Vì sao Tổng thống Mỹ Trump thay đổi chính sách với Cuba?

Thứ Tư, 21/06/2017, 10:11
Chiều 16-6-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo thu hồi một phần chính sách bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba được triển khai từ năm 2015, dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, theo hướng siết chặt các quy định về đi lại và thương mại giữa hai nước. Lý do muôn thuở: Vấn đề nhân quyền.

Theo báo chí Mỹ, các quy định mới vừa được Tổng thống Trump công bố sẽ điều chỉnh một số loại hình du lịch của công dân Mỹ đến Cuba. Cụ thể, sẽ không còn cho phép cá nhân đi du lịch đến Cuba, mà chỉ cho phép hình thức du lịch đi theo từng đoàn, có tổ chức, và mục đích chuyến đi cũng sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Về thương mại, quy định mới điều chỉnh hoạt động kinh doanh mua bán theo hướng hạn chế bớt các giao dịch thương mại với các công ty thuộc quyền sở hữu của các cơ quan an ninh Cuba nhằm hạn chế nguồn tài chính đổ vào các đơn vị này.

Với việc ban hành các quy định mới, chính sách của Mỹ đối với Cuba sẽ được sửa đổi, điều chỉnh chứ không bị hủy bỏ như lo ngại của một số người. Thực ra mà nói, việc thay đổi chính sách đối với Cuba cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các lợi ích của nước Mỹ, nhất là đối với việc làm ăn kinh tế của gia đình Tổng thống Trump. Riêng đối với kinh doanh thương mại, sự hạn chế tập trung vào các giao dịch với các công ty có liên quan đến các cơ quan quân sự và tình báo của Cuba, trong đó đáng chú ý nhất là đơn vị do quân đội quản lý mang tên Grupo de Administración Empresarial (GAESA) sở hữu tài sản rộng khắp nền kinh tế Cuba, đặc biệt là hệ thống khách sạn du lịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo thay đổi chính sách Cuba hôm 16-6.

Ngoài những quy định cấm giao dịch thương mại và hạn chế đối tượng du lịch, chính quyền Mỹ còn yêu cầu Cuba mở cửa hơn nữa mạng lưới Internet, cho phép truy cập mạng Internet rộng rãi hơn, đồng thời thả tù nhân chính trị, trao trả về Mỹ những kẻ phạm pháp bỏ trốn.

Có ý kiến cho rằng, chính sách mới của Tổng thống Trump nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực tế áp dụng sẽ không làm ảnh hưởng gì nhiều đối với việc đi lại giữa người dân hai nước. Một minh chứng: ngay cả khi chính sách cấm đi du lịch Cuba còn được áp dụng thời Tổng thống Obama, người dân Mỹ cũng đã có cách để lách quy định khi muốn đi du lịch đến Cuba, chẳng hạn như họ tuyên bố mục đích đến Cuba phù hợp theo một trong các mục quy định cho phép là xong.

Với chính sách mới này, người ta cũng sẽ có cách để đi mà không vi phạm quy định, chẳng hạn như đăng ký danh sách du lịch theo nhóm, theo đoàn, mục đích đi giống nhau, nhưng trên thực tế có thể đi khác nhau, chỉ cần đăng ký với một công ty, tổ chức du lịch để làm đầu mối.

Cuba lên án việc Mỹ thay đổi chính sách về du lịch và thương mại, cho đó là hành động đi ngược lại lợi ích của nhân dân hai nước, đi ngược lại tiến trình lịch sử và xu hướng phát triển chung của thế giới. Đặc biệt, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, hướng đến việc xóa bỏ chính sách cấm vận kéo dài hơn 50 năm qua bỗng dưng bị khựng lại do chiến dịch thay đổi “tất cả những gì Obama làm” của Tổng thống Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm 13-6.

Vấn đề mà chính quyền Trump đặt ra đối với Cuba cũng không có gì mới. Ngày 13-6, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng Cuba “phải chấm dứt vi phạm nhân quyền” nếu muốn tiếp tục tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đây có vẻ như là một sự thụt lùi trong cách nhìn nhận của giới chức cấp cao chính quyền Mỹ đối với tình hình Cuba hơn là thái độ hợp tác tích cực đã được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Obama.

Phát biểu của ông Tilleson, và sau đó là tuyên bố siết chặt quy định về du lịch và thương mại của Tổng thống Trump cho thấy nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho sự hòa giải, cải thiện quan hệ mạnh mẽ hơn với Cuba. Chưa bàn đến chính sách đôi khi khác người của Tổng thống Trump, nước Mỹ từ lâu nay, kể cả dưới thời Tổng thống Obama, vẫn tỏ ra dè dặt. Từ khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng công bố việc bình thường hóa quan hệ.

Hôm 16-6, Tổng thống Trump công bố các quy định mới trước một đám đông người Cuba lưu vong tại một sự kiện dành cho họ tổ chức ở thành phố Miami. Điều này cũng có thể hiểu rằng, ông Trump muốn “lấy lòng” thành phần Cuba lưu vong, chống chế độ cách mạng Cuba hiện do Chủ tịch Raul Castro lãnh đạo. Nhưng về cơ bản thì cũng cần phải ghi nhận rằng, mặc dù sửa đổi hoặc hủy bỏ một số chính sách thời ông Obama đối với Cuba, Tổng thống Trump vẫn duy trì một số chính sách quan trọng, nền tảng của tiến trình cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước Mỹ và Cuba. Đó là Đại sứ quán Mỹ mới mở cửa lại tại La Habana vẫn hoạt động bình thường, không có gì thay đổi.

Chủ tịch Cuba Raul Castro: “Cuba sẽ không đánh đổi chủ quyền để lấy sự cải thiện quan hệ với Mỹ”.

Những quy định mới và những áp lực mà Tổng thống Trump cho rằng nhằm mục đích thúc đẩy lãnh đạo Cuba cải cách nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội có vẻ sẽ không làm thay đổi quan điểm của lãnh đạo Cuba đối với việc cải thiện quan hệ song phương hai nước Cuba-Mỹ. Chủ tịch Cuba Raul Castro từng tuyên bố “Cuba sẽ không đánh đổi chủ quyền để lấy sự cải thiện quan hệ với Mỹ” ngay khi ông Trump lên nhậm chức.

Đây là một thông điệp rõ ràng với hàm ý rằng, đối với vấn đề cải thiện quan hệ, không chỉ có Cuba phải làm đủ thứ mà Mỹ cũng cần phải có những hành động thiết thực; không chỉ Cuba phải cải cách nhiều hơn, nhượng bộ một số vấn đề mang tính chính trị, tư tưởng, mà Mỹ cũng cần phải thay đổi, và nhượng bộ một cách tương xứng, nhất là trong việc dỡ bỏ chính sách cấm vận phi lý kéo dài hơn 50 năm qua.

An Châu (tổng hợp)
.
.
.