Xung quanh vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên: Ánh sáng cuối đường hầm

Thứ Năm, 29/10/2009, 16:40
Những khúc mắc quan trọng trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang dần được tháo gỡ. Nếu như gần đây, cả Washington và Bình Nhưỡng đều tuyên bố muốn đối thoại song phương để tiến tới đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của nước này nhưng lại không bên nào chịu bắt đầu trước.

Tuy nhiên, dù chưa thực sự có được kết quả gì nhưng chuyến thăm Mỹ hôm 24/10 của ông Ri Gun, phó trưởng đoàn đàm phán về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cho thấy Bình Nhưỡng có vẻ đã nhượng bộ phần nào.

Thực tế cho thấy hồ sơ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thời gian gần đây đã ghi nhận nhiều chuyển biến gần tích cực bất chấp việc Bình Nhưỡng liên tục phóng thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Trước hết là quan hệ liên Triều được cải thiện sau khi một phái đoàn của CHDCND Triều Tiên sang Seoul dự tang lễ cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, hồi tháng 8/2009. Ông Kim Dae-jung được coi là người kiến tạo mối quan hệ nồng ấm giữa hai miền Triều Tiên.

Nếu sau khi ông Lee Myung-bak, theo đường lối bảo thủ, lên nắm quyền, quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng đã nhanh chóng trở lại căng thẳng, thì sau chuyến thăm viếng của phái đoàn CHDCND Triều Tiên, mối liên lạc giữa hai miền đã không ngừng được duy trì. Bằng chứng là từ tháng 8 đến nay, đã có hai chương trình đoàn tụ người thân tại bán đảo Triều Tiên được tổ chức và một số cuộc tiếp xúc cấp thấp đã được diễn ra như thảo luận về việc quản lý chung một dòng sông chảy qua hai nước và vấn đề khu công nghiệp Kesung.

Chưa hết, trung tuần tháng 10 vừa qua, một quan chức Lầu Năm Góc của Mỹ tiết lộ rằng, một hội nghị liên Triều bí mật sắp được tổ chức. Mặc dù sau đó cả SeoulWashington đều phủ nhận thông tin này nhưng thực tế đã có những cuộc tiếp xúc diễn ra để chuẩn bị cho hội nghị này.

Seoul muốn thông báo rõ về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên. Hai cuộc gặp cấp cao trước đó, vào năm 2000 và 2007, chỉ được thông báo vào phút chót và gây nhiều sững sờ cho cộng đồng quốc tế. Với mong muốn này, Chính phủ Hàn Quốc đã để lọt những thông tin về các cuộc tiếp xúc giữa những người đi tiền trạm của hai bên, chuẩn bị cho một cuộc tiếp xúc cấp cao lần thứ 3.

Theo Reuters thì chính trong chuyến thăm Seoul tháng 8/2009, đoàn đại biểu CHDCND Triều Tiên đã đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc. Đây là cuộc gặp mà phía Seoul muốn đặt cược vào những tiến bộ đạt được về hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Vì Chính phủ Hàn Quốc trước hết lo sợ bị gạt ra ngoài lề các cuộc đàm phán song phương giữa Bình Nhưỡng và Washington. Một sự thu hẹp khoảng cách mới với CHDCND Triều Tiên sẽ cho phép Hàn Quốc trở lại với đấu trường ngoại giao liên quan tới những vấn đề của bán đảo Triều Tiên. Theo các nguồn tin Hàn Quốc, một sự cải thiện quan hệ như vậy hiện nay mới chỉ nằm trên lý thuyết.

Tín hiệu khích lệ tiếp theo cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là chuyến thăm Bình Nhưỡng của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi đầu tháng 10 và Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc hôm 10/10 vừa qua. Khi tiếp Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Bình Nhưỡng, Chủ tịch Kim Jong Il đã thông báo CHDCND Triều Tiên có thể trở lại bàn đàm phán 6 bên với điều kiện có những tiến bộ đáng kể trong đàm phán song phương với Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của CHDCND Triều Tiên và là nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với chính quyền Bình Nhưỡng.

Còn tại Hội nghị cấp cao 3 bên tại Bắc Kinh với trọng tâm chính là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, lãnh đạo 3 nước Trung - Nhật - Hàn cam kết sẽ duy trì đàm phán và hòa giải nhằm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ cùng nỗ lực với các nước khác nhanh chóng nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân của CHDCND Triều Tiên nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á và xây dựng một châu Á hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng.

Sau những động thái trên, CHDCND Triều Tiên mặc dù không nói trực tiếp với Mỹ nhưng cũng đã thể hiện rõ quan điểm và điều kiện để nước này quay lại bàn đàm phán. Đó là Bình Nhưỡng có thể trở lại bàn đàm phán 6 bên với điều kiện có những tiến bộ đáng kể trong đối thoại song phương với Mỹ. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố nước này chỉ đàm phán song phương với CHDCND Triều Tiên nếu nước này đảm bảo rằng một khi đã trở lại bàn đàm phán 6 bên thì vấn đề hạt nhân phải được giải quyết dứt khoát.

Mặt khác, Bình Nhưỡng cũng phải triển khai các cuộc tiếp xúc tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc trong khi tiếp xúc với Mỹ. Nhưng không ai chịu ai. Vấn đề bị tắc nghẽn tại đây.

Tuy nhiên, ngày 24/10 vừa qua, bất ngờ xuất hiện một bước tiến mới. Ông Ri Gun, Phó trưởng đoàn đàm phán về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã có cuộc gặp với đặc phái viên của Mỹ về giải trừ hạt nhân CHDCND Triều Tiên, Đại sứ Sung Kim, tại New York, Mỹ.

Mặc dù, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng chuyến thăm của ông Ri Gun là do được các tổ chức tư nhân mời, nhưng trong cuộc gặp song phương này, ông Sung Kim đã có cơ hội để chuyển quan điểm của Mỹ về quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân và đàm phán 6 bên. Chuyến viếng thăm bất ngờ này của ông Ri Gun đang tạo ra nhiều lời đồn đại là sẽ có bước tiến mới trong hồ sơ hạt nhân.

Trong một diễn biến khác, hôm 22/10, Asia Society (nhóm chuyên gia chiến lược tại Đại học California, Mỹ) đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama nên tiến lại gần với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ một chiến lược lâu dài, thắt chặt quan hệ với châu Á. Asia Society cho rằng Mỹ nên áp dụng đường lối đang thi hành với Iran và Myanmar, tức là vừa đối thoại vừa gây sức ép

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.
.