Quan hệ đồng minh phức tạp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Hai, 13/01/2020, 19:01
Ngày 8-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Istanbul để khánh thành đường ống dẫn khí Turk Stream, đồng thời thảo luận về vấn đề Syria và Libya với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nhìn sâu vào 3 hồ sơ trên, người ta có thể thấy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hết sức phức tạp.

Trong một nghi lễ, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành mở van tượng trưng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, còn được gọi là Turk Stream, ở Istanbul vào khoảng 12:00 GMT ngày 8-1. Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ kết nối Nga với phía châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và biên giới Hy Lạp thông qua đáy Biển Đen với 2 đường ống có công suất 15,75 tỷ mét khối mỗi ống.

Một đường dự định vận chuyển khí từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và đường thứ hai là cung cấp cho miền Nam và Đông Nam châu Âu. Thỏa thuận về ý định xây dựng Turk Stream giữa Gazprom và Tập đoàn Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết vào năm 2014, trước khi mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi sau vụ máy bay ném bom của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan đã chính thức ký hợp đồng xây dựng vào cuối năm 2016, dự án này hiện tượng trưng cho sự hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc khánh thành đường ống này diễn ra vào thời điểm cuộc xung đột ở Libya dường như đã có bước ngoặt mới kể từ khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-1 cho phép gửi quân sang hỗ trợ chính phủ thống nhất quốc gia, đối phó với lực lượng của tướng Khalifa Haftar.

Từ khi chế độ Kadhafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya rơi vào vòng tranh đoạt quyền lực giữa hai phe: Chính phủ Đoàn kết dân tộc, được quốc tế công nhận, kiểm soát thủ đô Tripoli và phe thứ hai là “Chính phủ và Nghị viện” đóng đô ở Benghazi, theo tướng Haftar nổi dậy.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu về quyết định trên của các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã thông báo khởi đầu việc triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya. Cho tới nay vẫn không đưa ra chi tiết nào về dự án triển khai quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, ông Recep Tayyip Erdogan đã thông báo việc triển khai đang được tiến hành nhưng không nói rõ bắt đầu từ khi nào.

Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu khi trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình CNN Turk: “Các binh sĩ của chúng ta có nhiệm vụ phối hợp và đó là công việc họ đang làm lúc này, trong một trung tâm chỉ huy. Một trong những trung tướng của chúng ta sẽ đứng đầu trung tâm chỉ huy này”.

Khi được hỏi là các binh sĩ đó khi nào sẽ được triển khai, Tổng thống Erdogan trả lời: “Họ đang được triển khai dần dần. Chúng ta cũng sẽ có những lực lượng chiến binh tại chỗ nhưng các binh lính của chúng ta không thuộc những lực lượng đó”.

Ông Erdogan không nói rõ nguồn gốc của lực lượng chiến binh nhưng trong những tuần qua, ngày càng có nhiều thông tin về sự hiện diện của các chiến binh Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Libya để yểm trợ cho Chính phủ Đoàn kết dân tộc. Đó là đội quân người Syria bổ sung cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, do Ankara huấn luyện và sử dụng trong khuôn khổ các chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở van đường ống dẫn khí Turk Stream, ngày 8-1.

Theo giới quan sát, sở dĩ ông Erdogan tuyên bố như trên là muốn nắm lấy lá bài này trong cuộc hội đàm với ông Vladimir Putin, vì Nga ủng hộ tướng Khalifa Haftar. Mạnh mẽ trên chiến trường, mạnh mẽ trên bàn đàm phán. Đó là phương châm của ông Erdogan, vốn muốn có tiếng nói trong việc giải quyết cuộc xung đột Libya và chia sẻ các mỏ dầu khí ở phía Đông Địa Trung Hải. Trong khi đó, ông Vladimir Putin là một trong những người đối thoại ưu tiên của ông Erdogan.

Quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã gây quan ngại nghiêm trọng cho Liên minh châu Âu và khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo Ankara về mọi “can thiệp của ngoại bang” vào Libya.

Trong một thế giới đầy xáo trộn về địa chính trị, Libya là nạn nhân mới. Từ năm 2011, Libya cũng rơi vào vòng bạo lực và cũng như Syria, qua cuộc xung đột nội bộ giữa các phe phái. Tiếp theo đó là cuộc can thiệp quân sự do liên quân Anh, Pháp, có Mỹ sau lưng, tiến hành. 8 năm sau, đất nước chia đôi với một chính quyền trung ương ở Tripoli và một lực lượng vũ trang ở miền Đông, do tướng Haftar, một thủ lĩnh đối lập chống Kadhafi lãnh đạo và muốn thống nhất Libya.

Haftar được nhóm các nước Arab theo dòng Sunni như Ai Cập, Jordani, Arab Saudi ủng hộ kinh tế và quân sự. Bên cạnh các nước dầu mỏ Vùng Vịnh, còn có các nước như Nga, Sudan và Tchad ở châu Phi đưa các nhóm vũ trang sang giúp quân đội giải phóng Libya.

Trong khi đó, Thủ tướng Fayez El Sarraj và Chính phủ Đoàn kết dân tộc ở Tripoli, được quốc tế ủng hộ ngoại giao. Từ một tháng nay, sau khi ghi điểm ở Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tranh thủ thời cơ, đơn phương đưa quân vào Libya để giúp chính quyền hợp pháp. Kỳ thực là để bảo vệ đặc quyền khai thác tài nguyên trong vùng duyên hải của Libya sau khi ký được một thỏa thuận với Tripoli, gây bất bình cho đảo Síp và Hy Lạp.

Theo quan điểm của giới chuyên gia, sở dĩ Ankara có thể lấp vào khoảng trống chính trị này là do trách nhiệm của Anh và Pháp, không tích cực giúp đỡ người dân Libya sau khi lật đổ được Kadhafi.

Sự hình thành các phe phái và các thế lực chống lưng đã hoàn tất nhưng ván cờ tiếp theo sẽ ra sao? Theo một bài phân tích từ nhật báo El Pais của Tây Ban Nha và Le Figaro của Pháp, Lybia sẽ là đấu trường đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Một cách thận trọng, Moscow sử dụng lính đánh thuê Wagner và lá bài Haftar tại Libya để mở rộng tăng cường ảnh hưởng trong vùng.

Còn Ankara, theo giải thích của Tổng thống Erdogan, lực lượng viễn chinh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ do một trung tướng chỉ huy còn chiến binh là người Syria trong tổ chức Quân đội giải phóng Syria do Ankara trả lương. Khó có thể dự đoán là trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm này, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, trang bị tên lửa phòng không S400 của Nga, sẽ hành động ra sao nếu bị phe được Moscow ủng hộ đè bẹp?

Phân tích của nhật báo El Pais cho rằng xét về lâu dài cục diện có lẽ Libya cũng sẽ giống với Syria. Cái khác có chăng chỉ là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đảo vai trò cho nhau. Nếu như ở Syria, Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống dân cử Al Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho nhiều lực lượng chống đối. Xét theo quan hệ kinh tế và quân sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, sẽ khó có thể xảy ra bất cứ một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp nào.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.
.