Mỹ - Triều Tiên: Không chỉ giơ đấm dọa gió

Thứ Năm, 28/09/2017, 08:46
Suốt tuần qua, dư luận thế giới đã chứng kiến hàng loạt “cuộc khẩu chiến” giữa Mỹ và Triều Tiên, với việc nhà lãnh đạo hai nước liên tục chỉ trích và đưa ra những tuyên bố chọc giận nhau.

Bằng những lời lẽ “thiếu tôn trọng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là "gã điên", còn ông Kim Jong-un sau khi bị gắn mác “tay chơi tên lửa” đã gọi người đứng đầu Nhà Trắng là "lão già lẩn thẩn loạn trí". Tiếng bấc tiếng chì, ông Kim Jong-un dọa có thể tiến hành thử bom nhiệt hạch (bom H) trên Thái Bình Dương.

Đáp lại, ông Donald Trump tuyên bố sẽ san phẳng Triều Tiên nếu không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Vẫn chỉ là “đòn cân não” như hai bên từng nắn gân nhau hay một quyết định liều lĩnh?

Khó lường!

Từ sau vụ thử hạt nhân năm 1980 của Trung Quốc, trên thế giới chưa từng diễn ra bất kỳ vụ thử nào trên mặt đất, tuyên bố của Bình Nhưỡng càng khiến nhiều người lo ngại rằng khu vực này đang tiến sát tới bờ vực chiến tranh.

Giới phân tích nhận định: “Sai lầm có thể dễ dàng xảy ra và dẫn tới những hậu quả vô cùng thảm khốc. Thậm chí nếu cuộc thử nghiệm thành công, vùng biển và vùng trời trong khu vực chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể không dám mạo hiểm, song họ cũng không loại trừ khả năng quốc gia này sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi bị “đẩy vào chân tường”, đặc biệt nhìn vào số lượng ngày càng tăng các vụ thử tên lửa và hạt nhân mà Bình Nhưỡng tiến hành.

Giới phân tích cho rằng lý do chính để Triều Tiên mạo hiểm là muốn xóa tan những nghi ngờ về việc liệu họ đã thực sự thu nhỏ thành công đầu đạn nhiệt hạch để gắn vào tên lửa hay chưa. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn tiến hành riêng lẻ các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo được chế tạo để mang các vũ khí này, chứ chưa từng thử nghiệm đồng bộ.

Liên tiếp những cuộc khẩu chiến gữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump.

Nếu Triều Tiên tìm cách thử hạt nhân trên biển, họ sẽ sử dụng các tên lửa đạn đạo mạnh nhất, như tên lửa tầm trung Hwasong-12 hoặc tên lửa xuyên lục địa Hwasong-14. Hơn thế nữa, do Triều Tiên hiện vẫn thiếu trang thiết bị và công nghệ để kích nổ từ trên không, trong khi việc đưa tàu ra ngoài khơi để kích nổ thiết bị cũng dễ làm tăng nguy cơ vấp phải sự cản trở của Mỹ nên nhiều khả năng nước này sẽ dùng tên lửa để thử nghiệm bom nhiệt hạch.

Tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân này sẽ phải đi qua vùng trời Nhật Bản trước khi tới một địa điểm xa xôi ở Thái Bình Dương, tương tự 2 vụ thử tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên tiến hành mới đây.

Có thể những lời chỉ trích gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 72 những ngày vừa qua hoàn toàn phản tác dụng. Thái độ thậm chí đã tạo cho Kim Jong-un một diễn đàn để ứng xử bình đẳng với Mỹ. Điều này cũng cho phép nhà lãnh đạo Triều Tiên biện minh cho chương trình hạt nhân và củng cố thế lực trong nội bộ”.

Giới chuyên gia cho rằng một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể kích động chiến tranh bởi lẽ các vụ thử tên lửa dễ dẫn đến sai sót và hậu quả của thất bại có thể sẽ vô cùng khủng khiếp nếu tên lửa được trang bị vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp vụ thử thất bại hoặc nếu đầu đạn phát nổ khi đang bay qua lãnh thổ Nhật Bản, Washington và Tokyo sẽ nhanh chóng tìm cách trả đũa, và khiến chiến tranh hạt nhân bùng phát.

Trừng phạt không phải cách hay

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm gia tăng sức ép với chính quyền Kim Jong-un về chương trình hạt nhân của nước này.

Theo sắc lệnh mới, Washington sẽ cắt đứt “hầu bao” của Triều Tiên, với việc Bộ Tài chính Mỹ được phép đình chỉ quyền tiếp cận tài khoản đối ứng tại Mỹ đối với bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào cố ý thực hiện hoặc hỗ trợ các giao dịch thương mại quan trọng với Triều Tiên. Bất kỳ cá nhân nào giao dịch thương mại bằng hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ với Bình Nhưỡng cũng có thể bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ.

Trong một động thái nữa nhằm đánh vào nền kinh tế Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt còn nhằm vào thương mại và hoạt động vận chuyển đường biển bằng cách chặn đường tiếp cận đến Mỹ trong một thời gian ngắn.

Cụ thể, tàu thuyền và máy bay đã cập cảng Triều Tiên sẽ bị cấm đến Mỹ trong vòng 180 ngày. Ngoài ra, bất kỳ tàu nào tham gia hình thức vận chuyển từ tàu này sang tàu khác với một tàu đã cập cảng Triều Tiên sẽ bị cấm đến Mỹ trong vòng 180 ngày.

Bộ Tài chính hiện cũng có thẩm quyền trừng phạt bất kỳ cá nhân nào làm việc trong các lĩnh vực của Triều Tiên gồm xây dựng, năng lượng, dịch vụ tài chính, đánh cá, công nghệ thông tin, sản xuất, y tế, khai khoáng, dệt may hoặc các ngành vận tải; bất kỳ cá nhân nào sở hữu, kiểm soát hoặc điều hành bất kỳ hải cảng nào ở Triều Tiên; và bất kỳ cá nhân nào đã từng thực hiện ít nhất một hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu quy mô lớn hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ của Bình Nhưỡng.

Như vậy, phạm vi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã mở rộng, không chỉ tập trung vào các công ty nước ngoài có mối liên hệ với quân đội Triều Tiên như trước đây. Mặc dù kêu gọi đối thoại, song Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác ủng hộ biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại diễn biến vừa qua, những biện pháp trừng phạt gia tăng của cộng đồng quốc tế có vẻ không làm Bình Nhưỡng ngần ngại vượt "giới hạn đỏ". Giờ đây, những “câu thần chú” về  “kiềm chế, đối thoại hay tìm giải pháp hai bên cùng thắng...” đều tỏ ra không hề linh nghiệm.

Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3-9 với công suất ước tính gấp hàng chục lần quả bom hạt nhân thử nghiệm năm 2016, là một minh chứng rõ ràng cho thấy Triều Tiên “không nói đùa”. 

Có thể thấy việc ngăn Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân đang là một mục tiêu xa vời  trong tình hình hiện nay. Thế nhưng, việc phát động một cuộc chiến ở Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn là một “hạ sách” với hệ lụy nghiêm trọng và cũng là điều không phải bên nào “cứ muốn là làm được”.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.