Thấy gì qua thông điệp của Tổng thống Obama gửi Iran?

Thứ Sáu, 27/03/2009, 15:15
Thông điệp hòa bình gửi tới chính quyền và nhân dân Iran ngày 20/3 vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được Tehran đón nhận với thái độ dè dặt và được cộng đồng thế giới hoan nghênh. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tân chính quyền Mỹ phát đi tín hiệu làm hòa với quốc gia vốn nằm trong “trục ma quỷ” theo nhãn quan của chính quyền tiền nhiệm.

Có điều cũng như những lần trước, Tehran cho biết họ mong đợi những hành động thực tế từ phía Washington nhiều hơn những lời nói suông.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có sáng kiến lịch sử: nhân ngày lễ đầu năm mới theo lịch của Iran, rạng sáng ngày 20/3, khi gửi thông điệp trực tiếp đến giới lãnh đạo và nhân dân quốc gia Hồi giáo này và kêu gọi chấm dứt 30 năm thù nghịch. Qua thông điệp thu hình có phụ đề chữ Ba Tư gửi đến Chính phủ Tehran, ông Obama đã đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm đối với Iran.

Đây là lần đầu tiên, một Tổng thống Mỹ ngỏ lời trực tiếp với các nhà lãnh đạo Tehran thay vì chỉ gửi lời cho công chúng nước này và hơn nữa ông Obama còn kêu gọi tìm kiếm một cuộc đối thoại đúng đắn trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chấm dứt mối đe dọa chiến tranh trong 30 năm qua.

Giáo chủ Ali Khomenei và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran trong thời gian khủng hoảng con tin từ năm 1979 đến 1981, sau khi một nhóm sinh viên vũ trang Iran đã cầm giữ 52 nhà ngoại giao Mỹ của Tòa đại sứ Mỹ tại Tehran trong 444 ngày. Quan hệ giữa Iran và Mỹ luôn trong trạng thái căng thẳng do những tranh cãi liên quan đến hoạt động hạt nhân của Tehran. Mỹ quan ngại chương trình này che giấu nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, còn Iran luôn phủ nhận và cho rằng việc phát triển hạt nhân của nước này chỉ để phục vụ dân sinh.

Từ khi ông Obama nhậm chức tổng thống Mỹ đến nay, nhiều tín hiệu xích lại gần nhau giữa Tehran và Washington đã được đưa ra. Trước tiên là lá thư chúc mừng của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sau chiến thắng của ông Obama hồi tháng 11/2008, trong đó người đứng đầu Nhà nước Iran mong muốn một sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Mới đây, chính quyền Obama cũng đã mong muốn mời Iran tham dự một hội nghị quốc tế về Afghanistan, dự kiến diễn ra ngày 31/3 tới tại Hà Lan. Nếu Tehran chấp nhận thì đây sẽ là dịp tiếp xúc cấp cao giữa hai nước vì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự hội nghị này. Các nhà ngoại giao Mỹ - Iran cũng sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Moskva nhân một hội nghị quốc tế về các nước Trung Á.

Khi hướng thẳng đến Tổng thống Iran, thừa nhận chính quyền Hồi giáo, ông Obama đã thực hiện một sự đoạn tuyệt với đường lối trước đây của chính quyền Bush. Đặc biệt là ông đã khẳng định rõ ràng rằng Iran không phải là một mối đe dọa và ông sẵn sàng lựa chọn một cuộc đối thoại chân thành, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

"Chính quyền của tôi cam kết dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết mọi vấn đề. Khi một mùa mới đang đến, chúng tôi nhắc lại rằng, tất cả chúng ta đều cùng sẻ chia. Và chúng tôi hướng tới lời hứa của một sự khởi đầu mới" - ông Obama phát biểu trong thông điệp của mình.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết: "Tiến trình ấy sẽ không có lợi bởi những đe dọa. Chúng tôi mong muốn thay vào đó là sự chân thực và có cơ sở vững chắc trong sự tôn trọng lẫn nhau".

Về phía Iran, giới lãnh đạo nước này đã đón nhận thông điệp của Tổng thống Mỹ một cách tích cực nhưng cũng có phần dè dặt. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng đã nói Chính phủ Iran sẽ sẵn sàng đàm phán với Washington, nhưng đòi hỏi Mỹ phải thay đổi chính sách đối với Trung Đông. “Những khác biệt trong quá khứ sẽ được đặt sang một bên nhưng phía Mỹ cũng cần phải thừa nhận những sai lầm của họ và cần có hành động khắc phục”.

Ngày 21/3 vừa qua, Giáo chủ Ali Khomenei, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran đã tuyên bố rằng, nếu Mỹ thay đổi thái độ, Iran cũng sẽ thay đổi. "Chúng tôi chưa hề có kinh nghiệm nào đối với chính quyền mới và tân Tổng thống Mỹ, nên chúng tôi phải quan sát, đánh giá, rồi sẽ thay đổi thái độ" - ông Ali Khomenei phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia Iran.

Nhưng đồng thời ông Ali Khomenei cũng cho biết thêm hiện tại ông không thấy có một sự thay đổi cụ thể nào trong chính sách của Mỹ. Cụ thể là Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Iran, vẫn phong tỏa tài sản của Iran tại Mỹ, tiếp tục tuyên truyền thù địch và chưa thôi hậu thuẫn vô điều kiện cho Israel.

Bằng chứng là đầu tháng 3 vừa qua, ông Obama vẫn tiếp tục ký gia hạn lệnh cấm vận Iran thêm một năm, cho rằng nước này vẫn còn là mối đe dọa cho an ninh của nước Mỹ.

"Dân tộc chúng ta sẽ không chấp nhận khi mà người ta vừa đề nghị thương lượng nhưng đồng thời lại vẫn đe dọa gây áp lực" - ông Khomenei tuyên bố. Dù có lời lẽ cứng rắn như vậy nhưng Giáo chủ Ali Khomenei không bác bỏ hoàn toàn việc nối lại quan hệ giữa hai nước.

Liệu thiện chí của ông Obama có thể đi xa hơn những phát ngôn? Cần phải có những hành động cụ thể, chính phủ và các nhà lãnh đạo Iran chắc chắn sẽ không quay lưng lại, ông Javanfekr nói thêm. Phản ứng đầu tiên của phía Iran đã cho thấy sự tan băng trong quan hệ giữa hai nước. Hiện chính quyền Obama vẫn chưa đưa ra các chi tiết cho những bước đi tiếp theo.

Cùng với việc thông điệp mới này được đưa ra, Mỹ đã đề nghị Iran trao đổi về vấn đề Afghanistan, điều này cho phép mối quan hệ giữa Washington và Tehran bước sang trang mới. Sự cải thiện quan hệ giữa hai phía lại càng có thể hơn, khi trong thông điệp này, ông Obama đã không nhắc đến vấn đề hạt nhân của Iran

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.
.