Tại sao người tị nạn không tới các quốc gia Vùng Vịnh?
Có lẽ một trong những lý do mà người di cư không đến các nước Vùng Vịnh là do họ chẳng những không được chào đón mà còn bị coi như mối đe dọa tới an ninh quốc gia, cho rằng những tên khủng bố có thể trà trộn vào dân thường và gây bất ổn. Tính đến cuối tháng 8/2015, đã có hơn 4 triệu người Syria chạy trốn khỏi đất nước của mình.
Tuy nhiên, chỉ rất ít người trong số đó được 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chính thức tiếp nhận. Mặc dù Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã đóng góp hàng tỉ USD để giúp người tị nạn, song hiện 6 nước Arập trên - lại hầu như không làm gì để giúp người tị nạn Syria tái định cư?
Những ngày gần đây, những người tham gia các mạng xã hội ở Vùng Vịnh đã đăng tải các câu như: "Đón nhận người tị nạn Syria là trách nhiệm của Vùng Vịnh" để bày tỏ sự phẫn nộ của mình trước sự thờ ơ của các nước GCC. Abu Mohammed, một thanh niên tị nạn người Syria hiện sống ở Jordan, nói: "Các nước Vùng Vịnh phải thấy xấu hổ khi châu Âu mở rộng cửa cho những người tị nạn Syria, còn họ (các nước Vùng Vịnh) thì không".
Làn sóng người tị nạn Syria đã tràn tới châu Âu trong mùa hè này. Chỉ riêng nước Đức dự định sẽ nhận 800.000 đơn xin tị nạn mới trong năm nay và đang nỗ lực tổ chức việc tái định cư cho hàng chục nghìn người nữa. Trong khi đó, các nước GCC giàu có nhờ dầu mỏ lại vắng mặt tại các cuộc thảo luận để bàn về việc giúp đỡ và giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Một bài xã luận mới đây trên tờ Thời báo Vùng Vịnh của Qatar viết: "Đáng buồn thay, các nước Vùng Vịnh sẵn tiền lại chưa hề có một tuyên bố nào về cuộc khủng hoảng này, chứ đừng nói đến việc họ đưa ra một chiến lược giúp đỡ người di tản, mà đa số người di tản đó là người Hồi giáo".
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, những "làn sóng" chỉ trích thời gian vừa qua chưa chắc đã tạo nên sự thay đổi nhanh chóng về quan điểm của các nước GCC do chưa có nước nào trong số này tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn với những tiêu chuẩn được đặt ra về cách ứng xử và quyền lợi đối với những người phải bỏ chạy sang một nước khác.
Trên thực tế, các nước Vùng Vịnh không hẳn đã đứng ngoài cuộc xung đột Syria vì họ hỗ trợ về tài chính đáng kể cho những người tị nạn tới Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, các nước này cũng nằm trong số những nước hăng hái phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhất và ủng hộ những người nổi dậy, đa phần là người Hồi giáo Sunni. Tuy nhiên, khi chuyển sang vấn đề tiếp nhận người tị nạn, các mối quan ngại trong nước dường như lại nổi lên, dù rằng nhiều người tị nạn cũng là người Hồi giáo Sunni như đa số người dân ở các quốc gia Vùng Vịnh.
Các nước Vùng Vịnh nhỏ hơn như UAE và Qatar, nơi có hàng triệu người lao động nước ngoài đã vượt quá số người dân địa phương, lo ngại bị quá tải người tị nạn. Các mối lo ngại về an ninh cũng là quá lớn đối với các nước như Arập Xêút - vốn đã là mục tiêu tấn công của nhóm Hồi giáo thánh chiến tự xưng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Syria và Iraq.
Người di cư vượt biển để vào châu Âu. |
Làn sóng người tị nạn có thể làm đảo lộn sự ổn định ở các nước có nền tảng chính trị hạn hẹp. Sultan Barakat, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Brookings Doha, nói: "Các nước Vùng Vịnh quan tâm tới chính trị ở Syria không khỏi lo ngại về những người sẽ tới nước mình và những gì họ sẽ làm một khi ở đó".
Hàng trăm nghìn người Syria trong số hàng triệu người nước ngoài đã đến sống ở Vùng Vịnh bởi sức hút từ các cơ hội việc làm - điều này khiến một số người cho rằng họ đang giúp cho nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột.
Một người Syria giấu tên mới đây viết trên Facebook: "Arập Xêút không có người tị nạn nhưng nước này đang có cả triệu người Syria dùng visa du lịch, chưa kể những người cư trú gốc Syria, và ở đây họ được chăm sóc y tế, được học hành, và một số trường hợp còn nhận được tiền từ thiện".
Với một số người ở Vùng Vịnh, lời chỉ trích nên hướng vào các quốc gia phương Tây, bởi các nước này đã thất bại trong việc hậu thuẫn và trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad - nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn này.
Nasser Al-Khalifa, nhà cựu ngoại giao Qatar, viết trên Twitter: "Các quan chức châu Âu và Mỹ với chính sách thiển cận cần phải đón thêm nhiều người tị nạn Syria nữa".
Hiện chưa có quốc gia Vùng Vịnh nào ký vào Công ước về người nhập cư năm 1951, văn bản khẳng định nguyên tắc mọi người đều được hưởng các quyền cơ bản mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Cho dù người dân Syria có thể phải chi một khoản không nhỏ để xin thị thực và giấy phép lao động tại các quốc gia này, nhưng các hồ sơ từ Syria thường khó được chấp nhận.