Iraq: Chìm sâu trong bạo lực

Thứ Hai, 19/09/2005, 16:07
Bốn ngày sau khi chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tuyên chiến với dòng Hồi giáo người Shiite, 250 người đã thiệt mạng, trong đó có 30 người chết trong vụ nổ bom xe hơi tại khu chợ đông dân nghèo theo dòng Hồi giáo Shiite, phía Đông thủ đô Baghdad.

Riêng trong ngày thứ bảy 17/9, ít nhất 50 người đã bị cướp đi mạng sống bởi những hành động tàn bạo của nhóm quân do Abu Musad al-Zarqawi cầm đầu.

Đến sáng 18/9, các vụ nổ bom xe hơi vẫn tiếp diễn làm 3 lính Mỹ và một bé gái người Baghdad thiệt mạng. Chưa hết, nhóm quân của Abu Musad al-Zarqawi còn liên tiếp tổ chức tấn công các đoàn xe của những chính trị gia cao cấp, làm một nhà lập pháp Iraq người Kurd cùng gia đình thiệt mạng.

Một không khí tang tóc bao trùm lên xứ sở Ba Tư khiến phần đông người dân Hồi giáo theo dòng Shiite không dám bước chân ra khỏi nhà. Những gia đình khác có chút ít vốn liếng thì tìm mọi cách vượt biên sang các nước láng giềng với chút hy vọng mong manh là có được một cuộc sống yên bình.

Các hoạt động kinh tế, xã hội khác của Iraq từ trước vốn chẳng mấy tốt đẹp nay lại càng bị đình trệ. Nhiều tổ chức quốc tế đã tạm thời đóng cửa, không hoạt động vì e ngại cho tính mạng nhân viên của mình. Một lần nữa, Iraq lại lâm vào thế bị cô lập.

Các hành động tàn bạo hiện nay của phiến quân Iraq bắt nguồn từ những đợt tấn công dữ dội của quân đội Mỹ và quân đội Iraq nhằm vào thành phố phía Bắc Tal Afar, gần biên giới Syria, nơi hàng ngàn phiến quân đang ẩn náu. Cay cú trước chiến dịch này của Chính phủ Mỹ và Iraq, phiến quân do Abu Musad al-Zarqawi đã điên cuồng đánh trả với mức độ tàn bạo hơn. Đáng tiếc là nạn nhân của những cuộc đọ súng không có hồi kết này vẫn chỉ là dân thường vô tội.

Nhận thấy những phản ứng tiêu cực từ vấn đề này, Thủ tướng Iraq Ibrahim Jafary đã kêu gọi LHQ và cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa tới Iraq và cuộc sống người dân nơi đây. Cũng để thể hiện mong muốn xây dựng một Iraq hòa bình, ông Ibrahim Jafary đã kêu gọi các lực lượng chống đối Chính phủ Iraq do Mỹ hậu thuẫn cùng bắt tay xây dựng đất nước.

Kế hoạch mà Thủ tướng Iraq đưa ra là mời những nhóm đối lập này tham gia tiến trình cải cách chính trị, chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, xem ra những sáng kiến đó vẫn chưa đủ để làm "nguội" cơn nóng giận của những kẻ quá khích. Giới phân tích nhận định, với sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ trong vấn đề Iraq cùng những cuộc truy đuổi, tàn sát mới nhằm vào các lực lượng quân nổi dậy, Mỹ đang biến Iraq thành nơi để thử nghiệm các loại vũ khí tối tân và sức chịu đựng của binh lính.

Sẽ còn tiếp diễn bạo lực, còn tiếng khóc và nước mắt nếu như Mỹ cùng liên quân vẫn đóng quân ở Iraq và chính quyền Baghdad không biết tự mình dàn xếp với những thế lực chính trị trong nước. Và không chỉ người dân Iraq mà ngay cả chính người Mỹ cũng chìm sâu trong vũng bùn bạo lực mà càng quẫy đạp thì càng bị lún

Trung Nguyên
.
.
.