Serbia xin gia nhập EU: Được gì và mất gì?

Thứ Sáu, 01/01/2010, 09:20
Ngày 22/12/2009, Serbia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Quyết định trên dường như đã nhận được tín hiệu "đèn xanh" từ phía Brussels (Bỉ).

Về phần mình, các nhà lãnh đạo Serbia tin rằng, đến cuối năm 2010 họ sẽ chính thức được công nhận là ứng cử viên vào gia đình EU, đồng nghĩa với khả năng nhận được nhiều khoản hỗ trợ tài chính quan trọng của eu. Nhưng để có thể đi tới cái đích này, Belgrad chắc chắn vẫn phải trải qua một chặng đường dài phía trước với không ít cái giá phải trả...

Lá đơn xin gia nhập EU đã được Tổng thống Serbia Boris Tadic chính thức chuyển giao cho Thủ tướng Fredrik Reinfeldt của Thụy Điển, quốc gia đang đóng vai trò Chủ tịch luân phiên của EU. "Với quyết định này, Serbia đã xác định rõ con đường mà mình dự định sẽ đi trong tương lai" - ông Tadic đã tuyên bố như vậy ngay sau sự kiện trên tại Stockholm.

Theo những nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Serbia, Belgrad không phải tình cờ quyết định nộp đơn xin gia nhập vào thời điểm này. Từ nay cho đến cuối năm, Thụy Điển sẽ chuyển giao vai trò chủ tịch của EU cho Tây Ban Nha vào ngày 1/1/2010. Cả hai quốc gia trên đều có được quan hệ đặc biệt thân thiện với Belgrad (Tây Ban Nha, thậm chí khác hẳn với các thành viên khác của EU, còn từ chối công nhận Kosovo). Đó là lý do khiến Serbia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết để nộp đơn xin gia nhập EU.

Kế hoạch tiếp theo của Belgrad được đánh giá là tương đối tham vọng. Sau khi Thụy Điển chấp nhận đơn gia nhập EU của Serbia, Tây Ban Nha sẽ đóng vai trò thúc đẩy tiếp theo, sao cho trong nửa năm tới Hội đồng Bộ trưởng EU sẽ chính thức phê chuẩn lá đơn trên. Nếu mọi việc diễn tiến theo đúng kế hoạch, Serbia sẽ trở thành một ứng cử viên được xem xét gia nhập EU, trước khi chính thức trở thành một thành viên đầy đủ của liên minh vào năm 2011. Ngay như quy chế ứng cử viên ban đầu này sẽ đem lại không ít lợi lộc cho Belgrad.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Serbia, Belgrad có thể nhận được 450 triệu euro hàng năm chỉ riêng từ các quỹ hỗ trợ dành cho các quốc gia ứng cử viên chờ xét gia nhập EU.

Theo tuyên bố của Tổng thống Boris Tadic, quyết định xin gia nhập vào EU của Serbia nhận được sự ủng hộ của 95% số quốc gia thành viên trong liên minh này. Ông Tadic mặt khác cũng thừa nhận, có một vài nước trong tổng số 27 quốc gia thành viên "đang có vài khúc mắc nhỏ với Serbia", tuy nhiên Belgrad đang xây dựng "những mối quan hệ đối tác cởi mở" với họ.

"Điều quan trọng với chúng tôi là sự ủng hộ của các quốc gia lớn, và chúng tôi đang có được điều đó" - ông Tadic đã khẳng định như vậy ngay trước khi bay tới Stockholm.

Tuy vậy, con đường gia nhập châu Âu thống nhất của Serbia chắc chắn sẽ phải đương đầu với không ít những khó khăn. Đầu tiên là trong thời gian sắp tới, chính quyền Serbia cần phải điều chỉnh luật pháp của mình sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn của châu Âu. Một vấn đề nghiêm trọng hơn (hay nói đúng hơn là một yêu sách của EU đối với Belgrad) là họ phải "hợp tác đến cùng" với Tòa án La Haye - đầu tiên là phải bắt giữ và bàn giao cho La Haye viên chỉ huy lực lượng người Serbia tại Bosnia là Ratko Mladic.

Nhưng trở ngại chính cho việc gia nhập EU của Serbia vẫn sẽ là vấn đề Kosovo. Theo nhận định, Brussels sẽ không công khai yêu cầu Belgrad phải thừa nhận nền độc lập của vùng đất này. Tuy nhiên, tốc độ gia nhập của Serbia chắc chắn sẽ phụ thuộc trực tiếp vào việc, liệu họ có sẵn sàng từ bỏ những đòi hỏi về chủ quyền của mình đối với Kosovo nữa hay không?

Đóng vai trò chủ chốt trong kế hoạch này sẽ là quyết định đang được chờ đợi trong thời gian tới của Tòa án quốc tế LHQ về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo. Nếu phán quyết trên không đứng về phía Belgrad, ban lãnh đạo Serbia có thể tuyên bố rằng, họ đã làm tất cả để giành lại chủ quyền đối với Kosovo, trước khi quay sang tập trung cho các nỗ lực... gia nhập EU.

Theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây, có tới hơn 80% người dân Serbia ủng hộ cho quyết định xin gia nhập EU của Belgrad. Sự hấp dẫn của EU đã tăng lên nhiều trong con mắt của người Serbia, sau quyết định mới đây của Brussels về việc bãi bỏ yêu cầu về thị thực Schengen đối với công dân nước này.

Bản thân EU cũng đánh giá ý nghĩa quan trọng của khả năng kếp nạp Serbia vào hàng ngũ của mình. Cho dù Belgrad không đóng một vai trò chủ chốt tại khu vực Balkan, nhưng những quan điểm và chính sách của quốc gia này lại tác động đáng kể tới sự ổn định trong khu vực. Những cuộc chiến nội bộ Nam Tư cũ hồi những năm 90 đã từng là minh chứng rõ ràng cho nhận định trên.

Liên quan đến lá đơn xin gia nhập của Serbia, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Franco Fratini mới đây cũng tuyên bố, Italia và một loạt các quốc gia trong EU đang phấn đấu sao cho tất cả các nước vùng Balkan sẽ gia nhập EU trước năm 2014 - đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Quyết định xin gia nhập EU lần này của Serbia đáng chú ý đã nhận được sự phản ứng tích cực từ Nga, quốc gia từ trước vẫn có được ảnh hưởng quan trọng tại khu vực Balkan. Trong chuyến thăm Belgrad hồi tháng 10 trước đó, chính Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã công khai tuyên bố: "Chúng tôi hiểu được mong muốn của Serbia được gia nhập EU. Chúng tôi không phản ứng về việc các thành viên mới gia nhập tổ chức này. Điều chủ yếu là phải làm sao cho việc này không làm tổn hại đến những mối quan hệ hữu hảo truyền thống của họ với nước Nga"

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.
.