Những cái sai đầy ác ý của National Geographic Society và Google Maps

Thứ Tư, 24/03/2010, 18:55
Trong lĩnh vực cung cấp thông tin về văn hóa, ngay cả các đại gia nhiều khi cũng không tránh được sai sót. Chẳng có sai sót nào lại đáng khen nhưng có những sai sót có thể thông cảm và có những sai sót cần kịch liệt lên án.

Có thể thông cảm, chẳng hạn như chuyện "bé cái nhầm" của Grand Larousse encyclopédique en 10 volumes (Đại bách khoa từ điển Larousse 10 quyển) về một danh nhân của Việt Nam thời nay: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trang 894 của quyển 10, ấn hành năm 1963, có mục "Vô Nguyên-Giap" (Võ Nguyên Giáp) nhưng thay vì cho in ảnh ông Võ Nguyên Giáp để minh họa thì Ban biên tập lại cho in ảnh ông Phạm Văn Đồng, từng một thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, rồi Thủ tướng Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên dưới ảnh ông Phạm Văn Đồng, BBT Larousse đã ghi chú rõ ràng: "Général VO NGUYEN-GIAP" (Tướng Võ Nguyên Giáp). Thật là đáng tiếc! Trong khi nhiều người dân thường Việt Nam biết đến bại tướng (Jean-Marie Gabriel) de Lattre de Tassigny mà những đại gia làm Grand Larousse lại không biết đến danh tướng Võ Nguyên Giáp thì rõ ràng đây là chuyện thật đáng chê. Nhưng cũng là chuyện có thể thông cảm vì đây là sai sót tự nhiên chứ đằng sau nó hẳn là không có ẩn ý gì.

Sai sót của National Geographic Society và Google thì khác hẳn.

Từ nhiều ngày nay, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society (NGS)) đã cung cấp bản đồ thế giới trực tuyến tại trang web http://www.natgeomaps.com, trong đó tên quần đảo Hoàng Sa (Paracel) của Việt Nam lại được ghi chú bằng mấy chữ "Xisha Qundao" (Tây Sa quần đảo) ở ngay bên trên và chữ "China" (Trung Quốc) màu đỏ bên dưới. Ngay cả học sinh phổ thông cũng có thể biết là với cung cách ghi chú như thế thì những người làm bản đồ muốn thông báo với người tra cứu rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với sự thật. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa (và cả quần đảo Trường Sa).

Sai lầm không biết vô tình hay cố ý này đã khiến cho Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng phải lên tiếng khẳng định rõ: "Hội Địa lý quốc gia là một công ty tư nhân và không liên kết gì với Chính phủ Mỹ, do đó các tài liệu do công ty đưa ra không phản ánh chính sách của Chính phủ Mỹ". Còn một vài ý kiến thấy được trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam thì nhận xét một cách nhẹ nhàng và hữu hảo rằng NGS đã không tham khảo đầy đủ thông tin về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nên mới đi đến cách ghi chú sai lầm đó. Nhưng NGS đâu có phải là một đứa trẻ đang học ở bậc phổ thông. Cái hội này thuộc cỡ  bự đấy! Big Brother đấy!

Họ không ngây thơ đến mức chẳng tham khảo gì nên mới sai một cách trắng trợn như thế đâu. Địa lý nói chung là nghiệp vụ của họ. Vụ tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn đang làm dậy sóng biển Đông mà cái hội ấy lại không biết thì họ tồn tại để làm gì? Huống chi, ngay cả Bản đồ Thế giới đăng trên trang web của tạp chí National Geographic do chính Hội này là chủ quản cũng không hề ghi chú chữ "China" bên dưới quần đảo Paracel. Họ đã làm khác với cái tờ tạp chí mà họ là chủ quản là có ý đồ cả đấy chứ.

Bằng chứng là họ vẫn còn ngoan cố như có thể thấy rõ trong thông cáo báo chí ngày 17-3 của nó. Viện cớ là để theo đuổi chính sách mô tả hiện trạng (de facto policy), NGS tuyên bố là về vấn đề quần đảo Paracel (tức Hoàng Sa), nó nhận thức rằng quần đảo này đã bị  Chính phủ Trung Quốc chiếm và quản lý từ năm 1974, và vì thế, nó thừa nhận tên Trung Quốc là Xisha Qundao như là tên chính. Với lập luận trịch thượng này, NGS đã không cần giấu giếm rằng họ là kẻ ủng hộ việc đi xâm chiếm đất đai của thiên hạ. Cứ theo lập luận này thì giả sử có một bọn xâm lược nào đó đến chiếm bán đảo Florida của Mỹ rồi đổi tên của nó thành Mierda, chẳng hạn, rồi ở luôn tại đây thì chả lẽ NGS cũng sẵn sàng thừa nhận cái tên Mierda và chủ quyền của những kẻ xâm lược nọ.

Liên quan đến vấn đề này, và vì quần đảo Trường Sa nằm ở biển Đông, mà tên "quốc tế" hiện dụng là "South China Sea", một cái tên vô duyên, trên Kiến thức Ngày nay số 160, ngày 20/12/1994, chúng tôi đã nhận xét:

"Cái vùng biển ngoài khơi phía đông của nước ta mà chúng ta gọi là biển Đông, thì trên bản đồ thế giới hoặc bản đồ khu vực bằng tiếng Anh, đó lại là "South China Sea" còn bằng tiếng Pháp thì là "Mer de Chine Méridionale" nghĩa là "Biển Nam Trung Hoa". Đây là một cách gọi phi lý vì biển này còn tiếp giáp với Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia và Philippines là những quốc gia Đông Nam Á. Vậy để cho danh chính ngôn thuận, đó phải là biển Đông Nam Á, tiếng Anh là Southeast Asia Sea, tiếng Pháp là Mer d'Asie du Sud-Est, chứ sao lại là biển Nam Trung Hoa?".

Chúng tôi cho rằng, bằng chủ quyền của mình, các nước ASEAN nên vĩnh viễn tẩy bỏ cái tên South China Sea mà gọi biển Đông là Southeast Asia Sea, nghĩa là biển Đông Nam Á.

Các báo cho biết, có những sai sót được phát hiện trên ứng dụng bản đồ miễn phí của Google Maps: cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Tân Thanh (Lạng Sơn) hay một phần thành phố Lào Cai của ta lại nằm bên kia biên giới Trung Quốc. Theo ông Đỗ Viết Thi, Phó giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới, truy cập ứng dụng Google Maps, phần lãnh thổ Việt Nam có diện tích ước tính hàng nghìn kilômét vuông đã bị vẽ nằm bên biên giới Trung Quốc. Sự sai lệch này dễ dàng phát hiện bằng mắt thường tại tuyến biên giới phía bắc từ Điện Biên cho đến thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Rõ nhất là tại 2 thành phố Lào Cai và Móng Cái, đường biên bị vẽ sai, lấn sâu vào địa phận Việt Nam.

Google Maps chỉ là một sản phẩm trên mạng, không chịu sự kiểm soát của quốc gia nào nên dĩ nhiên không có giá trị gì trong việc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ. Nhưng nó rất có hại cho Việt Nam vì có phải ai trên thế giới cũng rành về địa lý nước ta đâu.

Chẳng biết có sự thông đồng nào với nhau hay không mà National Geographic Society của Hoa Kỳ và  Google Maps hè nhau đánh ta trên mạng... mà lại nịnh được ai đó vì đã chỉa đúng vào tim đen của hắn ta!

An Chi
.
.
.