Mong chờ gì ở cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?

Thứ Sáu, 21/01/2011, 20:20
Sau rất nhiều trắc trở năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ chính thức thăm Mỹ, từ ngày 19 đến 21/1. Không kể những dịp gặp gỡ song phương của nguyên thủ đôi bên thì từ năm 2006 đến nay, đây là chuyến thăm viếng đầu tiên của ông Hồ Cẩm Đào với tư cách quốc khách của nước Mỹ, khi quan hệ hai nước đang có nhiều vấn đề nhạy cảm, từ kinh tế đến ngoại giao và an ninh.

Câu hỏi được đặt ra vào lúc này là: thượng đỉnh siêu cường Mỹ - Trung sẽ đem lại kết quả gì?

Không chỉ Tổng thống Mỹ từng kêu gọi hợp tác để 2 bên cùng có lợi vì "không thể một nước Mỹ hay bất cứ một nước nào có thể tự giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu", ngay ông Hồ Cẩm Đào cũng có suy nghĩ tương tự.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hai tờ The Washington Post và The Wall Street Journal trước khi rời Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Bắc Kinh nói rất rõ: cần tìm những "điểm tương đồng" để xây dựng quan hệ giữa hai siêu cường, xóa bỏ những ý tưởng xấu còn sót lại sau thời Chiến tranh lạnh để cùng giải quyết những vấn đề cả thế giới đang quan tâm, từ hợp tác chống khủng bố, giải trừ vũ khí hạt nhân cho đến bảo vệ môi trường.

Cũng trong bài trả lời hai tờ báo trên trước chuyến công du đến Mỹ, ông Hồ Cẩm Đào nhìn nhận "không chối cãi vẫn còn những khác biệt và những vấn đề nhạy cảm" ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng vẫn theo ông thì đã đến lúc cả 2 quốc gia đều biết phải cùng đứng về một phía. Phía ông nói tới là xây dựng "một mối quan hệ tốt đẹp" tránh "đối đầu" gây bất lợi. Nền tảng của mối quan hệ này là điều cả 2 nhà lãnh đạo đã từng nhiều lần nói đến: cảm thông với nhau hơn, hiểu biết nhau hơn, tôn trọng nhau hơn và theo ông Hồ Cẩm Đào: tôn trọng cả "con đường phát triển" mà hai bên đã chọn.

Rõ ràng có quá nhiều điểm "nhạy cảm" mà cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đều cảm nhận thấy khi ngồi xuống bàn thảo với nhau. Chính bà Ngoại trưởng Clinton cũng xác nhận "không tin lẫn nhau vẫn còn nhiều, chỉ có gặp gỡ, nói chuyện mới giải tỏa được nỗi nghi ngờ".

Washington muốn Bắc Kinh định lại tỉ giá đồng nhân dân tệ cho đúng để tránh thiệt thòi cho các nước bạn hàng, phía Trung Quốc trả lời tỉ giá đồng tiền của họ được ấn định dựa theo nhiều yếu tố và không bao giờ nhượng bộ áp lực đến từ phía bên ngoài. Washington muốn Bắc Kinh có thái độ cứng rắn hơn với CHDCND Triều Tiên và Iran, ông Hồ Cẩm Đào nói, cả 2 chuyện đều phải giải quyết bằng đường lối ngoại giao ôn hòa, gây áp lực chỉ tạo thêm bất lợi.

Washington đồng ý bán vũ khí cho Đài Loan - dựa vào yếu tố Mỹ có trách nhiệm phải giúp bảo vệ an ninh lãnh thổ cho Đài Bắc, Trung Quốc bảo nước Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của họ, không thực hiện đúng những văn kiện ngoại giao đã cam kết trong đó nói rõ chỉ có một nước Trung Hoa và chỉ có một chính phủ Bắc Kinh là đại diện chính thức.

Ngay cả nhân quyền cũng là một trong những điểm mang tính "nhạy cảm" mà hai bên cùng quan tâm.

Ngày 14/1 vừa qua, trong bài diễn văn nói về quan hệ với Bắc Kinh, bà Hillary Clinton nhấn mạnh "một nước Trung Hoa giàu mạnh không phải là điều khiến Mỹ lo âu", nhưng "Trung Quốc phải thực hiện đúng với những gì đã cam kết về nhân quyền cùng cộng đồng thế giới". Câu trả lời đến từ Trung Quốc: Mỗi quốc gia có một cái nhìn về nhân quyền khác nhau, đừng đem định nghĩa nhân quyền kiểu phương Tây áp dụng cho Trung Quốc.

Tin từ Nhà Trắng cho biết, trong bài diễn văn chào mừng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay trong bài phát biểu đọc ở buổi họp báo chung, Tổng thống Obama sẽ "công khai kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền".

Như vậy người ta có thể mong chờ gì ở thượng đỉnh siêu cường Mỹ - Trung? Hầu hết các nhà phân tích và những chuyên gia về Trung Quốc đều nghĩ cuộc gặp diễn ra vào ngày 19-1 tới đây sẽ không đem lại kết quả cụ thể nào cả, vì tất cả những vấn đề mang tính nhạy cảm nêu trên đều không thể giải quyết.

Bà Bonnie Glaser, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng cuộc gặp gỡ "tạo cơ hội để Tổng thống Obama mời ông Hồ Cẩm Đào tham dự vào những vấn đề mang tính chiến lược toàn cầu" nhưng thành quả đạt được chẳng bao nhiêu. Bà Glaser cũng dự báo ngay cả bản thông cáo chung cũng chẳng có gì đáng chú ý, chỉ là một văn kiện ngoại giao "ngắn ngủi" trong đó nhắc lại cam kết của hai nhà lãnh đạo là sẽ hợp tác chung với nhau để xây dựng quan hệ tốt hơn.

Cũng tại cuộc gặp thượng đỉnh này, cả Washington lẫn Bắc Kinh đều mong "thấy được những kết quả cụ thể" sau chuyến viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào.

Nhưng theo giới quan sát, tổng kết sau 10 năm hòa dịu qua hai nhiệm kỳ của ông Bush và hai năm đầu của ông Obama, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi vào khúc quanh gay gắt hơn. Nếu trong hai năm tới mà Mỹ đỡ bận tâm về chiến tranh chống khủng bố thì cách ứng xử với Bắc Kinh sẽ dữ dội hơn, nhất là khi Trung Quốc đang biểu dương thế lực quân sự như muốn dằn mặt Mỹ. Vài ngày trước khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào công du nước Mỹ và ngay trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang có mặt tại Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã tiến hành thử máy bay tiêm kích tàng hình J-20.

Ngoài ra, ông Obama cũng biết sự ôn hòa mà vô hiệu của mình sẽ là một nguy cơ thất cử. Do vậy, giới phân tích nhận định, dù đôi bên có tiếp đãi nhau bằng "quốc yến" trong chuyến thăm này đi chăng nữa thì quan hệ Mỹ - Trung vẫn căng thẳng hơn trước, kể từ năm 2011 trở đi

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.
.