Phát hiện dấu vết của một nền văn minh đã mất

Thứ Tư, 29/03/2006, 08:19

Các nhà khoa học vừa tìm thấy những dấu vết của nền văn minh Tambora, Indonesia, đã bị vùi lấp năm 1815 sau một thảm họa núi lửa lớn nhất trong lịch sử.

Thảm họa núi lửa Tambora ngày 10/4/1815, với sức mạnh lớn gấp 4 lần thảm họa Krakotao năm 1883, đã chôn vùi 88.000 cư dân của đảo Sumbawa dưới những lớp nham thạch với sức nóng khủng khiếp.

Với sự trợ giúp của các radar dò trong lòng đất, các nhà nghiên cứu Mỹ và Indonesia gần đây đã tiến hành nạo vét một con mương nơi người dân địa phương vừa tìm thấy đồ gốm sứ và xương. Họ đã khai quật được những di vật còn lại của một ngôi nhà mái rạ, đồ gốm sứ, đồng thau và xương đã thành tro của 2 người nằm dưới lớp nham thạch.

Haraldur Sigurdsson, chuyên gia nghiên cứu núi lửa của Trường đại học Rhode Island, người dẫn đầu đoàn thám hiểm, đã ước tính có khoảng 10.000 người đang sống trong thị trấn khi thảm họa xảy ra. Đây là đợt phun trào lớn nhất trong lịch sử, hơn rất nhiều lần so với đợt phun trào đã chôn vùi cả một thị trấn La Mã cổ đại Pompeii với 400 triệu tấn khí lưu huỳnh đã được phun vào bầu khí quyển đã khiến cho nhiệt độ trái đất giảm, tạo nên “một năm không có mùa hè” theo như các nhà sử học. Mùa màng trên các nông trang của Maine đã bị chết vì sương giá vào các tháng 6, 7 và 8 ở Pháp và Đức, các cánh đồng ngũ cốc và nho bị chết, vụ mùa phải bị hoãn lại.

Nền văn minh Sumbawa đã hấp dẫn các nhà nghiên cứu sau khi các nhà thám hiểm Anh và Hà Lan đến đây vào những năm 1800 và ngạc nhiên khi nghe một thứ tiếng mà không giống bất kỳ thứ tiếng nào ở Indonesia. Vài người tin rằng ngôn ngữ này có vẻ giống ngôn ngữ ở Đông Dương. Tuy nhiên, không lâu sau đó toàn bộ nền văn minh này bị chôn vùi trong dòng nham thạch.

Sigurdsson nói: “Thảm họa đã xóa sạch một ngôn ngữ trên thế giới, tuy nhiên chúng tôi đang cố gắng làm cho nó sống lại bằng cách khai quật”.

Qua những di vật mà các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy, có thể là các cư dân Tambora đến từ Đông Dương hoặc có quan hệ buôn bán với khu vực này. Ví dụ như đồ gốm sứ được phát hiện giống như đồ gốm ở Việt Nam.

John Miksic, một nhà khảo cổ học ở Trường đại học quốc gia Singapore, đã xem cuốn băng ghi lại đợt khai quật và cho rằng nhóm các nhà nghiên cứu đã thực sự tìm thấy dấu vết của một ngôi nhà đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, ông nghi ngờ khả năng cho rằng những người Tambora đến từ Đông Dương hay nói thứ tiếng ở khu vực này. Nếu đồ gốm sứ được tìm thấy trên đảo giống với đồ gốm ở Việt Nam thì có lẽ chúng được vận chuyển đến đây qua đường thông thương.

Trong suốt quá trình khai quật, nhóm của Sigurdsson đã tìm thấy bộ xương người đã thành tro của một phụ nữ có vẻ đang ở trong bếp vì bên cạnh là một con dao rựa và một chai thủy tinh đã bị nung chảy. Xương của một người nữa được tìm thấy nằm ngay ngoài chỗ ấy có lẽ là cửa trước

Nguyễn Thị Hương (Theo AP)
.
.
.