Tính Đảng của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ Hai, 21/06/2021, 17:46
Không có một nền báo chí nào dù của bất cứ một quốc gia, dân tộc nào chung chung, phi dân tộc, phi chính trị, phi xã hội... Và, càng không có một nền báo chí nào dù của bất cứ tổ chức quốc tế mang tầm toàn cầu nào trừu tượng, không có tính từ, dẫu xét trên bất cứ phương diện hay góc nhìn nào, từ chính trị, kinh tế tới đạo đức hay pháp quyền.

Đó là sự phát triển thống nhất trong đa dạng của báo chí, dù xét dưới bất kỳ quy mô hay tính chất nào. Nền báo chí Việt Nam hiện đại không nằm ngoài tính quy luật đó.

Tròn 96 năm trước, ngày 21-6-1925, bằng kỳ công của Nguyễn Ái Quốc, tờ Thanh Niên, đứa con nòi của nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời, khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà. Cách đây 91 năm, tại Hội nghị thành lập Đảng ta (từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng quyết định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền”(*).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo. Ảnh Tư liệu.

Như vậy, ngay từ thuở cách mạng trứng nước, Hồ Chí Minh ý thức rõ, báo chí là một mặt trận để “tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo cách mạng”. Vừa khai sinh, Đảng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng và phát triển một nền báo chí cách mạng Việt Nam - nền báo chí phụng sự Nhân dân, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng. Nói cách khác, báo chí “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn.

Đó cũng chính là nguyên tắc sáng tạo, là phẩm chất và ý thức tự nguyện xã hội chủ nghĩa của hệ thống báo chí và đội ngũ nhà báo nước ta. Nhận thức và hành động trái điều đó, có nghĩa là chệch hướng chính trị. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí cách mạng nước ta vậy. 

Rõ ràng, một cách tự nhiên, tính Đảng là một thuộc tính căn bản, tiên quyết (cùng các thuộc tính quan trọng khác: tính dân tộc, tính nhân dân, tính quốc tế...) làm nên lý tưởng, sinh khí, vị thế và sức mạnh của nền báo chí cách mạng nước nhà, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hội nhập nền báo chí thế giới. Thiếu nó, chúng ta sẽ lạc hướng. Không ai có thể phủ nhận, cắt xén hay bôi nhọ, bài xích, dù dưới mọi góc độ, quy mô, dù mọi tính chất và mức độ! 

Dưới ngọn cờ của Đảng, báo chí Việt Nam phản ánh, cổ vũ sự nghiệp cách mạng của Nhân dân. Và, đến lượt mình, một phương diện chính trị và xã hội mà Đảng dứt khoát phải nắm lấy và đồng hành, cổ vũ báo chí - một thứ khí giới “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân” - trong từng hơi thở, ở mỗi bước đi. Đó chính là tính chính trị của báo chí.

Mỗi bước trưởng thành của Đảng, của Nhà nước ta là mỗi bước nâng nền báo chí lên một vị thế và tầm cao mới; và, mỗi bước phát triển của báo chí lại là tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của Đảng, của chế độ; là động lực mạnh mẽ và quan trọng góp phần nâng Đảng và Nhà nước ta ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, củng cố vững chắc chế độ xã hội ta. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí chúng ta.

Một cách tự nhiên, báo chí góp phần vào sự phát triển, kết tinh cao độ và sinh động của tính dân tộc, không ngừng thể hiện một cách tự nhiên, như là máu thịt, là hồn cốt, là dòng chủ lưu quán xuyến và xuyên thấm mọi hoạt động sống của mình. Có thể nói, theo nghĩa nào đó, hiện nay, tính Đảng chính là kết tinh và thể hiện cao độ tính dân tộc Việt Nam mà báo chí là tấm gương sáng. Nhân dân là chủ giang san xã tắc, là vốn quý nhất trong tài sản dân tộc, là khí phách, bản lĩnh quốc gia. Vị thế, lợi ích và uy tín dân tộc vô song! Khi báo chí lĩnh nhiệm sứ mệnh bảo vệ và phát triển vô điều kiện tất cả những lẽ đó thuộc về quốc gia dân tộc, thuộc về Nhân dân, thì đó chính là khi tính Đảng phát triển cao nhất, rực rỡ nhất và vô cùng thiêng liêng. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí chúng ta.

Thực tiễn không ai có thể chối bỏ hoặc bôi nhọ được, rằng “chế độ ta là chế độ dân chủ”, tư tưởng phải được tự do, báo chí phải bảo vệ sự thật, bảo vệ quyền tự do tư tưởng và bảo vệ chân lý. Hơn lúc nào hết, lúc này, “chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là chân lý ở Việt Nam. Lật ngược chân lý ấy là phi dân chủ, là bóp chết dân chủ. Lại rõ ràng, trọng trách của nền báo chí nước nhà, không thể không đối diện và góp phần giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế hay xã hội và môi trường, trong quá trình phát triển của mình, đi tiên phong công phá những âm mưu và hành động nhân danh dân chủ, tự do báo chí để phá hoại lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc và Nhân dân.

Báo chí vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, góp phần tạc nên gương mặt và hồn phách đất nước ta, Nhân dân ta; đồng thời góp phần làm trọn vai trò là người dẫn dắt và cổ vũ dư luận sáng suốt, người phản biện và kiến tạo xã hội một cách hăng hái. Lịch sử dân tộc không thể tách rời và soi mình qua lịch sử và cuộc sống báo chí. Trước đòi hỏi của dân tộc, báo chí chúng ta phải đáp lại một cách xứng đáng và ngang tầm với vị thế và sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân trao cho. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí chúng ta.

Trước đòi hỏi một cách nghiêm khắc của đất nước và Nhân dân, sự ngang tầm về sứ mệnh và xứng đáng về vị thế của báo chí là đòi hỏi một cách nghiêm nhặt và biểu hiện tập trung về đoàn kết thống nhất. Phải vượt qua tất cả rào cản tâm lý, những chướng ngại thậm chí cả những “cục nghẽn mạch” về lợi ích riêng, lợi ích nhóm, để thực thi dứt khoát cấu trúc lại nền báo chí, không thể bàn lùi, không thể hoãn binh, càng không được “án binh bất động”.

Lúc này, sức mạnh báo chí nằm ở sự tập trung có tổ chức nghiêm nhặt và phù hợp một cách dân chủ và thống nhất. Đó là thước đo về sức mạnh của nền báo chí. Trái như thế, báo chí tự làm suy yếu mình, tự hạ thấp mình, rốt cuộc tự đánh mất lòng tin của xã hội. Và, sẽ thất bại trong việc quản lý nhà nước về báo chí, thất bại về chính trị. Tính Đảng nằm ở chính chỗ này.

Báo chí chủ động và tỉnh táo chống mọi thủ đoạn “mượn tay” báo chí chĩa mũi nhọn công phá Nhà nước ta, Đảng ta và Nhân dân ta. Báo chí chủ động tẩy trừ mọi biến tướng của những kiểu báo chí “không biên giới”, báo chí tùy thời, thực dụng, phi quốc gia, dân tộc, phi chính trị; lên án mọi âm mưu thổi phồng sự tự do của báo chí nhằm cổ súy một kiểu báo chí tự do không giới hạn; khắc chế mọi sự thổi phồng mù quáng cái gọi là “cá tính sáng tạo” người làm báo một cách dân túy... mưu toan xâm hại lợi ích của dân tộc, của Nhân dân ta. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí chúng ta.

Mỗi tờ báo luôn là ngôi nhà của những người làm báo, trước hết là phẩm hạnh tốt nhất, tử tế nhất và sau cùng mới là thạo nghề nhất; tất cả làm đúng công việc của mình một cách sáng tạo và đúng luật. Các nhà báo - đảng viên làm gương trên phương diện này. Bản lĩnh, sự ảnh hưởng và uy tín vì dân tộc của mỗi tờ báo, của nền báo chí là thước đo sức mạnh của tính Đảng! Tính Đảng nằm ở chính chỗ này.

Báo chí không chỉ là nơi Nhân dân nói mà còn phải là nơi nói tiếng nói phụng sự Nhân dân, phục vụ cách mạng, vì mục đích cuộc cách mạng, của nền báo chí tự do, dưới ngọn cờ của Đảng, cũng là “vì dân”. Làm trái đi, chúng ta sẽ tha hóa, làm thoái hóa báo chí, thậm chí là ngụy báo chí. Do đó, tôn trọng bạn đọc là tôn trọng chính mình, là tôn chỉ, là con đường phát triển tự nhiên và lành mạnh của chính báo chí chúng ta. Lúc này, báo chí thực sự làm chủ thời cuộc và công nghệ, chủ động tiên phong cảnh giới và gìn giữ không chỉ không gian chính trị, không gian xã hội, đặc biệt quan trọng là không gian mạng, mà quan trọng bậc nhất ở đây là không gian tinh thần, với trụ cột là Lòng Người, chủ động dẫn dắt, chi phối dư luận xã hội, nhân lên giá trị và cổ vũ uy tín Việt Nam, hội nhập và góp phần phát triển đời sống báo chí quốc tế. Lòng tin của bạn đọc quyết định sự thành công của báo chí, là động lực làm nên vị thế của những người làm báo nước nhà; và ngược lại. Tính Đảng nằm ở chính chỗ này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp báo, thông báo kết quả Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 1-2-2021. Ảnh: Quang Phúc.

Bạn đọc, bạn xem và công chúng báo chí không đòi hỏi phải làm báo bằng mọi giá, mà đòi hỏi những người cầm bút nhất định phải trung thực, quang minh, chính nghĩa. Nghĩa là, mỗi người cầm bút, với tư cách là người biên niên lịch sử, người dẫn dắt dư luận, trước hết và sau cùng xứng đáng là một nhà chính trị, một công dân trọn vẹn, một cá nhân sáng tạo thấm đẫm liêm sỉ và nhân văn. Ở đây, danh dự cá nhân và uy tín ngòi bút vì Tổ quốc, vì Nhân dân chính là thước đo về tính Đảng. Nhất định phải kiến tạo một đội ngũ nhà báo bảo đảm chuyên nghiệp hóa - hiện đại hóa - văn hóa hóa. Tính Đảng đối với báo chí nằm chính ở chỗ này.   

Đảng ta mang bản chất quốc tế! Dưới ngọn cờ của Đảng, nền báo chí Việt Nam tự nó mang tính quốc tế, ngay trong mỗi bước phát triển và hội nhập quốc tế. Báo chí không thể không tham gia, thậm chí can dự đời sống quốc tế, nhưng tính Đảng xa lạ và kiên quyết tẩy trừ mọi biểu hiện xa lánh, dùng báo chí chống báo chí, dùng báo chí xâm hại chính trị quốc tế, nhất là kỳ thị và chống lại các quốc gia dân tộc khác bằng báo chí, thông qua báo chí. Chỉ có như thế báo chí chúng ta mới nắm lấy chân lý và sáng tạo không ngừng, khẳng định vị thế, bản lĩnh của mình trên trường quốc tế, nhận được sự ủng hộ của báo chí quốc tế. Đó chính là tính Đảng của nền báo chí.

Mọi thể chế lãnh đạo, quản lý sẽ không hoàn bị, nếu thiếu chế tài. Chúng ta đã bàn nhiều. Giữ nghiêm phương châm: Thưởng phạt không kịp thời và không nghiêm dựa trên Đảng cương, quốc pháp và sự tín nhiệm của Nhân dân, tất loạn! Tính Đảng nằm ở chính chỗ này.

Tính Đảng là nhân tố căn bản làm nên sứ mệnh, tôn vinh vị trí và vai trò lịch sử của báo chí; là nguyên tắc bất biến quán xuyến diện mạo, khí chất, sức mạnh và uy tín của nền báo chí nước nhà trong công cuộc kiến thiết quốc gia và hội nhập quốc tế. Đây chính là cương lĩnh hành động, là phương hướng căn bản của sự tự do và sáng tạo của nền báo chí, là mục tiêu hoạt động, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, là sự nghiệp vẻ vang thử thách bản lĩnh của mỗi người làm báo, để nền báo chí nước nhà hoàn thành vẻ vang trọng trách ngang tầm với đòi hỏi của Nhân dân, yêu cầu của công cuộc đổi mới, dưới ngọn cờ của Đảng hiện nay và tương lai.                   

(*) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t2, tr 12.

TS. Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
.
.
.