Ai đứng sau vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”?

Thứ Hai, 16/08/2021, 08:59

Những ngày qua, câu chuyện ngụy tạo “bác sĩ Khoa” rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ đang mổ song sinh, tung ra trên mạng xã hội được dư luận đặc biệt chú ý. Bước đầu vụ việc được cơ quan chức năng xác định đối tượng cố ý tạo tin giả, dựng “câu chuyện nước mắt” để kêu gọi quyên góp từ thiện nhằm trục lợi.

Câu chuyện tưởng như chỉ bó gọn trên cộng đồng mạng nhưng đặt ra vấn đề về lòng tốt của xã hội có đang bị một số nhóm từ thiện lạm dụng và việc xử lý các vụ việc tương tự sẽ như thế nào?

Tạo dựng câu chuyện chấn động mạng xã hội

Trước sự chú ý lớn của dư luận và những vấn đề phức tạp xung quanh vụ việc này, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ và các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ động cơ của những người liên quan và dấu hiệu tội phạm trong vụ việc này.

Câu chuyện bắt nguồn từ hai Facebooker Huỳnh Mai An Đông và Ngân Hà Trần diễn tả trên trang cá nhân đầy đủ hành vi của “Trần Khoa - tức bác sĩ Khoa Kute” chữa bệnh cho cha mẹ đang mắc COVID-19 nhưng khi biết không thể cứu được đã tự rút ống thở của cha mẹ để nhường ống thở cho sản phụ song thai đang cần máy thở.

Ai đứng sau vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”? -0
 Ảnh đại diện trên Facebook “Trần Khoa” thực ra là ảnh bác sĩ Toh Wei Seong (Đại học NUHS, Singapore).

“...Xa nhà bao năm, tình yêu con có cũng chỉ là những chuyến mẹ ba sang thăm, tình yêu ấy lớn lắm. Con quyết định nhường đi chiếc máy khi sản phụ ấy cần. Con tin mẹ cũng thế!

Cúi đầu tiễn biệt ba mẹ lần cuối.

SG 7/8/21

Ngày tôi mồ côi”...

Đoạn chia sẻ trên mạng có tên “bác sĩ Khoa Kute” (và tag cho một số người khác). Sau đó, hai Facebooker trên còn diễn tả và cung cấp đoạn tin nhắn của nhóm bác sĩ nhờ vị “bác sĩ” này đến mổ cho thai phụ song sinh ngay sau khi “bác sĩ” này rút ống thở của cha mẹ. Ngoài ra, còn có hình ảnh hai bé song sinh, được cho là hai bé mà “bác sĩ” này vừa phẫu thuật...

Chưa kể chủ tài khoản Huỳnh Mai An Đông còn chủ động chia sẻ đoạn chat giữa chị với người được cho là bác sĩ: “E làm đúng không? Ha ha... 1 mạng, 2 đứa trẻ là 3 và mẹ, chọn ai? 3/1” và chị này nói rõ, bác sĩ ấy là bạn chị ngoài đời thật(!?).

Câu chuyện “bi ai” tạo dựng này đã gây chấn động mạng xã hội và được hàng chục ngàn người chia sẻ, đa phần đều thương xót. Tuy nhiên, một số người tỉnh táo sau khi xem kỹ các “status” và hình ảnh liên quan, đã đặt ra câu hỏi vì sự mâu thuẫn như: Vì sao bác sĩ được quyền rút ống thở của bệnh nhân, khi luật không cho phép? Con rút ống thở của cha mẹ thì đạo đức không cho phép? Tại sao bệnh nhân COVID-19 lại nằm chung với sản phụ mổ? Tại sao thiếu máy thở đến độ phải chia sẻ cho phòng mổ và hàng loạt câu hỏi khác...

Ai đứng sau vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”? -0
 Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết việc rút ống thở phải qua hội đồng chuyên môn chứ không ai được tự ý thực hiện.

Sáng hôm sau đã có một số nội dung liên quan khẳng định đã liên hệ được với “bác sĩ Khoa”. Chẳng hạn như Facebook tên Jang Kều đăng và thông báo: “Đã liên hệ được với Bs Khoa rồi, Bs Khoa làm ở BV Chợ Rẫy, có đăng cả đoạn chat nhờ Bs Khoa mổ ngay sau khi mất mẹ. Và ngay trong đêm, Jang Kều quyết định tặng máy thở cho BV Chợ Rẫy, làm ngay công văn có con dấu hẳn hoi gửi BV Chợ Rẫy và post Facebook”...

Chưa kể một số Facebooker khác cũng “nói như thật” khi khẳng định rằng đã liên hệ được với “bác sĩ Khoa”... càng khiến nhiều người tin tưởng câu chuyện này là có thật.

Tuy nhiên, sáng 8-8, cộng đồng mạng lại bất ngờ phát hiện thông tin này là giả và sau đó các trang Facebook đã chia sẻ câu chuyện lâm ly bi đát này đồng loạt xóa status, cũng đã có một vài lời xin lỗi vì “không kiểm chứng kỹ thông tin” trước khi chia sẻ. Đáng nói, hình ảnh đại diện trên Facebook “bác sĩ Trần Khoa” thực ra là hình ảnh của bác sĩ Toh Wei Seong hiện đang làm việc tại Đại học NUHS, Singapore.

Xung quanh hình ảnh hai em bé sơ sinh lan truyền trên mạng được cho là hai bé mà “bác sĩ” kể trên vừa phẫu thuật, trợ lý bác sĩ Cao Hữu Thịnh - từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) đã xác nhận với báo chí đó là hình của mình, bị gán ghép vào nội dung không có thật kể trên và coi đây là hành vi lừa đảo, việc sử dụng hình ảnh không xin phép vào một mục đích như trên là phạm pháp.

Cũng trong sáng 8-8, trao đổi với báo chí, TS.BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Giám đốc điều hành Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - cho hay thông tin nêu trên là giả và nhấn mạnh rằng không có bác sĩ nào tên Khoa và cũng không có sự việc mổ bắt con tại bệnh viện này (và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có Khoa Sản).

“Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức qua rà soát cũng không có trường hợp nào như thông tin phản ánh, không có ai rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ cả”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức khẳng định. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, đến nay Việt Nam chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân. Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam... Ngay sau đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng thông báo vụ việc trên là thông tin giả.

Ai đứng sau vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”? -0
 Cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy những ngày qua căng mình chống dịch.

“Nhóm 82” và những câu chuyện thiện nguyện đẫm nước mắt

Trong vụ việc này, có thông tin cho biết hiện “bác sĩ Trần Khoa” đang tham gia “Nhóm 82” giúp bệnh nhân COVID-19. Nhưng, “Nhóm 82” gồm những ai và “bác sĩ Trần Khoa” nắm vai trò gì trong nhóm này?

Theo tìm hiểu của phóng viên, “Nhóm 82” có một số người đều là “tiến sĩ, giáo sư” ở Singapore, trong đó nhiều người bị ung thư, người thân bị ung thư và trong khi tất cả mọi người trong nhóm này, dù đang bệnh nặng nhưng đều có thông tin về làm thiện nguyện! Trong “Nhóm 82”, có Facebooker Thy Nguyen, tên thật là Nguyễn Thị Minh Thy, kế toán của nhóm, người cung cấp số tài khoản cá nhân để nhận từ thiện cho “Nhóm 82”.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì Nguyễn Thị Minh Thy nói giọng miền Trung, còn rất trẻ, là sinh viên mới ra trường. Và mục đích của việc cố ý dựng lên vụ việc của “bác sĩ Trần Khoa” là nhằm... kêu gọi từ thiện. Cô này còn thừa nhận muốn được tới Cơ quan công an để cung cấp thông tin “sự thật” về vụ việc này. Mấy ngày nay, cô đã bị nhiều người gọi điện đe dọa, chửi bới...

Tuy nhiên, mấy ngày qua, liên quan đến Nguyễn Thị Minh Thy và một số tài khoản Facebook khác, không ít người đã kể lại những câu chuyện “lâm ly bi đát” được cho là do nhóm này dựng lên. Chẳng hạn như câu chuyện nuôi một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử. Một Facebook trong nhóm đăng đàn kêu gọi ủng hộ, quyên góp tiền làm đám tang cho cụ. Dưới lời kêu gọi kèm theo số tài khoản của người tên Nguyễn Thị Minh Thy, rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ sau lời kêu gọi đẫm nước mắt này mà không biết thực hư sau đó ra sao.

Chưa kể còn một câu chuyện về một người tên Phong Lam bị ung thư máu từ nhỏ có người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được bố hiến tủy để cứu sống mình và sau đó bán nhà để lấy tiền đưa Lam sang Singapore chữa bệnh. Tại Singapore, bố của Lam phải làm đủ mọi nghề từ phụ hồ đến bán gà rán, hiến tủy cứu con gái nên bị liệt chân, tất cả nhằm giúp con gái theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào... đều được Lam tổng hợp và chia sẻ như một tấm gương vượt lên số phận gửi cho tất cả những người mà cô ta quen. Tất cả, nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới cái danh nghĩa “Quỹ ung thư 82”... Và có thể câu chuyện về “bác sĩ Trần Khoa” cũng là một trong vô số những chiêu trò của nhóm này?

Đáng nói là do cảm động trước những câu chuyện của nhóm này, nhiều người đã ủng hộ tiền bạc cho nhóm quỹ này và số tiền ủng hộ đều thông qua tài khoản có tên Nguyễn Thị Minh Thy... Chưa kể, không ít người trước đó đã tin tưởng mà liên lạc và bày tỏ ý định tặng máy thở nơi “bác sĩ” này làm việc.

Hiện tại, các tài khoản Facebook Trần Khoa, Phong Lam và Minh Thy đều không thể liên lạc được, cũng như Facebook và Zalo đều không còn tồn tại.

Có dấu hiệu lừa đảo để trục lợi?

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP Hồ Chí Minh, bước đầu, Sở nhận định có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật. Nhóm này tổ chức và tạo thông tin như thật về mỗi thành viên trên Facebook, hoạt động có hệ thống để đi vận động kêu gọi từ thiện trên mạng. Về phía Sở TT-TT cũng đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TT-TT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi từ việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Ai đứng sau vụ “bác sĩ Khoa rút ống thở”? -0
 Đoạn thông tin trên trang cá nhân có tên “Trần Khoa” viết và tag cho một số người khác.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thọ, trong số những người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin sai sự thật này có 2 người là N.Đ.H và H.N.V cũng đã thừa nhận đã không kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ và đã bị xử phạt mỗi người 5 triệu đồng...

Trao đổi xung quanh vụ việc này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết dù với hình thức nào nhưng nếu đưa ra những thông tin không đúng sự thật, để tạo lòng thương cảm, làm cho người khác bị lừa dối là những hành vi không nên và bị lên án. Vì tình hình dịch bệnh, mọi người cần ra sức phòng, chống dịch không nên có những thông tin gây hoang mang xôn xao dư luận.

Về mặt nào đó, người dân được phép ủy quyền cho người khác làm từ thiện, việc này pháp luật không cấm. Các vấn đề pháp lý phát sinh từ việc ủy quyền này sẽ do pháp luật dân sự điều chỉnh. Về chế tài, pháp luật chưa có quy định xử phạt đối với các vi phạm do hoạt động từ thiện tự phát gây ra. Vì vậy, trường hợp có tranh chấp xảy ra sẽ căn cứ Bộ luật Dân sự để giải quyết. Nhưng, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Bởi, nếu việc tung tin đồn giả mạo này nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt và chiếm đoạt tiền quyên góp của các nhà hảo tâm thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu người dựng lên câu chuyện biết rõ việc cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào đó lợi dụng để chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có thể bị xem xét là đồng phạm giúp sức trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phú Lữ
.
.
.