Ấn Độ: Bác sĩ đình công phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại một nữ bác sĩ
Tất cả các dịch vụ bệnh viện ở Ấn Độ, ngoại trừ chăm sóc cấp cứu, đóng cửa vào thứ Bảy khi hàng ngàn bác sĩ gia tăng biểu tình phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại một đồng nghiệp bằng cách kêu gọi đình công trên toàn quốc. Họ yêu cầu công lý cho nạn nhân và an ninh tốt hơn tại các bệnh viện, chẳng hạn như kiểm soát chặt chẽ hơn những người ra vào, lắp nhiều camera giám sát hơn và nhiều lính canh hơn.
Cuộc đình công mà các bác sĩ bắt đầu trước đó có giới hạn hơn, chỉ ảnh hưởng đến các bệnh viện công và các ca phẫu thuật theo yêu cầu. Cuộc đình công vào thứ Bảy, do Hiệp hội Y khoa Ấn Độ kêu gọi, gây ra sự gián đoạn lớn trong 24 giờ. Tất cả các dịch vụ ngoại trú và điều trị tại các bệnh viện công và tư bị hủy bỏ.
Tiến sĩ Johnrose Jayalal, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết sự tức giận của công chúng cao đến mức Hiệp hội cảm thấy buộc phải tăng cường cuộc đình công. Đây là cuộc đình công được cho là lớn nhất trong 1 thập kỷ - để buộc chính phủ phải hành động. “Hãy xem, 50% bác sĩ là phụ nữ, 90% nhân viên điều dưỡng là phụ nữ. Chúng tôi muốn chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho họ bằng cách tuyên bố bệnh viện là khu vực được bảo vệ (phải có biện pháp an ninh), giống như sân bay và tòa án”, ông nói.
Jayalal nói thêm rằng các bác sĩ rất lo ngại về sự an toàn của các bác sĩ nữ và mức độ bạo lực gia tăng nói chung đối với tất cả các bác sĩ từ phía gia đình bệnh nhân. Đã có trường hợp bác sĩ bị đánh đập khi bệnh nhân tử vong.
Một bác sĩ 31 tuổi đã bị cưỡng hiếp và sát hại vào tuần trước trong một phòng hội thảo tại Bệnh viện RG Kar ở Kolkata, Tây Bengal, khi cô đi nghỉ vào ban đêm trong ca làm việc dài. Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy người đàn ông 33 tuổi làm việc không chính thức tại bệnh viên đã bị bắt và bị buộc tội vì anh ta có thể tiếp cận mọi ngóc ngách của bệnh viện.
Liên đoàn Hiệp hội Bác sĩ nội trú, đơn vị đã kêu gọi cuộc đình công, đã hủy bỏ cuộc họp vào thứ Tư với Bộ trưởng Y tế liên bang Jagat Prakash Nadda, nhưng nhiều bác sĩ vẫn tiếp tục đình công. Sự ngờ vực đối với cuộc điều tra của cảnh sát đã gia tăng, sau khi bệnh viện ban đầu nói với cha mẹ rằng con gái họ đã tự tử. “Điều rõ ràng từ vụ việc này là nhân viên bệnh viện, cùng với cảnh sát, muốn che đậy những thủ phạm thực sự”, Nazrul Islam, cựu Tổng Giám đốc cảnh sát Tây Bengal, nói với kênh tin tức NDTV.
Cũng giống như cuộc đình công về vụ giết người ở Kolkata nhưng cũng bao gồm một yêu cầu rộng hơn về sự an toàn cho tất cả bác sĩ, thì các cuộc biểu tình lan rộng khắp Tây Bengal và các thị trấn khác cũng là tiếng kêu cứu về sự an toàn của phụ nữ trên khắp Ấn Độ. Như một người biểu tình đã nói, “điều này vừa liên quan đến vị bác sĩ ở Kolkata bị hành hung, vừa liên quan đến mọi phụ nữ phải đối mặt với bạo lực hoặc quấy rối tình dục trong nước”. Thêm vào sự phẫn nộ đó, có báo cáo vào rằng, vào ngày 8/8, cảnh sát ở Uttarakhand đã phát hiện thi thể của một y tá trẻ đã bị cưỡng hiếp và sát hại 9 ngày trước đó khi đang đi bộ về nhà sau giờ làm việc.
Cảm giác phẫn nộ trong số những người phụ nữ ở Ấn Độ về vụ giết người ở Kolkata đã trở nên trầm trọng hơn do phản ứng vô cảm của những người nổi tiếng, cho thấy Ấn Độ ít thay đổi kể từ vụ hiếp dâm tập thể năm 2012 đối với một sinh viên trên chiếc xe buýt đang di chuyển ở Delhi đã làm rung chuyển cả nước. Đối với vụ bác sĩ ở Kolkata, Hiệu trưởng Trường Y khoa RG Kar, Tiến sĩ Sandip Ghosh không hề bày tỏ sự đau buồn về cái chết của bác sĩ, mà còn hỏi tại sao cô lại nghỉ ngơi một mình trong phòng hội thảo vào ban đêm. Sau khi từ chức, ông được bổ nhiệm vào một vị trí tại trường y khoa khác.
Các chính trị gia bắt đầu đổ lỗi. Khi bộ trưởng chính quyền Tây Bengal, Mamata Banerjee, bị các đảng đối thủ cáo buộc là lơ là trong vấn đề an toàn của phụ nữ, bà đã hỏi lại rằng: “Còn tình trạng bạo lực tình dục ở tiểu bang của các ngài thì sao?”.
Sau vụ giết hại bác sĩ 31 tuổi, các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng phản ánh sự tức giận của phụ nữ Ấn Độ cũng như phản ánh sự thất bại trong việc giải quyết những cuộc đấu tranh hằng ngày mà nhiều phụ nữ phải đối mặt.
Vào lúc nửa đêm, hàng nghìn phụ nữ cầm đuốc và thổi vỏ ốc xà cừ bắt đầu diễu hành qua những con phố tối tăm trên khắp tiểu bang Tây Bengal. Các cuộc diễu hành vào sáng sớm ngày 15/8 - Ngày Độc lập của Ấn Độ - là một phần của nhiều ngày biểu tình phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại dã man vị bác sĩ ở Kolkata. Những người phụ nữ tuần hành trong tiếng hô vang “Đòi lại đêm tối”, ám chỉ đến cái đêm vị bác sĩ bị giết.
Lời kêu gọi phụ nữ ra ngoài xuất phát từ sự tức giận được thể hiện trên mạng xã hội và nhanh chóng tạo nên phong trào biểu tình lớn nhất mà tiểu bang này từng chứng kiến trong một thời gian dài. Sự phẫn nộ trên đường phố là về nỗi kinh hoàng của bác sĩ, nhưng cũng là về cuộc đấu tranh hằng ngày mà phụ nữ Ấn Độ phải đối mặt để được sống tự do. Những người tổ chức cho biết họ chọn Ngày Độc lập để hỏi: khi nào phụ nữ sẽ giành được độc lập? Khi những người tuần hành đi qua những ngôi nhà, khu dân cư có cổng bảo vệ và các khu chung cư, nhiều người bên trong đã ra ngoài để hòa vào đám đông, không hề nao núng trước cơn mưa. Những khẩu hiệu hô vang về công lý, sự an toàn và sự tôn trọng.
Anupama Chakraborty đã ra ngoài cùng 2 đứa cháu gái, 11 và 13 tuổi. “Điều này đã làm rung chuyển đất nước. Cô gái bị hành hung là một bác sĩ đang trực. Nếu chính phủ không thể đảm bảo an toàn cho phụ nữ tại một cơ sở do chính phủ điều hành thì còn hy vọng gì nữa?”, bà nói với Báo Telegraph.
Để trả lời các đơn thỉnh cầu điều tra vụ án bên ngoài tiểu bang, Tòa án Cấp cao Kolkata đã nêu lên mối lo ngại về việc tiêu hủy bằng chứng và chuyển vụ án cho cơ quan tội phạm liên bang, Cục Điều tra Trung ương. Cái chết của nữ bác sĩ trẻ đã gây chấn động dư luận, một lần nữa nhấn mạnh đến tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ Ấn Độ trước bạo lực. Cú sốc này càng tăng cao hơn khi cô không phải tự mình ra ngoài vào lúc đêm muộn mà đang ở nơi làm việc, nơi tràn ngập ánh sáng và đông người.
Năm 2022, trung bình mỗi ngày có 86 vụ hiếp dâm được báo cáo ở Ấn Độ. Kể từ vụ hiếp dâm tập thể tàn bạo và cái chết của một phụ nữ trẻ trên xe buýt ở New Delhi năm 2012, người dân Ấn Độ đã mệt mỏi với một chu kỳ quá quen thuộc: hiếp dâm, phẫn nộ, hứa hẹn thay đổi, trở lại “bình thường”. Lần này, cả Bộ trưởng Phát triển phụ nữ và trẻ em Annapurna Devi và Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ quốc gia Rekha Sharma đều không đưa ra tuyên bố nào.
Tuy nhiên, Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội, cho biết: “Tôi thấy sôi máu khi chứng kiến sự im lặng này, khi tôi đọc về cách anh ta giết cô ấy, sự thờ ơ hoàn toàn với vấn đề an toàn tại bệnh viện. Không có gì, không có gì thay đổi kể từ năm 2012. Căn phòng nơi xảy ra vụ việc thậm chí còn không có camera giám sát
Các vấn đề về cưỡng hiếp phụ nữ ở Ấn Độ dường như chưa được giải quyết triệt để khi các bên liên quan luôn tìm lí do để trì hoãn, ví dụ như cưỡng hiếp trong hôn nhân. Hiện nay, các nhóm nhân quyền đã thể hiện quan điểm của họ khá mạnh mẽ. Ví dụ, họ phản đối quan điểm của chính phủ ông Modi rằng việc hình sự hóa hành vi tấn công tình dục là vi phạm “tính thiêng liêng” của hôn nhân. Những người vận động tức giận vì hiếp dâm trong hôn nhân không bị hình sự hóa theo Bộ luật Hình sự mới được mong đợi từ lâu của Ấn Độ trong khi nó đã được Tòa án Tối cao hứa sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này trong tháng 7/2024. Các tổ chức nhân quyền, bao gồm Hiệp hội Phụ nữ dân chủ toàn Ấn Độ, đã kiến nghị Tòa án Tối cao Ấn Độ đưa hành vi này thành tội hình sự. Đến lượt mình, tòa án lại yêu cầu chính phủ phản hồi.
Tòa án có quyền yêu cầu sửa đổi luật nếu không đồng tình với lập luận của chính phủ rằng việc hình sự hóa hành vi hiếp dâm trong hôn nhân sẽ vi phạm “tính thiêng liêng của hôn nhân”. 3 luật mới sẽ thay thế Bộ luật Hình sự được kế thừa từ thời kỳ thuộc địa của Anh, được soạn thảo dưới thời Lord Macaulay từ những năm 1830 và ban hành vào năm 1860.
Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah đã hứa sẽ cải cách rộng rãi Bộ luật Hình sự vào tháng 8 năm ngoái. Ông cho biết, hệ thống tư pháp hình sự được hình thành dựa trên các ý tưởng về đạo đức của thời Victoria, đặc biệt liên quan đến đồng tính luyến ái (đã được phi hình sự hóa ở Ấn Độ vào năm 2018) và hiếp dâm trong hôn nhân. Ấn Độ cần những luật không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa đế quốc và phản ánh những khát vọng và thực tế hiện đại, chẳng hạn như địa vị thay đổi của phụ nữ, Shah cho biết.
Các luật mới đặc biệt tập trung vào các tội ác chống lại phụ nữ, mặc dù một số nhà phê bình cho rằng phạm vi của chúng đã bị phóng đại và những thay đổi này phần lớn là hời hợt. Ntasha Bhardwaj, một học giả về giới, cho biết: “Điều đó vô lý. Việc không coi hiếp dâm trong hôn nhân là tội ác chẳng qua chỉ là tư duy của thời Victoria. Nó cho phép một người đàn ông tiếp cận không giới hạn với cơ thể vợ mình sau khi kết hôn. Điều này mâu thuẫn với hiến pháp, vốn bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực và trao cho họ quyền bình đẳng”.
Nhưng, Bhardwaj lưu ý rằng các tập tục có hại khác bắt nguồn từ truyền thống, chẳng hạn như vấn đề tảo hôn, đã bị coi là tội phạm. “Lập luận về văn hóa đã được đưa ra đối với hôn nhân trẻ em - đó là một phong tục rất lâu đời và ăn sâu bén rễ. Nhưng, điều đó có ngăn cản chúng ta cấm nó không?”, bà nói. Shilpi Singh, Giám đốc Nhóm bảo vệ quyền phụ nữ Bhoomika Vihar, cho biết: “Chúng tôi tin vào “cơ thể của tôi, quyền của tôi”. Sau khi kết hôn, một người đàn ông không thể coi việc quan hệ tình dục với vợ mình là điều hiển nhiên. Nếu không có luật mới, phụ nữ sẽ phải đối mặt với tình trạng bóc lột tình dục”.