Xử lý hình sự các vi phạm của Công ty Vedan là cần thiết

Thứ Năm, 25/09/2008, 13:30
Tại cuộc họp báo mới đây do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định: "Đây là một vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Lãnh đạo Công ty Cổ phần hữu hạn (CPHH) Vedan Việt Nam (gọi tắt là Công ty Vedan) đã dùng những biện pháp tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng xả một lượng lớn chất thải nguy hại ít nhất 14 năm, gián tiếp góp phần giết dần dòng sông Thị Vải".

Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nói: "Đó là một sự vi phạm có hệ thống, được núp dưới những hành vi gian dối tinh xảo. Và đây có thể xem vừa là một dạng tội phạm môi trường vừa là tội phạm kinh tế".

Cụ thể, năm 1994, Công ty Vedan đã thải chất thải gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải làm thủy sản chết hàng loạt. Năm 2005, công ty đồng ý đền bù thiệt hại do mình gây ra cho một số hộ nông dân nuôi trồng thủy sản thuộc 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM số tiền 15 tỉ đồng.

Từ năm 2005 đến nay, thanh tra môi trường các cấp liên tục tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan và phát hiện hàng loạt sai phạm. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ dừng ở mức xử lý hành chính.

Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó C36: "Mật phục 3 tháng mới tìm ra màn ngụy trang của Vedan".

Tháng 8/2008, Bộ TN-MT đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, đặc biệt có sự tham gia của Cục Cảnh sát môi trường (C36), qua đó đã phát hiện được những vi phạm cực kỳ nghiêm trọng của công ty này.

Đó là nước thải của công ty vượt tiêu chuẩn cho phép tới 5 lần, Công ty Vedan tự ý đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 2 dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất của các nhà máy, xưởng sản xuất của công ty nhưng không có đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Công ty này còn không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh amiăng thải (là chất thải nguy hại) với Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai. Nghiêm trọng hơn, Công ty Vedan cố tình sử dụng thủ đoạn xảo trá để xả thẳng chất thải ra sông Thị Vải mà không qua bể xử lý. Trung bình mỗi tháng họ xả 45.000m3 dịch thải sau khi lên men xuống sông.

Những sai phạm của Công ty Vedan lại được ngụy trang bằng những vỏ bọc tinh vi. Đó là 3 hệ thống lọc chất thải tiên tiến đã được lắp đặt tại đây. Tuy nhiên, các hệ thống này chỉ được vận hành khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Đây chính là một yếu tố quan trọng để hồ sơ cấp "Giấy phép xả thải vào nguồn nước" số 864/GP-BTMT được thông qua.

Để được cấp phép, Công ty Vedan phải có hồ sơ trình lên Sở TN-MT sở tại duyệt. Sau đó Sở TN-TM địa phương tiếp tục trình lên Bộ TN-MT. Sau khi qua vòng sơ duyệt, Bộ TN-MT sẽ thành lập một hội đồng xét duyệt. Và theo Chánh văn phòng Bộ thì tháng 4/2008, hồ sơ của Vedan đã được các thành viên hội đồng phê chuẩn vì đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định.

Vậy thì người ta không khỏi đặt câu hỏi, những số liệu ở trong hồ sơ xét duyệt sẽ "vênh" như thế nào so với thực tế? Trách nhiệm của Sở TN-MT địa phương đến đâu? Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm  Khôi Nguyên cho biết sau khi xử lý xong Vedan, lãnh đạo Bộ sẽ họp rút kinh nghiệm, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, làm rõ trách nhiệm.

Về hướng xử lý vi phạm của Vedan, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ TN-MT nếu đủ căn cứ pháp luật có thể khởi tố, tạm đóng cửa nhà máy. Đồng thời, Bộ TN-MT sẽ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đóng cửa nhà máy Vedan để kiểm tra toàn bộ hệ thống và nhà máy đề xuất các phương án khắc phục. --PageBreak--

Bộ cũng sẽ đề nghị khung hình phạt nặng nhất của Việt Nam áp dụng cho Vedan theo quy định của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Những người dân sống xung quanh khu vực sông Thị Vải hoàn toàn có thể khởi kiện Công ty Vedan trên cơ sở có đầy đủ chứng cứ pháp lý.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết thêm, hiện nay trong số khu công nghiệp "đóng" dọc theo sông Thị Vải, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường. Và có xu hướng đáng lo ngại là chính quyền một số địa phương thường chạy theo phát triển kinh tế coi nhẹ tác động môi trường.

Khi "làm" vụ Vedan, Bộ trưởng đã phải chịu rất nhiều áp lực. Công ty Vedan không những giải quyết được việc làm cho hàng ngàn người dân mà còn tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu ở một số địa phương nghèo lân cận. Hơn nữa, vẫn có một số lãnh đạo địa phương gọi điện than phiền với Bộ trưởng rằng phải hạ tiêu chuẩn về môi trường nếu không sẽ không có đầu tư nước ngoài (!?).

Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua những tiêu chuẩn về môi trường. Vụ vi phạm môi trường của Công ty Vedan, dự kiến sẽ được xử "điểm" một cách nghiêm minh, đúng pháp luật để "làm gương" cho các công ty, nhà máy (cả trong và ngoài nước) chỉ biết thu lợi về mình mà không quan tâm đến môi trường. Nếu Vedan không tuân thủ những quy định của pháp luật về môi trường Việt Nam thì sẽ thẳng tay đóng cửa công ty này.

Năm 2007, khi Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó C36 được tham quan hệ thống xử lý nước thải của nhà máy Vedan, ông đã bị "hoa mắt" bởi hàng trăm các loại ống xả, van đóng mở chằng chịt như mạng nhện. Đại tá Thảo đã thấy được những dấu hiệu bất thường trong việc xử lý nước thải của Công ty Vedan. Đó là hệ thống hàng trăm đường ống, van hút, bơm, bồn chứa... như một "trận đồ bát quái". Nhiều đường ống được chôn chìm, nhiều đường được để nổi nhằm che mắt các cơ quan chức năng. Thậm chí nhà máy này còn bố trí máy bơm giả, tàu neo đậu trên sông để che các nguồn xả...

Khi C36 được Bộ TN-MT mời tham gia phối hợp điều tra về tình hình vi phạm pháp luật về môi trường tại lưu vực sông Thị Vải, Đại tá Thảo và các cộng sự đã phải nhiều lần tiến hành công tác trinh sát trên sông. Tiếp đó, các trinh sát của C36 được rải ra tiếp cận với những chủ tàu bè và người buôn bán nhỏ trên sông. Từ đó, lực lượng chức năng nắm được những chuyện bất thường tại nhiều vị trí. Đó là việc cứ buổi đêm, một số vị trí không có miệng cống xả mà nước cứ sủi lên? Hay như có những trạm bơm không bao giờ được sử dụng...

Thế rồi các trinh sát tiến hành các biện pháp nghiệp vụ thâm nhập vào những ngóc ngách của khu vực xử lý nước thải. Có những chiến sĩ phải chui vào những xilô (bể chứa nước thải) rồi nằm ở đó hàng chục giờ đồng hồ. Những tài liệu mà trinh sát thu thập được về đã giúp Cơ quan điều tra vạch mặt trò lừa đảo của Vedan. Nước thải chưa qua xử lý nhưng Vedan dùng hệ thống bơm hai chiều, lén lút cho bơm nước thải thẳng ra sông Thị Vải. Để vận hành hệ thống này có tất cả 8 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 người Đài Loan còn lại là người Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 2 người Đài Loan là Lin Mao Fu (Lâm Mậu Phu) và Wang Chin Tien là nắm được toàn bộ cấu trúc thiết kế của hệ thống xử lý nước thải của Vedan.

Và khi được mời ra để cho "chạy thử" hệ thống, những mờ ám đằng sau công trình xử lý nước thải đã bị đưa ra ánh sáng. Lúc đầu, Wang Chin Tien kiên quyết không hợp tác với đoàn kiểm tra. Đấu tranh suốt từ 9 giờ cho đến 20 giờ, chỉ khi các trinh sát của C36 áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ linh hoạt, sắc bén thì Wang mới chịu khai.

Trao đổi với PV ANTG, Đại tá Lương Minh Thảo nói: "Cơ quan Công an đang tích cực thu thập thêm tài liệu chứng cứ, củng cố hồ sơ. Nếu thấy có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự thì hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan chức năng điều tra và truy tố theo quy định của pháp luật"

Minh Tiến
.
.
.