Đáo hạn IMF, Hy Lạp vẫn khó tránh khỏi vỡ nợ!

Thứ Hai, 13/04/2015, 15:25
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde từ Washington khẳng định đã nhận được số tiền 459 triệu euro, Hy Lạp chuyển trả đúng hẹn vào ngày 9/4. Trước đó nhiều tuần đã xuất hiện những đồn đoán trên thị trường rằng, Hy Lạp không thể xoay sở được tiền trả nợ. Vấn đề lo ngại ở chỗ, sau khi trả khoản nợ này, Hy Lạp có tìm kiếm được nguồn tài chính cần thiết để trang trải những khoản nợ lớn hơn, mà gần nhất là khoản 400 triệu euro tiền lãi và hơn 2,4 tỉ euro nợ ngắn hạn phải thanh toán vào cuối tháng 4 này?

Nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính lớn hơn từ EU, điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp “thất hứa” với các chủ nợ do năm 2015, Hy Lạp sẽ phải trả 31 tỉ euro nợ đến hạn, trong đó riêng IMF là 9 tỉ euro, ECB 7 tỉ euro và các Ngân hàng Hy Lạp 15 tỉ euro.

Trong bối cảnh tổng nợ công của Hy Lạp đã lên tới trên 320 tỉ euro (tương đương 175% GDP), trong đó nợ IMF 32 tỉ euro, Cơ chế bình ổn châu Âu (MES) 141,8 tỉ euro, ECB 27 tỉ euro, Đức 55 tỉ euro, Pháp 44 tỉ euro và Italy 40 tỉ euro…, tỉ lệ thất nghiệp thất nghiệp vẫn ở mức cao - gần 27%, áp lực trả nợ đè nặng lên ngân sách, khiến chính phủ không còn tiền để chi cho tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện chính sách xã hội, Hy Lạp đang đứng trước nguy phá sản bất kỳ lúc nào.

<
Tổng Giám đốc IMF (trái) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp.
/center>

Mặc dù nhóm các Bộ trưởng Tài chính EU đã nhất trí gia hạn gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, đáng lẽ đã hết hạn vào ngày 28/2, thêm 4 tháng, song để nhận được khoản giải ngân tối quan trọng cuối cùng, Athens vẫn bị ràng buộc với điều kiện cam kết cải cách, như chính phủ tiền nhiệm đã từng thực hiện suốt 5 năm qua.

Vấn đề càng trở nên căng thẳng khi Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tspiras không muốn thực hiện những biện pháp “khắc khổ” mà ông từng tuyên bố sẽ chấm dứt để lấy lòng cử tri trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng 1 vừa qua. Với quan điểm này, kế hoạch cải cách của Hy Lạp đã bị bác bỏ trong lần đầu tiên đề xuất. Danh sách các biện pháp cải cách lần thứ hai ngay lập tức đã được soạn thảo kèm theo một số nhượng bộ để thỏa mãn yêu cầu các bên.

Trong suốt hai ngày 8 và 9-4, Thứ trưởng Tài chính các nước châu Âu cùng đại diện các tổ chức cho vay đã nỗ lực làm việc nhằm đạt được sự nhất trí đối với bản danh sách cải cách mới do Hy Lạp đề xuất.

Song những bất đồng và tranh cãi xung quanh giải pháp “chống thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp dường chưa thể thuyết phục các chủ nợ tiếp tục giải ngân để giúp nước này giải quyết những vấn đề cấp thiết về tài chính ngay lập tức.

Dự đoán sẽ không có đột phá nào cho đến cuộc họp kế tiếp của Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone dự kiến diễn ra vào ngày 24/4 tại Riga.

Các nhà phân tích cho rằng nếu một lần nữa thất bại, “cuộc cách mạng chống thắt lưng buộc bụng” do đảng Syriza đứng đầu sẽ dần “xì hơi” và những nhiệt tình giành cho nó cũng dần bị “dập tắt” bởi một thực tế rằng, các nhà lãnh đạo ở phần còn lại của châu Âu không muốn tham gia, hay quan trọng hơn là họ không muốn ủng hộ tài chính cho cuộc “nổi dậy” này.

Thêm vào đó, họ cũng nói rõ rằng, Hy Lạp sẽ không được nhận thêm một “xu” nào cho tới khi nước này thực sự có thể kiểm soát được mức chi tiêu. Điều này càng cho thấy tương lai ảm đạm trong thời gian tới, và có lẽ không chỉ những người bên ngoài mà ngay cả bên trong nội bộ đảng Syriza cũng cảm nhận được một “điều gì đó” bất lợi cho “cuộc nổi dậy” của mình.

Theo Guntram Wolff, Giám đốc của Bruegel, một nhóm nghiên cứu ở Brussels (Bỉ), sai lầm lớn nhất của Hy Lạp là nghĩ rằng tất cả các quốc gia Nam Âu sẽ ủng hộ Hy Lạp. Họ không biết rằng ngay cả Bồ Đào Nha, quốc gia từng phải chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng sau khi ký thỏa thuận nhận cứu trợ với những điều kiện khắt khe, cũng đứng về phía Đức, Phần Lan và những quốc gia Bắc Âu khác.

Khả năng Athens đạt trở lại cân bằng cán cân thương mại và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường tài chính quốc tế là điều xa vời, ít nhất là trong thời gian ngắn và trung hạn.

Nếu một quốc gia không thể cân đối ngân sách của chính mình trong một thời gian dài, cũng như không chứng minh được năng lực có thể bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách đó, thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ còn ở lâu trong tình trạng khủng hoảng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.