thêm nhiều cánh cửa cho mình luôn là điều cần được tính toán.

Và sâu xa hơn, không cường quốc nào muốn mình trở thành kẻ chậm chân ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI này.

Bao hàm hai đại dương và khoảng 60% dân số thế giới, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có sự hiện diện của các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nền kinh tế phát triển nhanh như ASEAN. Không gian hàng hải khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọngtâm của thương mại toàn cầu với những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, chiếm khoảng 65% thương mại thế giới và đóng góp 60% GDP toàn cầu, Ấn Độ Dương kiểm soát các tuyến đường biển lớn chở một nửa số tàu container trên thế giới, 1/3 lưu lượng hàng hóa và 2/3 số lô hàng dầu của thế giới. Do đó, các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương liên quan trực tiếp đến lợi ích của rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào dòng chảy thương mại và năng lượng này.

Có một điều rất đáng chú ý: Thuậtngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) đã dần thay thế, cũng như khiến thuật ngữ “Châu Á - Thái Bình Dương” (Asia-Pacific) gần như biến mất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” lần đầu tiên xuất hiện trong diễn ngôn chính trị quốc tế vào năm2007 trong một bài báo của nhà nghiên cứu Ấn Độ Gurpreet Khurana, được định nghĩa là một không gian hàng hải nối Ấn Độ Dương với Tây Thái BìnhDương, giáp với các quốc gia ở châu Á (bao gồm cả Tây Á, Trung Đông) và Đông Phi.

Trong những năm 2010, các chiến lược, chính sách đối ngoại và nghiên cứu của chuyên gia ở nhiều nước bắtđầu quan tâm đặc biệt đến khu vực xuyên khu vực dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương này. Tuy nhiên, gần đây, khi Mỹ công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2017, khái niệm này mới được nhắc đến nhiều trong các tài liệu ngoại giao và học thuật trên thế giới.

Ngoài tham chiếu địa lý đơn thuần về sự kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khái niệm này cũng có ý nghĩa chiến lược và địa - chính trị, phản ánh những thay đổi chiến lược, trong đó thay đổi đáng kể nhất là lĩnh vực an ninh hàng hải. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, trọng tâm chiến lược toàn cầu đã chuyển dịch từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được thúc đẩy bởi các yếu tố, như: Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Ấn Độ cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương; sự lớn mạnh của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc đua rộng mở -0
Lộ trình chiến lược và toàn diện.

Trước những thay đổi nhanh chóng của cục diện toàn cầu và khu vực, khái niệm về một không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm của cácnước trong khu vực đã ra đời nhằm đối phó cũng như tận dụng cơ hội từ những sự đổi thay đó.

Ngoài chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ, các quốc gia cũngnhư định chế khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, ASEAN... cũng lần lượt đưa ra các tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một số nước châu Âu cũng bắt đầu thể hiện sự chú ý. Sau khi Pháp, Đức công bố chính sách hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Hà Lan cũng đã công bố tài liệu chiến lược chính thức đầu tiên về khu vực có vị trí then chốt này trên toàn cầu.

Canada, vì thế, không phải cường quốc đại dương đầu tiên nhưng chắc chắn cũng sẽ không phải là quốc gia hướng biển cuối cùng nghiêm túc xác lập một lộ trình chiến lược, nhằm bảo đảm cho mình một vị trí vững chắc, trên bản đồ địa chiến lược Indo-Pacific.

Mây Linh
.
.
.