Nói thêm về “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa

Thứ Sáu, 11/06/2010, 17:05
Cách đây 2 năm, Chuyên đề ANTG đã lần đầu tiên lật lại vấn đề, đưa ra cái nhìn đa chiều về "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa. Thời gian này, khi mà dư luận đang bàn tán xôn xao vì lá đơn xin nghỉ việc của thầy Khoa, ANTG lại tiếp tục tiếp xúc với các luồng thông tin và đưa đến cho bạn đọc cái nhìn nhiều chiều về lá đơn gây xôn xao này.
>> Vụ tố cáo tiêu cực của thầy Đỗ Việt Khoa: Đúng - Sai cần minh bạch!

ANTG cũng có cuộc trao đổi với nhà giáo Văn Như Cương về quyết định khá "sốc" của ông: Không nhận "Người đương thời" về làm việc như đã hứa cách đây 3 năm.

Chuyện xin nghỉ việc có sự... bất thường

PV ANTG tìm đến nhà của Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương - người vốn được xem là một nhà giáo, một "người nổi tiếng" trong ngành giáo dục, để mong có những cái nhìn thấu đáo về một người cũng nổi tiếng khác - "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa.

Nhà giáo đáng kính Văn Như Cương chính là người đã hết lời ủng hộ thầy giáo Đỗ Việt Khoa cách đây 4 năm, khi thầy Khoa có những phát hiện về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp ở tỉnh Hà Tây cũ.

Tôi nhắc đến lời hứa trước đây của PGS Văn Như Cương: Hứa sẽ nhận thầy Đỗ Việt Khoa về Trường Lương Thế Vinh của mình giảng dạy.

Thầy khẳng khái:

- "Đúng, tôi nhớ chứ! Trước đây tôi có nói rằng: "Nếu thầy Khoa vì chống tiêu cực mà bị đuổi việc, tôi sẽ nhận thầy Khoa về trường". Đó là chuyện bình thường, còn giờ, mọi việc không bình thường như trước nữa".

Khi chúng tôi hỏi về những thứ gọi là "không bình thường", thầy nói:

- "Vì sao tôi nói việc thầy Đỗ Việt Khoa xin nghỉ việc đang diễn ra một cách bất thường. Một giáo viên nghỉ việc là chuyện đơn giản và bình thường của ngành giáo dục. Đơn giản vì họ thấy không còn phù hợp, họ muốn tìm môi trường làm việc mới, nguồn thu nhập mới và trong nhiều năm qua đã có hàng ngàn thầy, cô giáo chọn con đường đó. Vậy hà cớ gì, một giáo viên nghỉ việc lại phải bắn tin lên Bộ, rồi nộp đơn vượt cấp lên Sở mà bỏ qua cả nhà trường. Chẳng phải sự bất thường đó thôi!

Sự bất thường này lại do chính cá nhân anh Khoa tạo ra. Anh Khoa không gửi đơn lên trường mà gửi thẳng cho Sở và "bắn tin" cho Bộ. Đó cũng chính là anh Khoa đã nhận thức rằng mình là người... không giống như những người bình thường khác.

Trong suốt mấy năm vừa qua, tôi thấy thầy Khoa đôi khi đánh giá không đúng về bản thân mình: ví dụ như việc thầy tự ứng cử đại biểu Quốc hội chẳng hạn. Có lẽ thầy đề cao mình quá!".

Lá đơn xin nghỉ việc của thầy Đỗ Việt Khoa được tung lên báo chí, Internet trước cả khi gửi đến nơi nó cần đến là Ban giám hiệu Trường THPT Vân Tảo. Về lá đơn này, thầy Văn Như Cương cho rằng:

- "Theo tôi, nếu anh Khoa thật lòng muốn rời khỏi ngành giáo dục thì anh ấy đã không để cho dư luận bàn tán xôn xao trước như vậy. Chẳng lẽ anh ấy không sợ Bộ Giáo dục biết trước sẽ ngăn cản nguyện vọng của anh. Mà đã muốn thật lòng thì có lẽ anh Khoa đã lẳng lặng mà tuân thủ đúng quy trình để được xem xét như hàng ngàn thầy, cô giáo khác".

PGS Văn Như Cương chia sẻ: "Tôi đồng ý rằng ngành giáo dục còn có nhiều bất cập, có nhiều điều chưa thỏa mãn nhưng những thầy cô giáo tốt và tâm huyết nhất đều nhận thấy rằng: trước mắt hãy làm công việc của mình càng ngày càng tốt. Đó chính là cách góp công cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Còn về thầy Đỗ Việt Khoa, chuyện anh ấy chống tiêu cực đúng, tôi rất hoan nghênh nhưng quả thật tôi không hình dung nổi nếu như tất cả các thầy, cô giáo đều như thầy Khoa, đi đâu, tiếp xúc với ai cũng kè kè ghi âm, chụp ảnh".

"Quan điểm của tôi là phải dạy làm người trước, sau đó mới dạy chữ. Vậy nên tôi nói một lần nữa cho việc không nhận anh Khoa về: “Tôi cần một thầy giáo tốt đủ nhân cách, tài năng để dạy dỗ các học trò của tôi, tôi không cần một "người hùng!".

Gặp lại “Người đương thời”

Trưa ngày 31/5/2010, chúng tôi quay trở lại nhà của thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở gần Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội. Thật bất ngờ "quán games thầy Khoa" vẫn còn hoạt động, những cái bóng áo trắng vẫn cắm đầu vào các máy cày game. Dù chỉ còn 2 ngày nữa là các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều học sinh "cày game" tại quán Internet của thầy Khoa (Ảnh chụp ngày 31/5/2010).

Cách đây hơn một năm, trong loạt bài đăng tải thông tin đa chiều về thầy Khoa, chúng tôi đã đến và cũng bắt gặp chính tại quán Internet game này, nhiều học sinh giữa giờ trưa ngồi cày điện tử, hò hét sát phạt nhau bằng những trò chơi bạo lực.

Sau khi thông tin được đăng tải, việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa kinh doanh quán game - Internet nghe có vẻ đơn giản nhưng lại nhận được nhiều phản hồi nhất vì sự việc đặt ra câu hỏi khá lớn: “Sao “Người đương thời” lại có kiểu "tiếp sức" kỳ lạ như vậy?”.

Có người còn "chống chế giúp" thầy Khoa rằng, đây là "điểm truy cập Internet" chứ không phải quán game như báo nói. Chắc rằng, người này chưa bao giờ vào các quán game gần trường học để thấy học sinh của chúng ta vào đây hầu hết chỉ chơi trò chơi và chát, còn chuyện "khai thác thông tin trên mạng" chúng tôi không khẳng định là không có nhưng trên thực tế là... hiếm, cực hiếm, vô cùng hiếm.

Tôi hỏi thầy Khoa: "Năm ngoái lúc tôi vào đây, tôi vẫn thấy học sinh ngồi cày game bạo lực ở quán thầy, năm nay vẫn không thay đổi gì, ngày kia là ngày thi tốt nghiệp rồi sao thầy không nhắc các em về ôn luyện?".

Thầy Khoa bối rối: "Không, bạn của con tôi đến chơi chút thôi".

Nói rồi thầy kéo chúng tôi vào phòng thầy, căn phòng có máy điều hòa mát rượi, khác hẳn với quán game nóng như lò thiêu mà đám học sinh đang cắm mặt "cày".--PageBreak--

Tâm sự với chúng tôi, thầy Khoa cứ miên man trong những câu chuyện chống tiêu cực. Ngay cả trong đơn xin thôi việc, khi đề cập đến việc khiếu kiện của thầy không có hồi âm, thầy Khoa đã cho rằng trách nhiệm thuộc về các cấp cơ quan có chức năng giải quyết. Thầy đã viết: "Trong thời gian dài, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội im lặng không giải quyết (mặc dù đã  nhiều lần Sở GD-ĐT chính thức công bố các kết luận thanh tra - PV). Tôi cũng đã có đơn gửi lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Nhưng tất cả đều im lặng, đùn đẩy né tránh trách nhiệm giải quyết".

- Vì sao thầy lại chọn thời điểm này để xin thôi việc?

- Đằng nào thì cũng bị đuổi việc, cho nên tôi phải xin thôi việc trước khi họ đuổi vì mấy năm rồi họ cho rằng tôi không hoàn thành nhiệm vụ.

Thầy còn dẫn cả quy định mới về việc công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bị đình chỉ hoặc chuyển sang vị trí công tác khác. Thầy chọn thời điểm này là còn mong được giải quyết chế độ, tránh việc ra về "tay trắng".

Khi chúng tôi hỏi có phải thầy cố tình tung đơn xin thôi việc cho báo chí và mạng Internet để gây ồn ào, tạo dư luận, "mượn" dư luận can thiệp, thì thầy Khoa cho rằng một người bạn của thầy tung chứ không phải thầy.

Chúng tôi cũng đến Trường THPT Vân Tảo vào những ngày cuối cùng của năm học và nhận thấy ngôi trường tương đối nền nếp và thân thiện - không có vẻ gì là "bê bết" như thầy Khoa tố cáo.

Chính ông Nguyễn Đức Vui - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đánh giá: Với các hình thức xiết lại kỷ cương của Ban Giám hiệu mới đã mang lại cho Trường THPT Vân Tảo một diện mạo, nền nếp mà trước đó chưa từng có.

Biên bản ghi nhận vi phạm kỷ luật của thầy Đỗ Việt Khoa.

Chúng tôi đã tìm gặp được thầy Lê Văn Hưởng - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan, Phú Xuyên, Hà Nội - đơn vị công tác cũ và là nơi "khởi nghiệp" của "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa. "Cái thời ở trường tôi là lúc anh ấy chưa nổi tiếng nên chẳng kiện tụng gì. Anh Khoa hay đi làm muộn, thậm chí còn bỏ giờ dạy nhưng nhà xa nên tôi thông cảm!".

"Thầy Khoa không phải là người "hai không" đầu tiên và duy nhất".

Đây là quan điểm của Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Đức Vui: "Thầy Khoa không phải là người đầu tiên làm nên "hai không" trong giáo dục. Trước đó, đã có rất nhiều thầy cô  giáo từng thực hiện, nhưng thầy Khoa ấy cứ nghĩ là người đầu tiên và duy nhất làm chuyện đó, dẫn đến sự ảo tưởng về bản thân".

Ông Vui cũng ghi nhận rằng: “Thầy Khoa là một người dám nói những gì mình suy nghĩ. Đôi khi những suy nghĩ chưa hẳn đã đúng đắn, ví dụ: thầy ấy nói Trường Vân Tảo thành lập lớp chọn. Nhưng thực chất, đó không phải lớp chọn mà lớp học được phân ban theo đúng quy định của ngành giáo dục”.

Chánh thanh tra Sở GD-ĐT cho rằng: Trước đây trường yếu kém về cả giáo dục và cả trật tự, muốn xốc lại thì đương nhiên phải có những biện pháp, tạm gọi là cứng rắn. Tuy nhiên, thầy Khoa quan niệm làm như thế là "khắt khe, hà khắc" (?).

"Các bạn cứ xuống mà xem, trường khác hẳn trước đây, nền nếp và quy củ hơn nhiều" - ông Vui nói.

Về việc thầy Khoa mấy năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, ông Vui cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ về những đánh giá của trường với thầy Khoa và thấy họ làm rất chặt chẽ và khoa học”.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề: xử lý một thầy giáo nổi tiếng có khác gì với những trường hợp khác hay không thì ông Vui khẳng định: Không có ưu tiên nào cho chuyện xét thưởng - phạt, vì nếu ưu tiên thì có nghĩa là không công bằng với hàng ngàn thầy cô giáo khác. Như thế thì chúng tôi không hoàn thành trách nhiệm "cầm cân nảy mực" của mình.

Tại Sở GD-ĐT Hà Nội, chúng tôi cũng biết thêm chuyện khá bất ngờ: đó là việc thầy Khoa bị khiếm thính.

Việc khiếm thính của thầy Khoa cũng là một vấn đề cần phải bàn bạc nghiêm túc ở đây. Vì khiếm thính ảnh hưởng không nhỏ tới việc giảng dạy của thầy Khoa ở trên lớp. Chỉ đơn cử một việc ngay tại buổi họp để công bố Kết luận thanh tra số 3971 về Giải quyết đơn tố cáo của công dân tại Trường THPT Vân Tảo diễn ra ngày 15/4/2009 của Sở GD-ĐT Hà Nội, với khoảng cách gần 4m kể từ vị trí người đọc, mặc dù đã có máy trợ thính, nhưng thầy Khoa vẫn không nghe thấy gì trong khi tất cả mọi người trong khán phòng đều nghe rất rõ. Cuối cùng thầy Khoa yêu cầu được ngồi gần hơn. Và phải sau hai lần chuyển chỗ để rút ngắn khoảng cách với người "chủ tọa" xuống chỉ còn hơn 1m đồng thời phải hướng đúng máy trợ thính về phía âm thanh phát ra, thầy Khoa mới nghe được bản Kết luận của Thanh tra.

Hiện nay, biên bản ghi lại sự việc này vẫn được Thanh tra Sở GD-ĐT lưu giữ. Dựa trên thực tế đó, nếu "áp" nó vào việc giảng dạy có thể hình dung ngay, việc giảng dạy của thầy Khoa ở trên lớp chỉ diễn ra "một chiều", nghĩa là thầy Khoa chỉ nói mà không nghe thấy học sinh của mình nói gì, nhất là những học sinh ngồi không đúng hướng máy trợ thính của thầy và ngồi ở nửa cuối của lớp. Vậy thì việc "tương tác" giữa thầy và trò của thầy Khoa chắc chắn sẽ bị hạn chế. Và khi bị hạn chế thì hiệu quả giáo dục của thầy Khoa khó có thể diễn ra như mong muốn được.

- Ông Phùng Văn Khởi, phụ huynh học sinh: Chưa bàn đến việc giảng dạy như thế nào, nhưng suốt ngày chứng kiến thầy Khoa kiện cáo hết chuyện này đến chuyện khác xảy ra ở trường, chúng tôi bất bình lắm. Bởi với vai trò là giáo viên trực tiếp giảng dạy, thầy Khoa lại chỉ tập trung đến việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm... nhằm làm "bằng chứng" cho việc kiện tụng của mình thì còn thời gian đâu nữa để tìm ra phương pháp hay, khoa học nhằm giảng dạy cho học sinh.

- Ông Nguyễn Đình Bang, Thư ký Hội đồng nhà trường, cho biết: Trong khi thầy Khoa luôn khiếu kiện giáo viên khác về sự vi phạm thì chính thầy Khoa lại là người rất hay vi phạm. Và đó là lý do tại sao trong những năm qua, thầy Khoa được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và không được nâng lương. Ví dụ: năm học nào thầy Khoa cũng vi phạm như 2007 - 2008, vào điểm sai quy chế hơn 100 con điểm, bỏ giờ dạy, đi trông thi muộn 15 phút, lên lớp muộn 20 phút...

Tú Anh - Hoàng Thắng
.
.
.