Hội nghị thượng đỉnh Nga – EU: Khó đạt được sự đồng thuận

Thứ Sáu, 29/05/2009, 01:50
Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU vừa được khai mạc hôm 21/5/2009 với sự tham gia của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, đại diện tối cao của EU về đối ngoại và an ninh Javier Solana và Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus (đương kim Chủ tịch EU).

Theo đánh giá của các nhà quan sát, hội nghị lần này rất có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong bầu không khí lạnh nhạt trong xu hướng chung của quan hệ giữa hai đối tác quan trọng này.

Chủ đề chính được bàn bạc tại đây là an ninh năng lượng gần như chắc chắn sẽ khó đạt được sự đồng thuận: EU có thể sẽ bác bỏ đề xuất của Nga về một cơ sở pháp lý về an ninh năng lượng mới, trong khi lại yêu cầu một "cơ cấu cảnh báo sớm" nhằm bảo đảm châu Âu sẽ không bị thiệt hại trong bất cứ một trường hợp bất đồng nào giữa các nhà xuất khẩu và trung chuyển khí đốt...

Ngay trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị lần này, nhiều quan chức tại châu Âu đã nói đùa rằng, đặc điểm địa lý của những cuộc gặp gần đây giữa các nguyên thủ hàng đầu của Nga với châu Âu đang phản ánh đúng xu hướng "nguội lạnh" trong quan hệ Nga - EU.

Chủ tịch EC Jose Barroso (trái) và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev.

Nếu như trong những năm đầu, các cuộc gặp thượng đỉnh Nga - EU (theo truyền thống diễn ra tại Nga) luôn tổ chức tại Moskva. "Ngoại lệ" đầu tiên diễn ra tại Saint-Peterburg, và lần thứ hai tại Sochi. Tuy nhiên, trong quãng thời gian này, EU vẫn được coi là đối tác thích hợp nhất của Nga tại phương Tây, nhất là so với Mỹ. Nhưng đến năm ngoái, hội nghị đã không còn diễn ra tại châu Âu, mà được tổ chức tại một thành phố nhỏ ở Ural.

Còn năm nay, cuộc gặp hàng đầu này được diễn ra tại Khabarovsk - một trong những thành phố xa cách nhất về mặt địa lý của Nga so với châu Âu. Thực tế này cũng tượng trưng cho một xu hướng cho thấy, EU đang trở thành một đối tác phức tạp nhất với Nga, và mối quan hệ này vẫn chưa hề có dấu hiệu cải thiện. Những chủ đề chính được bàn bạc tại Khabarovsk lần này vẫn là những bất đồng chưa thể giải quyết giữa Moskva và Brussels, mà đầu tiên chính là vấn đề khí đốt.

Về phía nước chủ nhà, mục tiêu chính của Tổng thống Medvedev trong khuôn khổ hội nghị lần này là giới thiệu với châu Âu một quan niệm mới về các cơ sở pháp lý trong lĩnh vực an ninh năng lượng, mà theo Moskva là thích hợp nhất sau những tranh chấp và bất đồng vừa qua.

Tuy nhiên có nhiều yếu tố cho thấy, các quan chức EU đã sẵn sàng bác bỏ đề xuất này của Tổng thống Nga.

Thứ nhất là cả tháng qua, EU đã không ít lần công khai tuyên bố, chỉ có một bản hiến chương về năng lượng mới là hệ thống cơ sở pháp lý rõ ràng cho chính sách năng lượng của châu Âu.

Thứ hai,  Ủy ban châu Âu từ trước hội nghị lần này đã tích cực chuẩn bị cho một đề xuất thay thế khác về "cơ cấu cảnh báo sớm khi nảy sinh những nguy cơ từ việc vận chuyển khí đốt" - điều đã được quan chức đứng đầu của EU về năng lượng và giao thông vận tải tuyên bố trong một hội nghị năng lượng mới đây ở Berlin. Yêu cầu chính của EU trong đề xuất này là phải đảm bảo được rằng, khí đốt cung cấp cho châu Âu không bao giờ được gián đoạn, bất chấp mọi bất đồng giữa các nhà sản xuất và vận chuyển khí đốt.

Chủ đề tất yếu thứ hai trong cuộc đối thoại Nga - EU lần này chắc chắn sẽ là vấn đề Gruzia, Abkhazia và Nam Ossetia. Nhưng trong lĩnh vực này, do quan điểm của các bên gần như hoàn toàn trái ngược, nên khó có khả năng đạt được bất cứ thỏa hiệp nào.

EU vẫn cương quyết đòi hỏi các quan sát viên của họ (kể cả quân sự và dân sự) phải có quyền hoạt động trong phần lãnh thổ của Abkhazia và Nam Ossetia. Còn Moskva cho rằng, đòi hỏi này trong khuôn khổ các sứ mạng đang thực thi của EU hay Cơ quan An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là không thể - Abkhazia và Nam Ossetia là hai quốc gia độc lập, nên các sứ mạng tại đây cần phải được tách biệt rõ ràng.

Chưa kể Nga chắc chắn sẽ yêu cầu về một vài biện pháp trừng phạt đối với Gruzia - chẳng hạn như cấm châu Âu bán vũ khí cho chính quyền của Mikhail Saakashvili. Còn châu Âu thì yêu cầu giải thích rõ ràng về việc thành lập căn cứ quân sự của Nga tại Nam Ossetia.

Hai bất đồng khó có thể dung hòa trên - Gruzia và khí đốt - thực tế đã đẩy vấn đề chính về một hiệp ước hợp tác Nga - EU xuống hàng thứ yếu. Thỏa thuận cơ sở của Nga và EU đã hết hạn từ hai năm trước, trong khi tiến trình soạn thảo một văn kiện mới - gọi là "Thỏa thuận về đối tác và hợp tác" - gần như đã giẫm chân tại chỗ ngay từ khi mới bắt đầu được triển khai.

Giữa Nga và EU còn tồn tại một chủ đề chưa rõ ràng khác cần phải thảo luận - đó là đề xuất của Tổng thống Medvedev về một cơ cấu an ninh mới của châu Âu. Phía EU vẫn cho rằng, Moskva cần phải đưa ra những chi tiết thật cụ thể trước khi có thể chính thức đưa ra thảo luận. Còn Nga cho biết vào tháng 6 tới đây, Ngoại trưởng Sergey Lavrov sẽ trình bày một kế hoạch chi tiết về các đề xuất của Nga.

Cuối cùng, vẫn phải nhắc đến một chủ đề khác sẽ được nhắc tới trong hội nghị này - đó là tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nga. Moskva cho rằng, không cần thiết phải xây dựng những nguyên tắc hợp tác kinh tế với EU trước khi gia nhập tổ chức trên.

"WTO là mục tiêu chiến lược của chúng tôi. Nếu như chúng tôi gia nhập WTO, lĩnh vực kinh tế trong quan hệ của chúng tôi với EU sẽ được điều hành trên cơ sở các nguyên tắc của tổ chức này" - các quan chức ngoại giao Nga đã khẳng định như vậy.

Dù những bất đồng cơ bản giữa Moskva và Brussels trong lĩnh vực này từ lâu đã được xóa bỏ, nhưng vẫn còn tồn tại một vài yêu sách mâu thuẫn của cả hai bên.

Chẳng hạn như Ủy ban châu Âu cho rằng, các biện pháp chống khủng hoảng của Nga đang đi ngược lại với các quyết định được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở London.

Với tất cả những phân tích và đánh giá trên, đa phần các nhà quan sát đều cho rằng, sẽ rất khó có văn kiện cụ thể nào được ký kết trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh này. Hy vọng chủ yếu sẽ tập trung vào các bước đột phá trong thỏa thuận chung nhằm bãi bỏ chế độ thị thực xuất nhập cảnh giữa Nga và các nước EU

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.
.