Nhiều khó khăn trong nhận dạng nạn nhân vụ tai nạn MH17

Thứ Sáu, 15/08/2014, 18:30

Thi thể các nạn nhân được đưa về doanh trại Korporaal van Oudheusden, trong một khu rừng ở phía nam thành phố Hilversum để tiến hành nhận dạng pháp y.

Hiện có 299 chuyên gia pháp y đến từ các quốc gia Australia, Ukraina, Anh và Hà Lan - nước có 193 công dân thiệt mạng - bắt đầu công việc giám định nhận dạng gian nan. Họ là những người đã từng giám định nhận dạng người trong thảm họa sóng thần làm 23.000 người chết ở Indonesia năm 2004; rơi máy bay AH771 của Hãng Afriqiyah Airways ở Tripoli, Lybia năm 2010 làm 100 người chết; tai nạn máy bay 626 của Yemen ở Ấn Độ Dương năm 2009 làm 152 người chết…

Thường thì quy trình nhận dạng (hay xác định danh tính) của một nạn nhân trong các trường hợp thảm họa hàng không (hay các thảm họa làm chết nhiều người như động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, cháy, nổ…) bao gồm, khám nghiệm giám định pháp y tử thi, lấy dấu vân tay, mẫu răng và hàm, mẫu ADN của nạn nhân để đối chiếu với tài liệu y tế, trong đó có tài liệu nha khoa… Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất công việc cực kỳ khó khăn, bởi với các trường hợp tai nạn hàng không khi đang bay máy bay có thể bị cháy, nổ hoặc áp suất tăng mạnh, đột ngột trong khoang lái và khoang hành khách khi máy bay bị hở; đặc biệt khi rơi, đâm xuống đất với một lực vô cùng lớn (gấp hàng trăm lần lực đâm của ôtô).

Giả thuyết nếu MH 17 bị tên lửa bắn trúng thì nhiệt độ và sức nổ ban đầu của tên lửa sẽ làm cho nhiều nạn nhân bị cháy rất nặng do nhiệt độ cao và nhiều nạn nhân sẽ bị chia cắt thành nhiều phần, nhiều mảnh. Với độ cao 10.000m khi va đập với mặt đất,  hơn nữa do tên lửa phá hủy trước đó lại bị chia cắt nhỏ thêm nữa, xác các nạn nhân và các mảnh cơ thể có thể bắn xa hàng ngàn mét từ chỗ máy bay rơi, đâm xuống đất.

Ngày 1/8 vừa qua, sau thảm họa 15 ngày, Phó trưởng đoàn giám sát viên đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Alexander Hug tuyên bố: "Tìm thấy thêm một số thi thể".

Trong khi những người nông dân Ucraina vẫn vô tư cày ruộng của mình bằng máy cày trong khu vực cần phải tìm kiếm xác các nạn nhân. Vì thế với MH17, chắc chắn có nhiều nạn nhân không thể khôi phục được đầy đủ hình dạng tử thi; nhiều nạn nhân không thể tìm thấy được dù chỉ là một mảnh thi thể...

GĐPY các trường hợp tai nạn hàng không không quan tâm nhiều đến nguyên nhân chết của các nạn nhân bởi cháy, nổ, va đập đã làm nguyên nhân chết trở lên quá rõ ràng mà đặc biệt quan tâm tìm kiếm những yếu tố để nhận dạng một con người. Khám nghiệm tử thi để thu mẫu vân tay, ghi nhận những đặc điểm cá nhân như tầm vóc, màu da, đặc điểm khuôn mặt, tai, mũi, màu mắt, màu tóc… và các dị biệt như vết sẹo, chàm, bớt, hình xăm…; thu nhận giấy tờ, tư trang nếu còn trên người vì những đặc điểm, dấu vết này giúp cho việc nhận dạng rất nhanh chóng nếu tử thi còn tương đối nguyên vẹn; đặc biệt, nếu khuôn mặt không bị biến dạng do cháy, nổ, va đập hay phân hủy thì ảnh chụp vô cùng hữu ích…

Bằng cách này, người Đài Loan đã nhanh chóng nhận dạng toàn bộ 48 thi thể người tử nạn trên chuyến bay ATR72 số hiệu GE222 của Hãng TransAsia chỉ 3 ngày  sau khi máy bay rơi. Do cố gắng hạ cánh khẩn cấp bất thành xuống sân bay Bành Hồ, ở độ cao 28m. Nhưng lực va đập từ độ cao này không đủ để chia cắt cơ thể các nạn nhân vì thế việc nhận dạng qua ảnh và các đặc điểm cơ thể khá thuận lợi. Dấu vân tay và các đặc điểm ghi trong hộ chiếu, căn cước cùng các dị biệt cơ thể (nếu có) giúp hoàn tất việc nhận dạng.

Với MH17, còn thêm những yếu tố bất lợi khác. Hiện đang thời tiết mùa hè, nhiệt độ cao từ ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp sẽ làm các tử thi phân hủy, biến dạng nhanh hơn. Vì thế tăng thêm khó khăn khi giám định qua ảnh và đặc điểm cơ thể, mặt khác nhiều mẫu thu để giám định ADN có thể sẽ không đảm bảo yêu cầu giám định vì đây là những mẫu mô mềm sẽ nhanh chóng phân hủy sau vài ngày. Trong khi khu vực khoanh vùng tìm kiếm rộng lớn và những tay súng thuộc phe ly khai ở miền Đông Ucraina hình như không được huấn luyện về việc thu thập, bảo quản những mảnh tử thi. Nếu chậm thu giữ hoặc đã thu giữ nhưng bảo quản không tốt thì ngay cả vân tay (phần chậm biến đổi hơn) của nạn nhân cũng bị mất hay biến dạng do phân hủy!

Với những tử thi không thể nhận dạng bằng ảnh nếu xương hai hàm trên và dưới cùng các răng không bị vỡ, gãy, biến dạng nặng sẽ được nhận dạng bằng cách đối chiếu với phim chụp Xquang hàm và răng khi còn sống. Cách này đơn giản nhưng cũng rất chính xác vì hình dạng xương hàm và sắp xếp các răng rất riêng cho từng người. Tuy nhiên, nếu trước đây nạn nhân không có phim chụp hoặc xương hàm vỡ nát hay mất nhiều răng do va đập cũng không nhận dạng được. Nếu xương hàm gãy, vỡ ít phức tạp có thể phục chế lại hình dạng nguyên thủy…

Đoàn xe tang đưa các nạn nhân về Hilversum.

Cuối cùng, cả những tử thi không nhận dạng được bằng các phương pháp trên cũng như các mảnh tử thi thu thập được đều phải giám định ADN và cách này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, nếu mô mềm bị cháy nặng hoặc phân hủy không thể giám định ADN nhân tế bào mà chỉ có duy nhất cách này mới xác định được tên một con người cụ thể, chưa kể cách này đỡ tốn kém hơn.

Khi không còn cơ hội này các nhà giám định buộc phải đi đường vòng là giám định ADN ngoài nhân tế bào (ADN ty thể) trong xương, răng hay thân tóc do ưu thế của loại ADN này bền vững hơn, chậm bị phân hủy, biến tính, đứt gãy hơn ADN nhân tế bào. Tuy nhiên, GĐ ADN ty thể lại không xác định được một người cụ thể mà chỉ xác định được dòng tộc theo hệ mẹ, nghĩa là biết được nạn nhân là con của bà mẹ nào nhưng không phân biệt được danh tính từng người con.

Cụ thể, nếu hai cháu Đặng Minh Châu và Đặng Quốc Duy đều nhận dạng được bằng ADN ty thể với mẫu so sánh lấy từ mẹ là chị Nguyễn Ngọc Minh (ba mẹ con người Hà Lan gốc Việt trên chuyến bay MH17) thì chỉ xác định được cả hai cháu đều là con của chị Nguyễn Ngọc Minh, nhưng không xác định được đâu là cháu Châu và đâu là cháu Duy.

Để phân biệt hai cháu (hoặc các trường hợp tương tự) nếu không thể sử dụng các đặc điểm nhận dạng khác (như khác biệt về giải phẫu, tư trang, giấy tờ…) hay phương pháp loại trừ xã hội học thì có thể làm một xét nghiệm di truyền khác nếu mẫu mô của cháu Duy đủ điều kiện. Đó là chưa kể cách làm ADN ty thể tốn kém hơn! Với hàng ngàn mẫu cần phải giám định không thể tránh khỏi có nhiều mẫu bị trùng lặp (hai mẫu lấy từ hai mảnh cơ thể đều cùng của một nạn nhân) làm tốn thêm nhiều thời gian.

Sau cùng, cả hai cách giám định ADN nói trên đều phải thu mẫu đối chứng (ngoại trừ số ít người có thể đã được lập tàng thư gene) từ người thân ở 11 quốc gia có người thiệt mạng là Hà Lan, Malaysia, Australia, Indonesia, Anh, Đức, Bỉ, Philippines, Canada, New Zealand và Việt Nam. Sẽ phát sinh những trắc trở khác khi người thân trực hệ không còn, phải lấy mẫu so sánh ở những người thân xa hơn về huyết thống, nghĩa là có thêm nhiều nạn nhân không thể xác định danh tính và nhiều nạn nhân khác phải mất nhiều thời gian hơn cho việc nhận dạng…

Mãi đến năm 2013, người Mỹ vẫn âm thầm cố gắng nhận dạng những nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9/2001 và chỉ xác định thêm được danh tính của 2 người nữa: một nam giới 49 tuổi và một phụ nữ 43 tuổi (cả hai đều được gia đình yêu cầu không công bố danh tính) nhờ vào phương pháp cải tiến xử lý xương trước giám định - kỹ thuật MiniFiler.

Cho đến thời điểm này chỉ có 1.369 nạn nhân được nhận dạng trong tổng số 2.753 người chết. Với 21.800 mẫu da và xương thu từ hiện trường đổ nát của Trung tâm thương mại quốc tế phần lớn đã hỏng không thể giám định được do phải mất khoảng 8 đến 10 tháng thu thập các mẫu này từ đống đổ nát bê tông, sắt thép và thủy tinh với sự lẫn lộn mô của nhiều người khác nhau.

Trong số 184 nạn nhân trên chiếc máy bay đâm xuống Lầu Năm Góc và 40 nạn nhân trên máy bay đâm xuống Shanksville bang Pennsylvania có rất nhiều nạn nhân không thể nhận dạng được và những mẫu mô này đã được hỏa táng sau khi các nhà giám định khẳng định điều này…

Với máy bay AH5017 của Alregie rơi ở Mali ngày 23/7 sẽ còn bi đát hơn vì có lẽ không còn cơ hội để giám định nhận dạng, bởi theo mô tả thì "toàn bộ máy bay nát vụn, thậm chí như bị nghiền thành bụi". 118 hành khách trong đó có toàn bộ gia đình ông Bernad Reynaud, 10 người và toàn bộ gia đình ông Bertrand Gineste, 5 người (đều quốc tịch Pháp) liệu có thu thập được gì!?

Cho đến ngày 29/7 có 227 quan tài được chuyển đến Hà Lan, nhưng không thể biết được số lượng thi thể là bao nhiêu. Thanh tra Hà Lan là Howard Way cho biết các thi thể cũng như các mảnh thi thể đều tổn thương rất nặng. Chỉ mong có nhiều nhất nạn nhân được nhận dạng để vơi đi nỗi đau khắc khoải của bao gia đình không may mắn

Nguyễn Văn
.
.
.