Quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin: Công khai, minh bạch để hạn chế tiêu cực

Thứ Tư, 15/11/2017, 11:05
Thông tin về việc thay thế sổ hộ khẩu và CMND bằng mã số định danh cá nhân đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi lâu nay, không ít những quy định, thủ tục hành chính đòi hỏi hộ khẩu, CMND đã gây phiền hà cho người dân.

Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Đây được coi là một thay đổi có tính bước ngoặt để tiến tới quản lý công dân bằng mã số định danh cá nhân thông qua việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin về việc thay thế sổ hộ khẩu và CMND bằng mã số định danh cá nhân đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi lâu nay, không ít những quy định, thủ tục hành chính đòi hỏi hộ khẩu, CMND đã gây phiền hà cho người dân.

Chia sẻ về những rắc rối, phiền hà mà người dân gặp phải khi giải quyết các công việc, thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu trong thời gian qua, Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường thực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam chia sẻ, khi tư vấn cho người dân trong lĩnh vực hộ khẩu mới thấy hết có quá nhiều việc “dính” đến hộ khẩu.

Ví dụ gần đây nhất theo Luật sư Minh là tư vấn tuyển sinh các cháu đi học đúng hộ khẩu, đúng địa bàn mới được chấp nhận vào học. Những quy định này là rất rõ ràng mà Hà Nội hay các địa phương khác đã quy định. Hay như việc công chứng, khai sinh cũng phải thực hiện trong địa hạt của mình, không được ra tỉnh khác.

Do đó, theo Luật sư Quản Văn Minh thì việc thay đổi hộ khẩu bằng cách dùng mã số định danh sẽ tốt hơn. Khi đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ khẩu không còn là 10 thông số như cũ mà là 22 thông số và có thể nhiều hơn. Quản lý hộ khẩu bằng hình thức khác tiến bộ hơn là phù hợp với yêu cầu thực tế đề ra.

Bước đột phá về thủ tục hành chính

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an, hiện nay quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành cùng thực hiện. Để đảm bảo mục tiêu và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ.

Các khách mời cùng lãnh đạo Ban biên tập báo CAND tại buổi giao lưu trực tuyến.

Tuy nhiên công tác dân cư chủ yếu quản lý theo hình thức thủ công. Khi tiến hành các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà. Vì vậy Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hoá thủ tục hành chính về quản lý dân cư. Quốc hội đã ban hành luật và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò vị trí rất quan trọng.

Thông qua việc thu thập thông tin của công dân sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Để cơ quan nhà nước nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, chi phí, thời gian đi lại của công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung 15 thông tin cơ bản mà chuyên ngành nào cũng dùng đến sẽ khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo như hiện nay.

Cũng theo Trung tướng Trần Văn Vệ, thực chất đây là sự thay đổi công nghệ từ quản lý bằng giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ thông tin. Khi chuyển sang quản lý sổ hộ khẩu bằng công nghệ thông tin, người dân vẫn khai thông tin liên quan và cơ quan quản lý cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Khi nào cập nhật đầy đủ thì bỏ hẳn sổ hộ khẩu. Sau này thu thập xong thông tin về dân cư thì không cần hộ khẩu nữa. Người dân đến giao dịch hành chính thì chỉ cần cung cấp mã số định danh, căn cước công dân thì cơ quan nhà nước tra cứu là có đầy đủ thông tin.

“Công dân không phải làm thủ tục gì về việc cấp số định danh cá nhân. Khi được cấp số thì không phải nộp lệ phí gì” – Đây là khẳng định của Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an tại buổi giao lưu trực  tuyến “Giải pháp, lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư” do Báo Công an nhân dân tổ chức.

Thượng tá Trần Hồng Phú thông tin, Theo Điều 12 của Luật căn cước công dân,  số định danh cá nhân được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cập nhật và chia sẻ, khai thác thông tin với các cơ quan quản lý chuyên ngành. Mã số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp cho công dân Việt Nam, không cấp lại cho người khác.

Mã số định danh cá nhân gồm 12 số, có cấu trúc 6 số đầu là mã thế kỷ, ngày tháng năm sinh và mã tỉnh thành; 6 số sau là số ngẫu nhiên. Mã số định danh cá nhân được cấp từ lúc sinh ra và giữ nguyên cho đến khi chết. Mã số định danh cá nhân được cập nhật cho các ngành khác, là chìa khóa kết nối thông tin. Mã số này là duy nhất và thống nhất.

Cấp thẻ căn cước công dân tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH – Công an Hà Nội.

Thủ tục cấp mã số định danh như sau: Đối với trẻ em mới sinh, thông qua thủ tục đăng ký khai sinh, cơ quan tư pháp tại các xã, phường, thị trấn trong khi làm thủ tục đăng ký khai sinh sẽ truyền dữ liệu trực tiếp sang Bộ Công an, sau đó Bộ Công an sẽ cấp mã số định danh cá nhân trả về bên tư pháp và bên tư pháp sẽ ghi và in số định danh cá nhân này trên giấy khai sinh. Đối với công dân làm thủ tục cấp căn cước công dân, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký cấp căn cước công dân, hệ thống tự động sinh ra số định danh cá nhân và ghi số này lên thẻ căn cước công dân. Đối với trường hợp không đăng ký khai sinh và không làm thủ tục cấp căn cước công dân, sắp tới Bộ Công an sẽ tổ chức thu thập thông tin dân cư, những trường hợp chưa có mã số định danh thì Bộ Công an sau khi thu thập đủ 15 trường thông tin cơ bản sẽ đồng loạt cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân.

Theo Thượng tá Trần Hồng Phú, hiện cơ quan chức năng đã cấp cho gần 1 triệu trẻ em mới sinh ra trên 17 tỉnh, thành, kể từ ngày 1-1-2016. Mã số định danh này đã được ghi ở giấy khai sinh của các cháu, phục vụ cho việc đi học và làm thẻ bảo hiểm. Đến năm 14 tuổi, các cháu sẽ được cấp căn cước công dân theo mã số này và mã số sẽ được ghi trên thẻ căn cước công dân.

Hiện Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh/ thành, còn lại 47 tỉnh vẫn đang cấp CMND 9 số cũ. Trong khi theo lộ trình, ngày 1-1-2020, cả nước phải thống nhất chuyển sang cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân. Vậy thời gian 2 năm còn lại, liệu có hoàn thành việc cấp căn cước công dân?  Giải đáp những băn khoăn này của người dân, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, hiện tại, giai đoạn 2 của dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo công nghệ mới” đang được xây dựng.

Nếu đảm bảo được điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực, dự kiến cuối năm 2019, có thể mở rộng việc cấp căn cước công dân ra phạm vi cả nước. Khó khăn nhất hiện nay, theo Thượng tá Phú là hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước là hệ thống được đầu tư rất lớn, từ máy chủ, đường truyền đến các phương tiện, từ cấp trung ương đến cấp địa phương, kinh phí rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế.

“Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, thì dự án sản xuất căn cước công dân mới sẽ được triển khai đúng tiến độ” – Thượng tá Trần Hồng Phú khẳng định.

Hạn chế tiêu cực

“Ngay theo quản lý cư trú bằng phương pháp thủ công thì các vấn đề phát sinh tiêu cực có thể xảy ra, để đảm bảo khắc phục được việc này thì vấn đề hiện đại hóa phương pháp quản lý dân cư sẽ được đặt lên hàng đầu và trong đó mọi thông tin của công dân sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và được minh bạch hóa, do đó sẽ hạn chế được tối đa các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh” – Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội khẳng định trước thông tin cho rằng việc siết nhập khẩu đối với người nhập cư về thủ đô ngày một gia tăng sẽ dễ phát sinh tiêu cực trong làm thủ tục nhập khẩu.

Thông tin về công dân được cập nhật trên hệ thống máy tính kết nối khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Cũng theo Đại úy Nguyễn Thành Lâm, tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý dân cư đã được thực hiện từ cuối năm 2013, mang lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý dân cư, liên thông đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày đến 2,5 ngày tại cấp quận và 4,5 ngày ở cấp huyện.

Dựa trên cơ sở dữ liệu này, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4. “Việc quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin là đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tải các giấy tờ cho công dân” – Đại úy Nguyễn Thành Lâm đánh giá.

Trước những lo lắng của người dân cho rằng sẽ phát sinh những “tiêu cực” trong thời điểm “quá độ” khi bỏ sổ hộ khẩu thay thế bằng mã số định danh cá nhân, thay thế CMND bằng căn cước công dân, Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, chuyện gặp khó khăn khi thực hiện hay triển khai các vấn đề mới là bình thường. Luật sư Minh lấy ví dụ về việc trước đây, khi thành lập các doanh nghiệp, nhiều người lo ngại rằng sẽ xuất hiện hiện tượng mua bán hóa đơn. Nhưng cuối cùng việc này vẫn được thực hiện và bên nào vi phạm thì đều bị xử lý theo pháp luật và thực tế đến nay, việc này được thực hiện rất tốt.

Theo Luật sư Quản Văn Minh thì việc triển khai mã số định danh công dân cũng vậy. Các thông tin được lấy từ cơ sở dữ liệu quốc gia, các nguồn thông tin được cấp vào cơ sở này đều được xây dựng và được đảm bảo bằng đường truyền thông minh. Đương nhiên, hiện nay, chúng ta còn có những vướng mắc nhất định về hệ thống mạng và trang thiết bị, chưa kể là những khó khăn về con người. Do đó, cần phải có thời gian nhất định để thực hiện và còn rất nhiều văn bản cần phải được xử lý.

“Mã số định danh chỉ là một trong 8 lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính mà Nghị quyết 112 của Chính phủ đề ra. Sẽ có nhiều nghị định, thông tư, văn bản luật liên quan được trình lên các cấp để sửa đổi. Tôi cho rằng, nếu Bộ Công an được giao làm và có những quy định, tiêu chí rõ ràng thì có thể thực hiện được trong 1-2 năm nhưng cái khó nhất là nhận thức của con người” – Luật sư Quản Văn Minh nêu quan điểm.

Trong đề án 896 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát tất cả các thủ tục liên quan đến công tác quản lý hộ khẩu, theo kết quả rà soát của 24 bộ, ngành, cơ quan liên quan, đến nay, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính thì có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, đã đề xuất đơn giản hóa 1.126 thủ tục (58,2%), trong đó đề xuất hủy bỏ 34 thủ tục, đơn giản hóa trình tự trong từng thủ tục đối với 28 thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 1.042 thủ tục, sửa nội dung mẫu đơn đối với 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân…

Đã đề xuất rà soát, bổ sung đối với 399 thủ tục hành chính, đề xuất đơn giản hóa mạnh mẽ hơn đối với 406 thủ tục. Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan liên quan trong Bộ như các đơn vị phụ trách xuất nhập cảnh, đăng ký phương tiện… chỉ đạo các bộ, ngành khác cũng rà soát, trình Chính phủ đơn giản hóa thủ tục hành chính của các bộ, ngành khác. Bộ Công an chủ động trong đề xuất với Chính phủ để rà soát thủ tục liên quan đến hộ khẩu để tránh việc lạm dụng các quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

(Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an)

Hương Vũ
.
.
.