Syria: Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đổ vỡ

Thứ Năm, 26/03/2020, 07:57
Ngày 23-3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt ngắn cuộc tuần tra chung thứ hai tại tỉnh Idlib của Syria do những lo ngại về an ninh tại khu vực này.

Chính xác thì hai nước không thể tuần tra do phiến quân ở Syria quậy phá, tấn công các đoàn xe tuần tra trên cao tốc trọng yếu M4 đi qua các thành phố Aleppo và Latakia của Idlib. Đây là lần thứ hai cuộc tuần tra bị cắt ngắn cũng vì lý do tương tự.

Các cuộc tuần tra này nằm trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn tại Idlib mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hồi đầu tháng. Theo đó, các bên chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng 6-3. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M4, đồng thời tiến hành tuần tra chung dọc theo cao tốc M4 bắt đầu từ ngày 15-3.

Đoàn xe quân sự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra trên cao tốc M4, ngày 23-3.

Ngoài việc cuộc tuần tra chung không thể tiến hành, các cuộc đụng độ giữa phiến quân Syria và quân Chính phủ (SAA) cũng diễn ra thường xuyên từ ngày 5-3 đến nay. Lệnh ngừng bắn gần như đã vô tác dụng hoàn toàn khi vào sáng 20-3, phiến quân khủng bố đã tiến hành một cuộc tấn công lớn nhằm vào SAA tại khu vực thành phố Khazarin, nằm ở tỉnh Idlib. SAA đã tìm cách đẩy lùi cuộc tấn công khủng bố, đồng thời tuyên bố rằng phiến quân không sử dụng xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ vì điều này sẽ dẫn đến phản ứng quy mô lớn từ SAA và quân đội Nga.

Trước đó, ngày 19-3, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận 2 binh sĩ nước này đã thiệt mạng ở tỉnh Idlib của Syria. Đây là những trường hợp thương vong đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận kể từ khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực.

Trước tình hình này, ngày 20-3, quân đội Nga đã ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân. Cụ thể, tất cả các nhóm phiến quân, bao gồm các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ngừng ngay việc chặn cao tốc M4 huyết mạch nối giữa Aleppo - Latakia vào cuối tháng 3-2020, đồng thời toàn bộ lực lượng của họ phải rút khỏi khu vực này theo thỏa thuận ngừng bắn ký ngày 5-3. Trong trường hợp không tuân thủ, quân đội Chính phủ Syria cùng quân đội Nga sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở tỉnh Idlib.

Đáp lại, phiến quân đã phát hành một đoạn video trong đó xuất hiện những lời đe dọa lực lượng quân đội Nga ở Idlib, Syria. Trong đoạn video ngắn, một phiến quân đã lên tiếng đe dọa quân đội Nga ở Idlib: “Chúng tôi đang chờ các ngài”. Sự ngoan cố của phiến quân khiến quân đội Syria bắt đầu điều động một vài đơn vị tăng cường từ tỉnh Hama và Latakia tới mặt trận Idlib.

Tại đây, các binh sĩ sẽ chờ lệnh để nối lại hoạt động tấn công vào khu vực Jabal Al-Zawiya và Ariha. Trước đó, một nguồn tin cho biết, quân đội Syria đang chuẩn bị triển khai một đợt tấn công mới tập trung vào mặt trận Jisr Al-Shughour. Nguồn tin này nhấn mạnh, quân Chính phủ Syria sẽ tiến hành tấn công ở phía Bắc từ vùng Jabal Al-Zawiya tới quận Jisr Al-Shughour ở phía Tây của tỉnh Idlib. Thành phố Jisr Al-Shughour là một trong những vị trí quan trọng nằm dọc tuyến cao tốc chiến lược M-4.

Phiến quân Syria chặn cao tốc M4 không cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra ngày 15-3.

Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết với Nga, Ankara có dấu hiệu phá vỡ cam kết khi triển khai thêm hệ thống phòng không tới Idlib, trang BulgariMilitary.com dẫn thông tin từ hãng tin Aviapro cho biết. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày qua đã gửi đến chiến trường Idlib hệ thống phòng không tầm thấp ATILGAN, được trang bị 8 ống phóng tên lửa, cùng hệ thống cảm biến quang điện tử hồng ngoại, mở ra nguy cơ đối đầu trực diện với máy bay Nga.

Ngày 19-3, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cân nhắc những biện pháp hỗ trợ các nỗ lực của Ankara trong cuộc khủng hoảng Syria. Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đã tăng cường sự hiện diện hải quân trong khu vực và Tây Ban Nha cũng đang xem xét hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hệ thống phòng không.

Vấn đề trầm trọng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu trạm điều khiển không lưu của Nga, có nhiệm vụ kiểm soát không phận phía Bắc Syria, cho phép máy bay trực thăng của Thổ Nhĩ Kỳ bay đến Idlib để sơ tán những người bị thương nhưng đã bị từ chối. Cùng với việc liên tiếp rút ngắn các cuộc tuần tra chung, đây có thể là tín hiệu cho chiến dịch tấn công tổng lực của quân đội Syria được Nga hậu thuẫn nhằm giải phóng Idlib, hang ổ cuối cùng của lực lượng phiến quân ở Syria.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như trong những ngày tới tình hình Idlib vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp do phiến quân leo thang hành động quân sự và kết thúc bằng chiến dịch tấn công mới được phát động ngay đầu tháng 4.

Câu hỏi đặt ra là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lao vào một cuộc chiến trực diện với Nga ở Syria nếu các lực lượng Nga-Syria kiên quyết giải phóng Idlib? Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng họ không có khả năng tham gia cuộc xung đột với Nga ở Syria và ngược lại. Tại đây, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tránh đối đầu trực tiếp, thay vào đó là cuộc chiến “ủy nhiệm” gia tăng giữa quân Chính phủ Syria với các nhóm phiến quân.

Có thể Ankara không đạt được tất cả mục tiêu đã định ở Idlib nhưng họ đã làm trì hoãn tiến độ giành quyền kiểm soát của quân Chính phủ Syria đối với khu vực này. Điều này có thể buộc chính quyền Assad và Nga phải đưa ra tính toán có lợi về chi phí nếu họ muốn tiến hành các nỗ lực trong tương lai để tái chiếm Idlib. Một cuộc can thiệp dữ dội hơn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể vô tình tạo ra động lực phá vỡ sự ổn định của chính quyền Assad. Đây là những tính toán mà chính quyền Assad và Nga vẫn chưa nghĩ đến trước đây.

Cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria sẽ mở ra những triển vọng mới để khôi phục liên minh Mỹ-Thổ, dù không trên cơ sở bền vững. Mỹ cũng đang đánh giá cách họ có thể ứng phó và tham gia vào cuộc khủng hoảng Idlib trong lần tới, nếu Thổ tiến hành một cuộc can thiệp khác và dấn vào một vòng xung đột mới với chính quyền Assad.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không mang lại một sự chuyển đổi nào đáng kể nhưng cuộc tấn công của họ đã đắp thêm một lớp mới cho cuộc chiến tranh mà nhiều người cho rằng còn lâu mới kết thúc. Điều đó có thể sẽ tạo ra cơ hội cho Washington theo những cách không ngờ tới. Nhưng, vẫn còn rất nhiều việc mà Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Mỹ, phải làm.

Mỹ không sẵn lòng dốc lực lượng và nguồn lực của mình vào Idlib. Bên cạnh đó, liên minh Mỹ-Thổ vẫn bị rào cản bởi cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đảng Lao động người Kurd (PKK) và sự phụ thuộc của Mỹ vào lực lượng người Kurd ở Syria.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.