Jamaica: Già – trẻ lên vũ đài chính trị

Thứ Năm, 05/01/2012, 10:20

Ngày 29/12, người dân Jamaica đã đến 6.600 điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội có cuộc so tài căng thẳng giữa đảng của vị Thủ tướng trẻ tuổi Andrew Holness với đảng của bà cựu Thủ tướng Simpson Miller. Kết quả kiểm phiếu chưa được công bố, nhưng giới phân tích đã đưa ra những nhận định ban đầu rằng, rất có thể đảng của bà Miller sẽ giành chiến thắng.

Cuộc bầu cử lẽ ra được tổ chức vào năm 2012 đã được dời lên sớm vài tháng do Thủ tướng Holness muốn tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong giai đoạn hiện nay dành cho đảng của ông. Người ta cho rằng, Holness lo ngại nếu để thêm vài tháng nữa thì tỉ lệ ủng hộ của cử tri dành cho đảng Lao động (JLP) của ông sẽ còn xuống thấp hơn nữa.

Về mặt an ninh, các cuộc bầu cử ở Jamaica thường diễn ra rất căng thẳng. 63 lần bầu cử Quốc hội trước đây, cuộc đua tranh giữa đảng JLP trung hữu của Thủ tướng Holness với đảng trung tả Quốc gia Nhân dân (PNP) của bà Miller thường xảy ra xung đột, có cả đổ máu do các phe phái đối nghịch đối đầu với nhau. Do vậy, cuộc bầu cử ngày 29/12 đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, các biện pháp an ninh cũng như nghiệp vụ bầu cử đã được triển khai khá chu đáo. Người ta đặt máy quét vân tay thay cho chữ ký để xác nhận người bỏ phiếu nhằm tránh tình trạng gian lận, một người bỏ nhiều phiếu.

Một chiến dịch an ninh quy mô lớn cũng được triển khai với hàng chục máy bay trực thăng quần đảo trên bầu trời để giám sát các khu vực bỏ phiếu, hàng ngàn binh sĩ quân đội, cảnh sát và quân dự bị đã được huy động bảo đảm an ninh. Đặc biệt, 2 điểm bỏ phiếu có sự tham gia của Thủ tướng Holness và bà Miller đã được bảo vệ tối đa bởi lực lượng an ninh có vũ trang. Ngoài ra, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng cử sang một nhóm quan sát viên gồm 25 người để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ. Bà Lisa Shoman, Trưởng phái đoàn quan sát viên OAS cho biết, không có sự cố nào xảy ra tại cuộc bầu cử lần này.

Nhưng với Thủ tướng Holness thì cuộc bầu cử hứa hẹn những thách thức to lớn. Đảng JLP của Holness thuộc cánh hữu, bảo thủ và thân thị trường, thiên về giới kinh doanh, trong khi đảng của bà Miller thì ngược lại, thiên tả và chú trọng lợi ích của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là dân nghèo.

Holness và Miller, một trẻ một già, là 2 phong cách khác nhau hoàn toàn. Holness, năm nay 39 tuổi, tuy có phần thiếu chất gợi hứng nơi cử tri nhưng là người trẻ, tự tin, thông minh và biết cách ứng xử khôn ngoan. Ông cũng rất biết cách hòa mình với cử tri. Ngay trong ngày bầu cử, Holness đến điểm bầu cử ở khu Mona, thủ đô Kingston, để bỏ phiếu và trực tiếp trò chuyện với các cử tri thuộc tầng lớp trung lưu. Holness tự tin cho rằng đảng JLP của mình sẽ giành chiến thắng. Là Bộ trưởng Giáo dục từ năm 2007 khi mới 35 tuổi, Holness kiêm luôn chức Thủ tướng từ ngày 23-10-2011, thay thế ông Bruce Golding. Bước vào cuộc bầu cử lần này với cương vị đương kim Thủ tướng, Holness đặt hy vọng nhiều vào sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu ở Jamaica. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, niềm hy vọng đó khá mong manh do tình hình kinh tế khó khăn hiện tại đang làm nản lòng rất nhiều người.

Cựu Thủ tướng Simpson Miller.

Ở phía ngược lại, bà Miller từng là nữ Thủ tướng đầu tiên của Jamaica. Tuy đã lớn tuổi (66 tuổi), nhưng bà có được cái mà ông Holness đang thiếu: kinh nghiệm già dặn và đường lối, quan điểm chính trị hướng đến người nghèo, phục vụ dân sinh. Trong suốt 1 tháng vận động tranh cử, đảng PNP của bà Miller đã khoét sâu vào những vấn đề khó khăn mà đảng JLP đang đối mặt, nhất là sự mất niềm tin nơi cử tri đối với những gì đảng của ông Holness thể hiện trong thời gian qua. Tuy cả hai đảng cùng đưa ra lời hứa giống nhau là quyết tâm đưa đất nước Jamaica vượt qua khó khăn, giảm bớt nợ nần, cải thiện đời sống cho nhân dân, nhất là dân nghèo, nhiều người vẫn cho rằng đảng của bà Miller có nhiều khả năng thực hiện được lời hứa của mình hơn.

Ở đây, sự khác nhau thể hiện rõ trong đường lối, chính sách của 2 đảng: PNP theo đuổi các chính sách dân sinh, dân túy, các chương trình vì người nghèo đã được triển khai từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước (khi đảng này lên nắm quyền tại Jamaica lần thứ nhất) đến nay; trong khi đó, JLP là một đảng bảo thủ và thân thị trường, chủ yếu phục vụ giới kinh doanh, nhà giàu, vì vậy mà không được dân nghèo và một bộ phận tầng lớp trung lưu ủng hộ.

Jamaica là một đảo quốc nhỏ bé (diện tích chỉ có 10.991km2) nằm lọt thỏm giữa các đảo nhỏ khác trong vùng biển Caribbe. Nước này hiện đang là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Mỹ Latinh, với tổng GDP chỉ khoảng hơn 23 tỉ USD nhưng bình quân đầu người lại khá cao, đến trên 8.000 USD/người/năm. Giành độc lập từ năm 1962, Jamaica hiện vẫn thuộc khối Thịnh vượng chung, có nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng Anh Elizabeth II và một Tổng đốc thay mặt Nữ hoàng điều hành đất nước. Cũng giống như Canada và Australia, Jamaica không theo thể chế cộng hòa.

Thách thức rất lớn đang đặt ra cho ông Holness và đảng JLP của ông chính là tình hình kinh tế khó khăn, nợ nần chồng chất và đời sống người dân không được cải thiện. Mặc dù hãy còn sớm để dự đoán kết quả ông Holness hay bà Miller sẽ là người nở nụ cười đắc thắng, nhưng những khó khăn của đất nước Jamaica hiện tại đang khiến cho giới phân tích nghĩ đến một thất bại cho đảng JLP sau khi phiếu bầu được kiểm xong và công bố trong thời gian tới

An Châu (tổng hợp)
.
.
.