Xuân đến, nghĩ về sức mạnh dân tộc

Thứ Năm, 19/02/2015, 07:05
Đã bước sang năm 2015 - Ất Mùi với rất nhiều ngày kỷ niệm lớn tầm quốc gia. Năm Giáp Ngọ vừa qua cũng có những ngày kỷ niệm lớn trong đó có kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhớ lại dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trùng hợp với thời gian thảo luận, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và xây dựng Nghị quyết mới về văn hóa trong thời kỳ mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, hướng trọng tâm vào phát triển con người. Do đó, nhiều người trong đó có tôi muốn tìm hiểu liên quan giữa hai sự kiện quan trọng này.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ đã có rất nhiều tác phẩm viết về đề tài này, cũng có thể nói phần lớn những tác phẩm quan trọng nhất xuất bản ở trong nước tôi đã được đọc. Do đó muốn đọc thêm, đọc lại những tài liệu của nước ngoài nhất là của tác giả người Pháp. Trong những sách đọc lại, tôi tìm đọc lại sách và một số bài viết của Jules Roy vì ông vừa là nhà văn vừa đã từng là sĩ quan trong quân đội Pháp. Và cũng đã có nhiều tác giả Việt Nam viết về ông; một số tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản ở ta.

Jules Roy đã từng chiến đấu trong quân đội Pháp bảo vệ Tổ quốc trong Thế chiến thứ hai với hàm đại tá. Ông lại tham gia chiến tranh Đông Dương nhưng chỉ tham gia một thời gian ngắn trong cuộc chiến tranh xâm lược này vì tự nhận thấy rất khác những gì ông tham gia quân đội bảo vệ Tổ quốc, do đó ông đã xin giải ngũ, từ bỏ cuộc đời binh nghiệp.

Cho dù từ bỏ cuộc đời binh nghiệp trong cuộc chiến tranh Đông Dương vì thấy rõ cuộc chiến không chính nghĩa, nhưng ông vẫn yêu quý và luôn tự hào về quân đội của Tổ quốc mình, do đó sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ làm ông đau lòng, muốn tìm hiểu. Ông đã từng viết: “Điện Biên Phủ là nỗi kinh hoàng khủng khiếp, là thất bại lớn nhất của phương Tây báo động sự sụp đổ của nền Cộng hòa Pháp”, và ông đã vài lần sang Việt Nam, đến tận nơi để tìm hiểu xem vì sao quân đội mà ông từng phục vụ và tự hào lại thất bại?

Ông cũng biết tướng Henri Navarre là một vị tướng tài của quân đội Pháp đã từng tham gia Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Đại tá (sau đó là thiếu tướng) De Castrie cũng là viên sĩ quan từng trải trận mạc trên chiến trường Đông Dương. Họ đều là niềm tự hào của quân đội Pháp mà ông yêu quý. Nhưng vì sao họ thất bại?

Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Xuân 2014. Ảnh: Duy Tường.

Trong sách và những bài báo ông đưa ra nhiều dẫn chứng từ cứ liệu lịch sử chiến trường, vũ khí, chiến thuật… và quan sát thực tế, ông kết luận: Chúng ta thất bại “Trước hết là từ chất lượng của đối thủ, sau đó là tại các vị chỉ huy của ta quá tồi”.

Khi nói về “chất lượng của đối thủ”, ông nhấn mạnh: “Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện chiến tranh mà là sự thông minh và ý chí” mà chúng ta thường nói về ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Nói về mối quan hệ sĩ quan và binh lính, ông viết về “những người chiến thắng”: “Ở họ khó phân biệt được cấp tướng và binh nhì, họ không có khẩu phần ăn đặc biệt, không có những cô thư ký xinh đẹp đi cùng, không có ôtô riêng với cờ bay phấp phới như các sĩ quan của ta”. Đọc đến đây tôi lại nhớ tới cuộc sống của quân đội ta thời oanh liệt đó đã tiếp tục truyền thống “phụ tử chi binh” (tạm hiểu là giữa tướng lĩnh và binh lính thì tình thân như cha con) trong “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo đời Trần, 3 lần thắng quân Nguyên xâm lược.

Jules Roy nói về những điều làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ của ta, nói gọn lại là “sự thông minh và ý chí quyết thắng” về mối quan hệ lãnh đạo với nhân dân, giữa tướng lĩnh và binh lính là những người cùng chung một chiến hào của đội quân chính nghĩa một lòng vì nước vì dân. Những nội dung đó đều là những nội dung về văn hóa của cả một dân tộc, văn hóa lãnh đạo, do đó có thể hiểu nguyên nhân quan trọng của thắng lợi là trầm tích văn hóa của dân tộc, bản chất phục vụ nhân dân của văn hóa lãnh đạo.

Ý chí quyết thắng và sự thông minh đã vượt qua mọi thách thức làm nên chiến thắng ngày hôm qua nếu được duy trì, phát huy thì sẽ làm nên chiến thắng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Hữu Thọ
.
.
.