Hoãn giao chiến hạm Mistral cho Nga:

Pháp thể hiện rõ sự phụ thuộc vào Mỹ và NATO

Thứ Tư, 10/09/2014, 17:45

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Pháp cho biết: Quyết định hoãn giao chiến hạm cho Nga được thông qua vào đầu tuần. "Hợp đồng sẽ được hoãn cho đến tháng 11 vì cho đến nay các điều kiện cần thiết vẫn chưa hội đủ. Cũng vào thời điểm đó người ta sẽ biết hệ quả tài chính sẽ như thế nào, có thể thiệt hại đến 1 tỉ euro". Hợp đồng bán 2 chiến hạm Mistral cho Nga được ký kết vào năm 2011 với trị giá 1,2 tỉ euro. Chiếc đầu tiên lẽ ra phải được giao vào tháng 10 tới nhưng thời gian gần đây đã bị chỉ trích nhiều từ phía Mỹ và một số nước châu Âu.

Vừa mới đây, Tổng thống Obama lấy làm tiếc rằng Pháp đã không hoãn lại hợp đồng. Đại sứ Mỹ tại Hội đồng châu Âu hôm 3/9 tuyên bố thêm: "Giao dịch đó không được hân hoan đón nhận nếu xét theo những gì đang diễn ra tại khu vực Nga và Đông Âu".

Vào tháng 7 vừa qua, châu Âu đã nhất trí về các biện pháp chế tài kinh tế đối với Nga, đặc biệt là việc cấm bán các thiết bị quốc phòng. Tuy nhiên lệnh cấm này không liên quan đến hợp đồng Mistral, do vậy việc giao 2 chiến hạm cho Nga không bị xem xét lại.

Được phóng viên của tờ Le Monde phỏng vấn vào cuối tháng 8, Tổng thống Hollande xác nhận :"Mức độ chế tài lúc ấy không ngăn cấm việc giao 2 chiến hạm cho Nga". Tuy nhiên ông cũng nói thêm là đang chờ đợi trước khi quyết định về số phận của chiến hạm Mistral thứ nhì (đã được đóng một nửa).

Phản ứng lại động thái của Pháp, mới đây Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borissov bày tỏ: "Quyết định ngưng hợp đồng của Chính phủ Pháp không phải là một thảm họa đối với Nga trong lĩnh vực tái vũ trang, dù tất nhiên là rất đáng bực mình và mang lại một vài căng thẳng trong mối quan hệ với Pháp".

Trong giới chính trị Pháp, các phản ứng đều giống nhau. Cựu lãnh đạo Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon tuyên bố rằng: "Đây là một sự phản bội làm mất giá trị lời hứa của nước Pháp và gạt bỏ Pháp như một nước cung cấp độc lập các thiết bị quốc phòng. Quyết định này biến nước Pháp thành chư hầu của Mỹ và lệ thuộc vào chính sách của NATO".

Cũng theo âm hưởng đó, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Florian Philippot đã lên tiếng trên mạng xã hội Twitter: "Nếu Tổng thống Hollande thật sự không muốn bàn giao chiến hạm Mistral cho Nga tức là đã hủy hoại lòng tin cậy đối với nước Pháp, và chỉ nhằm mục đích là tuân theo ý của Mỹ".

Còn Chủ tịch đảng "Đứng lên Cộng hòa" Nicolas Dupont-Aiginant thắc mắc: "Việc không bàn giao chiến hạm Mistral cho Nga tác động được gì đến vị thế của nước này trong cuộc xung đột Ukraina chứ? Pháp phải có tiếng nói độc lập để cho thấy sự quyết đoán và có trách nhiệm với Chính phủ Nga".

Ngược lại, nghị sĩ châu Âu Yannick Jadot đưa ý kiến trong một bản thông báo: "Việc hoãn hợp đồng này chỉ là giai đoạn đầu để giúp nước Pháp có sáng kiến thúc đẩy việc thiết lập một chính sách phòng thủ châu Âu xứng đáng với tên gọi. Chúng tôi yêu cầu các quốc gia châu Âu thoát ra khỏi thái độ lập lờ đối với Nga, sự lập lờ làm suy yếu đáng kể niềm tin đối với những biện pháp chế tài của EU".

Quyết định của Tổng thống Hollande lần này không phải là lần đầu tiên trong lĩnh vực hợp đồng vũ trang ngoài khuôn khổ chế tài quốc tế. Vào năm 1967, tướng De Gaulle đã ban bố một sắc lệnh cấm bán vũ khí cho Israel sau Cuộc chiến 6 ngày, hủy bỏ việc cung cấp những tàu cao tốc phóng tên lửa. 5 chiếc tàu này được giữ tại cảng Cherbourg sau đó đã được Israel bí mật thu nhận

Mê Linh (theo Le Point)
.
.
.