Vẫn mờ mịt tương lai Brexit

Thứ Tư, 28/06/2017, 16:19
Một năm sau ngày nước Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (còn gọi là Brexit), những gì mà "xứ sở sương mù" nhận được là tình trạng bất ổn về đời sống chính trị và kinh tế. Một nước Anh vốn tự tin, quyết đoán và hùng mạnh, nay có phần tự ti, lép vế trước những thành viên vẫn được coi là "anh em" một năm trước đây.


Bất ổn gia tăng

Giới phân tích cho rằng một năm sau ngày nước Anh quyết định rời khỏi "mái nhà chung EU" sau 44 năm chung sống, nước Anh đang rơi vào tình trạng bất ổn định về đời sống chính trị và kinh tế.

Về mặt chính trị, Chính phủ cầm quyền hiện nay là chính phủ Bảo thủ thiểu số, dù vừa đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của đảng này tại Hạ viện để Chính phủ có thể thông qua được các kế hoạch, dự luật của mình do đảng Bảo thủ đã không có đủ số ghế đại đa số tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, song vẫn được xem là đang ở thế yếu so với thời điểm trước bầu cử.

Bà Theresa May.

Đây được xem là bước thụt lùi của đảng Bảo thủ nói chung và Thủ tướng Theresa May nói riêng. Do không đủ mạnh như trước khi tiến hành tổng tuyển cử, nên đảng Bảo thủ sẽ không thể tự quyết các vấn đề quan trọng của đất nước như tiến trình đàm phán Brexit với EU, mà sẽ phải lắng nghe, và chịu sức ép từ các đảng phái chính trị khác.

Đối với Thủ tướng Theresa May, bà sẽ còn khó khăn hơn nữa trong khi thực thi nhiệm vụ đàm phán với EU bởi những ý kiến bất đồng từ chính một số nhân vật quan trọng trong nội các như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, và từ các đảng chính trị khác. Vị thế của bà tại EU bị suy yếu trong bối cảnh ảnh hưởng của tân Tổng thống Pháp Macron tại EU đang lên cao. Sau kết quả tổng tuyển cử, cũng có ý kiến nói về việc ra đi của Thủ tướng May, nhưng trong bối cảnh hiện nay, bà May vẫn là người nắm vững nhất để dẫn dắt đàm phán Brexit cho nước Anh, nên bà May sẽ vẫn tại vị là Thủ tướng.

Anh và EU đã bắt đầu tiến hành đàm phán chính thức để Anh rời khỏi EU nhưng nước Anh đã không còn ở thế mặc cả thẳng thừng với EU, nước Anh phần nào bị lép vế tại thời điểm này. Nhiều ý kiến cho rằng Đức-Pháp đang dẫn dắt EU trong tiến trình đàm phán lịch sử này. Nếu nước Anh vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn đối với vấn đề di trú và kiểm soát đường biên giới thì sẽ gặp khó khăn khi tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại với 27 nước EU còn lại, cũng như đến bức tranh toàn cảnh ngành dịch vụ tài chính của Anh trong tương lai.

Báo chí nói về cuộc thay đổi của nước Anh.

Kinh tế Anh vẫn giữ được mức tăng trưởng 1,8% trong 3 quý tiếp theo sau khi tiến hành trưng cầu dân ý. Việc bỏ phiếu ra khỏi EU không gây ra thảm kịch kinh tế như nhiều nhà kinh tế dự đoán trước đây. Đây có thể là một tin tốt đối với nước Anh, tuy nhiên, mức sống của các hộ gia đình Anh được cho là thấp đi so với trước khi tiến hành trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, phải thừa nhận Brexit đã tác động xấu đến tâm lý các nhà đầu tư, kinh doanh tại Anh. Tình trạng kinh tế hiện nay của nước Anh không đem lại sự hài lòng cho đa phần người dân nước Anh. Kết quả của việc bỏ phiếu tổng tuyển cử vừa qua phản ánh thái độ phản kháng của người dân Anh, muốn trừng phạt chính phủ cầm quyền. Và mọi người khó tránh được cảm giác nước Anh có thể rơi vào thời kỳ suy thoái.

Yếu thế

Một tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử trước hạn, Thủ tướng Anh Theresa May đã tỏ ra rất cứng rắn khi tuyên bố Quốc hội "treo" tại Anh sẽ dẫn tới một Brexit "tồi tệ" và chỉ trích tất cả những điều mà bà cho là sự đe dọa của Brussels.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng: "Những phát biểu kiểu này giờ không còn và nhà lãnh đạo Anh cam kết sẽ để tâm tới nguyện vọng của các cử tri sau cuộc bầu cử ngày 8/6, nơi thế đa số của đảng Bảo thủ trong Quốc hội đã 'bốc hơi'". Nhiều người lo ngại các cuộc đàm phán về Brexit sẽ trở nên phức tạp hơn bởi những nhà đàm phán của Anh có thể không đủ ảnh hưởng để thúc đẩy bất kỳ thỏa thuận nào với các đối tác châu Âu.

Những chia rẽ trong giới cầm quyền Anh càng sâu sắc hơn khi Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond cho rằng Anh nên ưu tiên vấn đề việc làm và chất lượng cuộc sống của người dân trong các cuộc đàm phán Brexit, thay vì quá cứng nhắc và sẵn sàng "đoạn tuyệt" với EU đúng như những gì mà các cử tri ủng hộ việc "ra đi" mong muốn. Các nhà phân tích cho biết sự thay đổi trong giọng điệu của Thủ tướng May cho thấy "bà ấy đã đánh mất vị thế của mình, thậm chí còn đang yếu thế". Ảnh hưởng của bà May ngày càng thu hẹp là điều không ai có thể chối cãi.

Trong phiên khai mạc đàm phán tại Brussels ngày 19-6, Bộ trưởng Brexit David Davis đã nhấn mạnh rằng Anh phải rời khỏi thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan để có thể giành lại quyền kiểm soát các vấn đề của mình.

Với những tuyên bố trái chiều từ London, châu Âu đang rất băn khoăn trước thông điệp và lập trường thực sự của quốc gia này, nhất là trong bối cảnh báo chí không ngừng đồn đoán rằng đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng thay thế bà May bằng một nhà lãnh đạo khác.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.