Vòng 2 đàm phán Brexit: Tiến trình đầy chông gai!
Mâu thuẫn xung quanh lợi ích của hai bên đã khiến Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cảnh báo có thể ngừng các cuộc thương lượng do phía Anh không chỉ tỏ thái độ không sẵn sàng đưa ra các đề xuất để tính toán nghĩa vụ tài chính của mình mà còn thiếu sự chuẩn bị cho một cuộc đàm phán nghiêm túc.
Sau vòng đàm phán đầu tiên mang tính khởi động tháng 6 vừa qua, tiến trình Brexit có lẽ giờ đây mới bộc lộ những khó khăn và sự kiện này được dự báo sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực khi hai bên chính thức giải quyết những vấn đề cụ thể.
Những vấn đề gây tranh cãi
Quyền công dân là vấn đề gây mâu thuẫn lớn đầu tiên giữa Anh và EU. 3 triệu công dân EU hiện đang sinh sống tại Anh và 1 triệu cư dân Anh đang sống tại EU sẽ trở về nước hay tiếp tục được sống và làm việc tại nước sở tại vẫn là những tranh cãi nảy lửa. Trong khi Thủ tướng Anh đưa ra kế hoạch cam kết các công dân EU đã sống tại Anh sẽ được đối xử bình đẳng, được nhận các ưu đãi trong giáo dục, chăm sóc y tế, phúc lợi và lương hưu như người bản địa, Trưởng phái đoàn đàm phán EU lại kêu gọi Anh có những đảm bảo “tham vọng hơn, cụ thể hơn và chắc chắn hơn”.
Trong số những vấn đề còn khúc mắc phải kể đến việc so với công dân Anh, công dân các nước EU hiện ít bị hạn chế trong việc mang theo các thành viên gia đình không có quốc tịch EU hơn, do đó đề xuất của Anh có thể sẽ khiến họ mất đi quyền lợi này. Vai trò của Tòa án Tư pháp châu Âu đối với việc thực thi các quyền kể trên vẫn là dấu hỏi lớn bởi chưa rõ tới thời điểm nào thì những người không có quốc tịch châu Âu này phải đăng ký với chính quyền Anh và điều gì sẽ xảy ra nếu luật pháp Anh sau đó thay đổi?
Thủ tướng Anh Theresa May từng tự tin cho rằng quá trình đàm phán các thủ tục chia tay EU và việc xây dựng một mối quan hệ thương mại mới có thể được gói gọn trong vòng 2 năm. Mặc dù vẫn giữ nguyên tham vọng này song bà May gần đây đã phải thừa nhận rằng vẫn cần có một giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra thế nào và kéo dài trong bao lâu hiện vẫn đang gây tranh cãi trong nội bộ.
Vấn đề biên giới Ireland là chủ đề mà EU và Anh sẽ phải tìm kiếm đồng thuận về nhiều vấn đề liên quan đến biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Đức đang đặt dấu hỏi về sự cần thiết phải duy trì một biên giới mở ở khu vực này trong khi một số nguồn tin khác cho rằng hai bên sẽ tạm gạt vấn đề này sang một bên để chờ đến khi thỏa thuận thương mại song phương được ngã ngũ.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis (trái) và Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán mới ở Brussels, Bỉ. |
Vấn đề hóa đơn tài chính từng bị tạm gác sang một bên khi giới chức hai bên thảo luận về những nội dung ít gây tranh cãi hơn. Tuy nhiên, mâu thuẫn lại bùng lên khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng EU có thể sẽ không đạt được những gì mà họ muốn bởi “con số mà họ đưa ra đối với Anh là không thể chấp nhận được”. Với một khởi đầu không mấy thuận lợi, nhiều khả năng đây sẽ là một vấn đề khúc mắc nghiêm trọng trong cuộc đàm phán Brexit.
Còn đầy chông gai
Trưởng đoàn đàm phán EU Barnier, một nhà ngoại giao người Pháp, đã cảnh báo rằng sau vòng đàm phán đầu tiên mang tính nghi thức hồi tháng 6, đã đến lúc “bắt đầu các công việc khó khăn” và thời gian để đạt thỏa thuận “không còn nhiều”.
Các quan chức EU đã chỉ trích Anh vẫn chần chừ khi chưa quyết định xem họ muốn một Brexit “cứng” hay “mềm” sau 1 năm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân gây choáng váng dư luận, buộc Thủ tướng Anh David Cameron phải từ chức.
Mặc dù các nhà đàm phán của Anh và EU đã nhất trí về thời gian biểu cho các cuộc đàm phán về mối quan hệ trong tương lai, tiến trình mà Anh muốn bắt đầu càng sớm càng tốt. Song, đến nay Brussels khẳng định rằng họ chỉ có thể nói về mối quan hệ này chừng nào hai bên đạt tiến triển cụ thể trong những vấn đề then chốt.
Trong bối cảnh hai bên đang tồn tại quá nhiều bất đồng, tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson rằng EU sẽ không thể có được thứ họ muốn nếu vẫn tiếp tục duy trì yêu cầu quá vô lý đối với số hóa đơn mà Anh phải trả sau khi rời EU và Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng Anh sẽ chịu trách nhiệm về số tiền mà họ nợ. Song con số 100 tỷ euro là quá “phi lý”, như đổ thêm dầu vào lửa khiến mâu thuẫn giữa hai bên càng trở nên khó giải quyết.
Phía EU đã chỉ trích gay gắt lập trường của phái đoàn Anh. Những tuyên bố của Anh đã dập tắt những kỳ vọng của giới chức EU tại cuộc gặp này là London sẽ chấp nhận các yêu cầu về tài chính mà Brussels đưa ra.
Cho đến nay, vấn đề Brexit vẫn đang được xem như “cái cớ” để giới chức châu Âu “mỉm cười” nhìn mớ bòng bong mà nước Anh vướng vào, khi họ buộc phải chấp nhận ý muốn của người dân và vật lộn để giải quyết những khúc mắc của việc chia tách các cam kết về thương mại, hệ thống pháp lý, tài chính và chính trị đã được xây dựng suốt 44 năm qua. Họ cạnh tranh với nhau, không chỉ về thương mại và tăng trưởng, mà còn về hình ảnh và uy tín của đất nước.
Tuy nhiên, “cười trên nỗi đau của kẻ khác” là điều không hay. Hầu hết các nước phương Tây, dù ở các mức độ khác nhau, cũng đều đang phải đối mặt với cùng những vấn đề mà đã gây chia rẽ xã hội Anh trước thềm cuộc trưng cầu ý dân với kết quả không có nhiều chênh lệch hồi năm ngoái, như di cư, nỗi lo khủng bố, chủ quyền của đất nước, bản sắc dân tộc hay thiếu vắng sự thống nhất và đoàn kết trong cộng đồng...
Chưa thể khẳng định quyết định nào là sáng suốt hơn, song rõ ràng Brexit đang tạo ra những chia rẽ chưa từng có tiền lệ.