Thế giới lên án hành vi gây hấn và vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc

Thứ Sáu, 16/05/2014, 14:10

"Ở biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động dựa trên các tuyên bố đơn phương, làm dấy lên căng thẳng và gia tăng lo ngại giữa các nước trong khu vực", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án.

Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và tấn công tàu Việt Nam

Ngày 7/5, tại Hà Nội, bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.

Trong lúc này, ngoài một số nguyên thủ còn có rất nhiều chính trị gia, học giả và các hãng truyền thông trên khắp thế giới đều lên tiếng tố cáo hành vi gây mất hòa bình và ổn định khu vực của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết: Ngày 2/5/2014, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 29'58'' vĩ Bắc, 111 độ 12' 06" kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.

Trước hành vi này của Trung Quốc, trong những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối và trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên (trong đó có sự tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CNOOC). Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Đáng chú ý, chiều 6/5/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và trước đó ngày 4/5/2014, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc để phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD-981 trên thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc (trái) đã dùng vòi rồng công suất lớn tấn công một tàu Việt Nam (phải).

Theo ông Hải, phía Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam vẫn không rút giàn khoan nói trên cùng các tàu dịch vụ dầu khí và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Rõ ràng đây là hành động cố tình và có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; cũng như đã vi phạm các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế…

Bất chấp thái độ hòa hiếu của Việt Nam, phía Trung Quốc không những không rút giàn khoan HD-981 mà còn tăng  cường tàu bảo vệ, mở rộng vùng bảo vệ và chủ động tấn công tàu Việt Nam đang làm công tác bảo vệ chủ quyền.

Về việc này, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam thông tin chi tiết: Đối với Trung Quốc, lực lượng tham gia bảo vệ giàn khoan HD-981 trong các ngày 2 và 3/5 khoảng 40 tàu các loại. Đến thời điểm 12h ngày 7/5, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự; cùng 33 tàu Hải cảnh, Hải giám, Ngư chính; và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào cách đảo Lý Sơn từ 50 - 60 hải lý.

Ông Thu cho biết, khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD-981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu.

Cụ thể: Lúc 8h10 ngày 3/5, tại tọa độ 15031' N - 111002'E (cách giàn khoan HD-981 khoảng 10 hải lý) tàu Hải Cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033 của Việt Nam, hậu quả làm cho tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3 mét, rộng 1 mét, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác. Lúc 8h30 ngày 4/5: tàu Hải Cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu.

Ngoài các tàu Cảnh sát biển thì các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm va, dùng vòi rồng phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương một số thủy thủ Việt Nam. Lúc 12h ngày 7/5, tàu Hải cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003. Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003, nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam.

Đối với các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.

Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi tàu Việt Nam có tiến hành đâm tàu Trung Quốc để bảo vệ tàu của mình không? Ông Ngô Ngọc Thu cho biết: Lực lượng Cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. "Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi thì chúng tôi cũng có những tự vệ tương tự để đáp lại" - ông Thu trả lời.

Thế giới lên án Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 7/5 đã thẳng thừng vạch mặt Trung Quốc là người phải chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy mối quan tâm an ninh toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, bằng những hành động đơn phương, dựa trên những tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh.

Phát biểu của ông Abe được đưa ra tại Trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ, ngay trước khi Việt Nam công bố bằng chứng cho thấy các tàu Trung Quốc đi theo bảo vệ, phục vụ hoạt động trái phép của giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam đã hung hăng, ngang ngược, đâm thẳng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. "Ở biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện một loạt hành động dựa trên các tuyên bố đơn phương, làm dấy lên căng thẳng và gia tăng lo ngại giữa các nước trong khu vực", ông Shinzo Abe lên án.

Ngày 8/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết, Tokyo "vô cùng quan ngại" bởi các hành vi của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế “hành động khiêu khích".

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở NATO ngày 7/5.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/5 đã bày tỏ lo ngại về hành vi nguy hiểm và đe dọa của tàu Trung Quốc ở biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo ngắn tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki cho hay: "Washington mạnh mẽ lên án hành vi nguy hiểm và đe dọa của các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp". "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành xử an toàn, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp về chủ quyền một cách hòa bình, ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế", Reuters dẫn tuyên bố của bà Psaki.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng, việc triển khai giàn khoan dầu của Trung Quốc trong khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là "khiêu khích" và không có tác dụng đối với an ninh khu vực.

Trong một bài thuyết trình tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington ngày 5/5, Tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương - tướng Hawk Carlisle cho biết: Trung Quốc đang hành xử ngày càng khiêu khích ở Thái Bình Dương.

Theo Hãng Reuters, ngày 5/5, Cục Hải sự Trung Quốc đã quyết định mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng xung quanh giàn khoan HD-981 đang khoan và tác nghiệp trái phép trên vùng biển Việt Nam lên 3 hải lý (4,8 km) so với 1 hải lý công bố hôm 3/5. Ngay sau khi Hãng Reuters đăng tải thông tin kể trên, Hãng AP lập tức bình luận và coi đây là hành động mới nhất trong chuỗi hành động mang tính khiêu khích của Bắc Kinh trên biển Đông, gây tình hình căng thẳng với các nước ASEAN và lôi kéo sự chú ý của Mỹ tới khu vực này.

Ngày 8/5, tờ Thời báo Ấn Độ cảnh báo: Quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đã trở nên hết sức căng thẳng sau vụ tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc va chạm trên biển Đông sau khi Bắc Kinh âm mưu cắm giàn khoan tại khu vực mà 2 nước đều tuyên bố chủ quyền.

Ngày 7/5, nhiều tờ báo lớn của Đức như Thế giới (die Welt), Thời đại (die Zeit), Tấm gương (die Spiegel), Làn sóng Đức (DW)... đã đăng tin, ảnh phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông - tàu chiến Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khi cố ngăn cản Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam; đồng thời cảnh báo căng thẳng có nguy cơ leo thang thành những cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn.

Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi ASEAN và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain coi quyết định của Trung Quốc hạ giàn khoan ngoài khơi Việt Nam cùng với việc triển khai hàng chục tàu hải quân để hậu thuẫn là hành động mang tính khiêu khích, đáng quan ngại và chỉ nhằm mục đích leo thang căng thẳng ở biển Đông. Ông John McCain còn khẳng định, hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không có cơ sở theo luật pháp quốc tế

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.