Tình báo CH Czech đối mặt với nguy cơ cắt giảm ngân sách

Thứ Hai, 11/06/2012, 05:35

Bộ trưởng Tài chính Miroslav Kalousek của Cộng hòa Czech đề nghị cắt giảm 250 triệu koruna trong ngân sách dành cho Cục Tình báo và Phản gián quốc gia (BIS) trong vòng 2 năm tới.

Đây là mức cắt giảm đáng kể mà cựu Bộ trưởng Nội vụ Frantisek Bublan của đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) cho là có thể sẽ giết chết BIS - Cơ quan tình báo quan trọng của Cộng hòa Czech có trách nhiệm phản gián và bảo vệ các lợi ích kinh tế quốc gia. Năm 2012, ngân sách của BIS đã giảm từ 1.166 xuống còn 1.149 tỉ koruna; và sẽ chỉ còn 911 triệu koruna vào năm 2013 nếu dự thảo ngân sách của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Czech lập luận rằng, mọi cơ quan nhà nước đều phải chịu cắt giảm ngân sách nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách ở mức 2,9% GDP vào năm 2013 và 1,9% năm 2014 trong mục tiêu cân đối ngân sách vào năm 2016 do chính quyền trung hữu đề ra.  Dĩ nhiên Jiri Lang, Giám đốc BIS, hết sức bất mãn về đề nghị của Bộ trưởng Tài chính vì như thế cơ quan sẽ phải giảm bớt nhân lực cũng như từ bỏ nhiều điệp vụ quan trọng.

Frantisek Bublan - cựu Bộ trưởng Nội vụ và cựu lãnh đạo Cục Đối ngoại và Thông tin Cộng hòa Czech (UZSI) - tuyên bố ông tin chắc dự thảo cắt giảm ngân sách sẽ dẫn đến việc đóng cửa BIS, bởi vì trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, cơ quan rất cần tăng cường quân số cũng như nâng cấp công nghệ vốn đã lỗi thời.

Theo Bublan, riêng khoản tiền trả lương cho nhân viên tình báo đã ngốn hết 2/3 ngân sách hoạt động của BIS và còn phải tính đến khoản lương hưu nếu cho một số lượng lớn điệp viên nghỉ việc. Ông Bublan cũng khẳng định: Nếu ngân sách hàng năm của BIS chưa đến 1 tỉ koruna thì luật pháp cần có sự sửa đổi để chuyển một số trách nhiệm của cơ quan này sang cho các cơ quan khác. Ngay cả Bộ Quốc phòng cũng bị cắt giảm song vấn đề trở nên tế nhị hơn nhiều đối với cộng đồng tình báo Cộng hòa Czech. Về phần mình, đương kim Bộ trưởng Nội vụ Jeronym Tejc (CSSD) cũng có chung nhận định rằng, BIS sẽ bị tê liệt nếu bị cắt giảm đến 250 triệu koruna.

Ông Jeronym Tejc cũng chỉ ra mối đe dọa tiềm ẩn khác cho an ninh quốc gia. Theo ông, nếu bị cho nghỉ việc, nhiều điệp viên giỏi rất có thể làm việc cho những tổ chức khác không đáng tin cậy hoặc thông tin tình báo nhạy cảm có nguy cơ bị rò rỉ. Để chứng minh, ông Jeronym Tejc nêu ra trường hợp tài liệu mật của BIS từng bị một cựu điệp viên chuyển giao bí mật cho cơ quan an ninh tư nhân ABL do lãnh đạo đảng Vấn đề chung (VV) thành lập và sau đó lọt vào tay tờ nhật báo Mlada fronta Dnes.

Không giống như Bublan, một lãnh đạo khác của UZSI là Karel Randak lại cho rằng biện pháp cắt giảm ngân sách dành cho BIS là đúng đắn vì như thế sẽ tránh tình trạng dư thừa nhân lực một cách không cần thiết!

Các nhiệm vụ chính của BIS là bảo vệ hiến pháp và nền dân chủ, ngăn chặn mọi hoạt động gián điệp từ bên ngoài và hợp tác thi hành pháp luật. Sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001, BIS nhận thêm nhiệm vụ mới là chống khủng bố. Ban đầu, BIS trực thuộc Bộ Nội vụ Cộng hòa Czech nhưng từ năm 1992, cơ quan bắt đầu hoạt động độc lập và có sự hợp tác chặt chẽ với lực lượng cảnh sát chống lại mọi hoạt động bất hợp pháp.

Ngoài ra, BIS cũng đảm nhận vai trò chống các phần tử cực đoan, các tổ chức tội phạm, bảo vệ an ninh kinh tế và năng lượng, chống buôn người và nhập cư trái phép, chống tham nhũng. Rõ ràng, chính quyền Cộng hòa Czech dựa dẫm rất nhiều vào BIS trong các vấn đề an ninh quốc gia, song BIS không bao giờ hài lòng với ngân sách dành cho mình. Thậm chí, các quan chức hàng đầu của BIS tin chắc rằng, vấn đề ngân sách đang gây tranh cãi chẳng chóng thì chầy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho cơ quan tình báo quan trọng bậc nhất này của Cộng hòa Czech.

Tuy nhiên, chính quyền Cộng hòa Czech cũng lo ngại về vấn đề tham nhũng bên trong BIS cho nên vào đầu năm 2011 đã cho thành lập một cơ quan giám sát BIS gọi là Tổng thanh tra các cơ quan an ninh (GIBS). Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác của GIBS là ngăn chặn mọi hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng cảnh sát và an ninh.

Người ta tin rằng, với sự ra đời của GIBS, mọi hành vi lạm dụng quyền lực của BIS sẽ được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Ivan Bilek, cựu Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng của lực lượng Cảnh sát Czech, được chỉ định lãnh đạo GIBS với nhân lực gồm 335 người và ngân sách hàng năm cho GIBS vào khoảng 300 triệu koruna (tương đương 17,7 triệu USD).

Không giống như những cơ quan tình báo của các nước lớn khác, BIS chỉ là một tổ chức quy mô nhỏ song nhân viên của nó được huấn luyện rất tốt. Sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001, BIS bắt đầu có sự hợp tác quốc tế chống khủng bố và giúp đỡ giải quyết vụ thảm sát ở Na Uy vào tháng 7/2011

Duy Ân (tổng hợp)
.
.
.