Thế giới khó đồng lòng kiểm soát vũ khí hạt nhân

Thứ Hai, 03/04/2017, 16:15
Từ sau Chiến tranh lạnh, vấn đề hạt nhân, trong đó có vũ khí hạt nhân chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Trong bối cảnh xuất hiện những thách thức mới, vũ khí hạt nhân càng trở lên đặc biệt nguy hiểm. Nguy cơ này càng tăng lên khi không có cam kết nào về phát triển và kiểm soát vũ khí hạt nhân được các nước sở hữu vũ khí hạt nhân chấp nhận.

Lấy lý do bảo vệ chính mình, họ đã tẩy chay các cuộc hội đàm của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Vũ khí hạt nhân của Nga được trình diễn tại cuộc duyệt binh. Ảnh: NBC News.

Nguy cơ có thật

Từ ngày 27-3 đến 31-3, tại trụ sở ở New York, LHQ lần đầu tiên hội nghị thương lượng một công cụ pháp lý ràng buộc nhằm cấm vũ khí hạt nhân, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân được hơn 100 nước tham dự đã cùng nhau đàm phán về lệnh cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của LHQ trong nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc.

Phát biểu khai mạc, ông Kim Won-soo, Phó Tổng Thư ký (TTK), Đại diện cấp cao của LHQ về các vấn đề giải trừ quân bị nhấn mạnh hòa bình, an ninh quốc tế và sự tồn vong của loài người tiếp tục bị đe dọa bởi sự tồn tại của vũ khí hạt nhân. Thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chạy đua vũ trang, hiện đại hóa năng lực và các kho vũ khí hạt nhân, các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước. Trong khi đó, các cơ chế quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn gặp nhiều bế tắc.

Phó TTK khẳng định, việc xây dựng một thế giới phi vũ khí hạt nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm chung của các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân và cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực vì mục tiêu giải trừ hạt nhân toàn diện, trong đó có việc thương lượng một công cụ ràng buộc pháp lý cấm vũ khí hạt nhân. Phó TTK tin tưởng rằng công cụ này sẽ góp phần bổ trợ cho Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) và sớm thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên “ý tốt” này của LHQ đã bị khước từ khi không có sự tham gia của những cường quốc đang sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc... Nguyên nhân của sự thiếu vắng của các cường quốc hạt nhân hàng đầu này được các nước giải thích là cuộc hội đàm này không thực tế.

Phát biểu trước 20 đồng minh của Mỹ cũng tẩy chay vòng đàm phán này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bác bỏ đề xuất về một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu sau khi cân nhắc đến các mối đe dọa an ninh trên thế giới hiện nay đối với Mỹ. Bà bày tỏ hoài nghi về khả năng Triều Tiên sẽ nhất trí với một lệnh cấm vũ khí hạt nhân và Mỹ cần có vũ khí hạt nhân để răn đe và bảo vệ chính mình.

Phát biểu của bà Nikki Haley đưa ra trong bối cảnh ngày 30/3, các nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân kiểu mới, khác với 5 lần thử trước đây. Người phát ngôn Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, Đại tá Roh Jae-cheon tái xác nhận những đánh giá của cơ quan này, cho rằng Triều Tiên dường như đã sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào bất kỳ lúc nào theo quyết định của ban lãnh đạo Triều Tiên.

Các chuyên gia tình báo Mỹ và Hàn Quốc nhận định, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể hủy diệt đến 90% dân số Mỹ. Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), James Woolsey và cựu quan chức CIA Peter Vincent Pry cho rằng thách thức trong việc bảo vệ người dân Mỹ là tức thời và cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Đợt tấn công từ các vệ tinh Triều Tiên có thể khiến cả nước Mỹ chìm trong bóng tối, vô hiệu hóa các cơ sở thiết yếu phục vụ cuộc sống người dân, giết hại 90% người Mỹ bởi nạn đói và khủng hoảng xã hội”, hai cựu quan chức tình báo cấp cao CIA viết.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bác bỏ đề xuất về một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Ảnh: Capital FM.

Biện hộ để sở hữu vũ khí hạt nhân

Nước Mỹ dẫn đầu liên minh đòi tẩy chay cuộc đàm phán trên đưa ra cái “lý” của mình khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã tuyên bố bên ngoài cuộc họp rằng, thế giới sẽ không an toàn nếu nước Mỹ không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng “ủng hộ” quan điểm của Mỹ, tẩy chay tiến trình này. Pháp và Anh, các quốc gia đồng minh về vũ khí hạt nhân cũng đã lên tiếng phản đối cuộc đàm phán này, họ tuyên bố sẽ không giúp giải trừ các quốc gia hạt nhân. Đại sứ Nga và Trung Quốc không có mặt. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia duy nhất từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945 cũng "quay lưng" với cuộc đàm phán, cho rằng sự thiếu đồng thuận trong đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Nobushige Takamizawa cho rằng những nỗ lực nhằm đưa ra một hiệp ước mà không có sự tham gia của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ chỉ có thể khiến sự phân hóa và chia rẽ thêm sâu sắc trong cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, Phó Đại sứ Pháp tại LHQ, ông Alexis Lamek, tình hình an ninh thế giới hiện nay không phù hợp với việc đưa ra một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. "Đất nước chúng tôi vẫn phụ thuộc vào năng lực phòng thủ hạt nhân để duy trì an ninh và ổn định", ông Lamek chia sẻ. Có thể thấy rõ, không một nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân muốn từ bỏ “sức mạnh” của mình.

Răn đe hay là chỉ là cái cớ tham gia cuộc đua?

Để biện hộ cho các quyết định của mình, nước nào cũng đưa ra cái lý riêng để sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngay như Hàn Quốc mới đây cũng tuyên bố, nước này cần vũ khí hạt nhân vì chính sách răn đe Triều Tiên thất bại. Đài TNHK đưa tin những người ủng hộ giải pháp răn đe hạt nhân của Hàn Quốc cho rằng chính quyền Seoul phải phát triển các loại vũ khí hạt nhân của riêng mình, để bảo vệ nước này trước những khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của Triều Tiên.

Ông Song Dae-sung, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Kunkuk ở Seoul, và là tác giả của cuốn sách "Let's Have Nuclear Power" đưa ra những lập luận ủng hộ Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân. Ông nói: "Nếu Triều Tiên trở thành một nước trang bị vũ khí hạt nhân trong khi đối thủ của họ không có khả năng hạt nhân, thì nước không có vũ khí hạt nhân sẽ trở thành nô lệ hay con tin của nước có vũ khí hạt nhân. Đấy là nguyên tắc cơ bản của chính trị quốc tế".

Nghị sỹ Won Yoo-chul, một lãnh đạo của đảng Saenuri cầm quyền, cũng ủng hộ giải pháp Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Won từng tuyên bố "cách răn đe hiệu quả nhất để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân là có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ”.

Kể từ năm 1991, 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ đã ký 3 hiệp ước về cắt giảm vũ khí hạt nhân, cũng như có nỗ lực đơn phương hạn chế kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, so với thập kỷ trước, tốc độ giải trừ vũ khí hạt nhân của 2 quốc gia này đã chậm lại. Từ khi Hiệp ước START/3 được ký năm 2010 và có hiệu lực 1 năm sau đó, Nga và Mỹ hầu như chưa có nỗ lực đáng kể trong mục tiêu này trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước ngày càng căng thẳng. Và Nga tuyên bố không tiếp tục đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân.

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề về kiểm soát và không phổ biến vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov tại cuộc họp báo ở thủ đô Moskva đã tuyên bố rằng: Nga không thể tiếp tục đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân.

Các nhà phân tích nhận định, nếu tính từ khi Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố rút khỏi “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” vào ngày 12-3-1993 thì vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã duy trì được 23 năm. Lần thứ hai nước này tuyên bố rút khỏi “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” vào ngày 10-1-2003. Trong thời gian này, mặc dù rất nhiều nước mong muốn vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể được giải quyết một cách hòa bình và triệt để, nhưng đáng tiếc là mong muốn này về cơ bản đã tan vỡ cùng với việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 và có thể đang chuẩn bị cho lần thứ 6.

Chính vì “lý do” ngăn chặn Triều Tiên, đã có nhiều nước đổ ra rất nhiều tiền của để phát triển vũ khí hạt nhân với mức độ nguy hiểm ngày càng lớn hơn. Và để kiềm chế Triều Tiên, các nước lớn trên thế giới đã phát triển vũ khí hạt nhân với “bản quyền riêng”.

Một loại vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Ảnh: The National Interest.

Câu hỏi đặt ra là cuộc đua để phát triển vũ khí hạt nhân sẽ đưa các nước đang sở hữu và thế giới này đi tới đâu? Tại sao rất nhiều cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân mạnh như Nga, Mỹ, Trung Quốc lại không thể ngăn chặn được các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên? Tại sao một thế giới “có vẻ” đoàn kết lại không thể ngăn chặn được một quốc gia đang phát triển vũ khí hạt nhân?

Phải chăng, chương trình hạt nhân của Triều Tiên là cái cớ để các cường quốc hạt nhân lấy đó mà phát triển vũ khí hạt nhân của chính mình?

Không thể không loại bỏ vũ khí hạt nhân

Ngày 5-3-1970, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với 191 quốc gia tham gia có hiệu lực là dấu mốc cho những nỗ lực của thế giới nhằm hướng tới một thế giới không có hạt nhân. Kể từ khi có hiệu lực, không thể phủ định Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã thể hiện vai trò tích cực nhất định, như kìm hãm sự gia tăng số lượng những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như đóng vai trò cho quá trình giải giáp hay giải trừ vũ khí hạt nhân để nhân loại không còn canh cánh nỗi lo về sự tồn tại ở nhiều nơi trên trái đất các kho vũ khí khổng lồ chứa những quả bom diệt chủng.

Tuy nhiên, các hạn chế của NPT cũng rất lớn. Đó là bản hiệp ước này không đưa được một thời gian biểu cụ thể nào cho việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Ngày 10-9-1996, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (gọi tắt là CTBT) nhằm mục tiêu loại trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Theo Hiệp ước, tất cả các nước trên thế giới cam kết không tiến hành hoặc cho phép bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở nơi thuộc quyền kiểm soát và tài phán của mình; không khuyến khích hoặc tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào bất cứ vụ nổ hạt nhân nào. Sự ra đời của Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện là một cột mốc quan trọng góp phần vào việc kiểm soát các quốc gia thử hạt nhân.

Mới đây, trong thông điệp nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân 29-8-2016, LHQ tiếp tục kêu gọi các quốc gia ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Nhưng để Hiệp ước có hiệu lực thì cần có sự phê chuẩn của “các quốc gia nằm trong Phụ lục 2”.

Hiện vẫn còn 8 quốc gia trong Phụ lục 2 chưa phê chuẩn hiệp ước, đó là Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan và Mỹ. Ngày 27-10-2016, LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Với văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý này, từ tháng 5-2017, các nước sẽ có thể bắt đầu tiến hành đàm phán một hiệp ước mới.

Việc phi quân sự hóa năng lượng hạt nhân cũng đã được đề xuất cho rất nhiều các ứng dụng dân sự và được nhiều nước hưởng ứng. Trong 3 năm qua, 7 quốc gia đã từ bỏ urani và plutoni cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi nhiều nước khác cũng đang siết chặt các biện pháp an ninh. Bên cạnh đó, thông qua những hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo tham dự đều nhận thức được rất rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hạt nhân.

Việc Đại hội đồng LHQ nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân đã một lần nữa khẳng định quyết tâm của cộng đồng quốc tế.

Hoa Huyền
.
.
.