Hải quân Nhật chính thức tham gia chống cướp biển

Thứ Bảy, 16/05/2009, 22:50
Thời điểm cuối tháng 4/2009 đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử của Hải quân Nhật Bản, khi Quốc hội nước này lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã phê chuẩn một đạo luật cho phép các tàu chiến có thể tham chiến với đối phương không chỉ vì mục đích phòng vệ hay bảo vệ quyền lợi quốc gia, mà còn có thể trong một số trường hợp khác.

Cụ thể là Hải quân Nhật giờ đây được phép bắn vào tàu của những tên cướp biển vì mục đích bảo vệ cả các tàu nước ngoài, dù đây chỉ là giải pháp cuối cùng sau khi những biện pháp cảnh báo khác không có hiệu lực.

Trên thực tế, chính những tên cướp biển Somali đã bắt người Nhật phải phá vỡ nguyên tắc gần như là bất di bất dịch từ nhiều năm qua của mình, khi Hải quân Nhật chính thức tham gia vào cuộc chiến chống cướp biển cùng với đội tàu chiến đông đảo của 25 quốc gia khác nhau tại vùng biển châu Phi.

Theo Hãng tin CNN, ngay từ tháng 3/2009, chiến dịch quốc tế chống hải tặc đã có sự tham gia của hai tàu chiến từ xứ sở mặt trời mọc - khu trục hạm Sazanami và chiến hạm Samidare. Hai tàu chiến có lượng dãn nước lần lượt là 4.650 và 4.550 tấn, được trang bị các tên lửa kiểu tàu đối tàu Mitsubishi Type 90, các tên lửa RIM-162 Sea Sparrow của Mỹ, thủy lôi, súng máy cùng nhiều phương tiện vũ khí hiện đại khác.

Tokyo trên thực tế có mối quan tâm trực tiếp đến cuộc chiến chống lại những tên cướp biển. Chỉ tính riêng trong năm 2008, hải tặc đã tấn công hơn một chục chiếc tàu của Nhật. Đó là lý do khiến Chính phủ Nhật quyết định cử tàu chiến gia nhập vào lực lượng hải quân đa quốc gia tại đây.

Tuy nhiên trong giai đoạn tham gia đầu tiên, Hải quân Nhật phải hoạt động theo những quy định hết sức ngặt nghèo - chỉ được phép phát hỏa khi phải tự vệ, hay bảo vệ các tàu vận tải của Nhật. Trong khi theo thống kê thực tế trong chiến dịch quốc tế tại bờ biển Somali, tàu chiến của các quốc gia tại đây rất hiếm khi có thể trực tiếp đứng ra bảo vệ các tàu vận tải của nước mình trước mối đe dọa của hải tặc. Thông thường khi có tín hiệu cấp báo, những tàu chiến gần hiện trường nhất sẽ nhanh chóng tiếp cận để giúp đỡ, bất kể tàu vận tải đó của quốc gia nào.

Một tàu chiến của Hải quân Nhật Bản.

Giờ đây, người Nhật đã có quyền chính thức được bắn vào canô của bọn cướp biển, cho dù theo lời của Bộ trưởng Quốc phòng Yashukazu Hamada, họ đã 3 lần giúp đỡ các tàu nước ngoài từ trước khi đạo luật trên được thông qua. Dù sao trong những trường hợp đó, người Nhật đã không nổ súng mà chỉ dùng loa và máy bay trực thăng để đe dọa bọn cướp.

Được biết đương kim Thủ tướng Taro Aso là một trong những người ủng hộ chính cho việc nới lỏng các nguyên tắc trên. Theo ý kiến của ông Aso, việc duy trì an ninh và trật tự tại các vùng lãnh hải quốc tế là điều quan trọng thiết yếu đối với Nhật - một đảo quốc có quan hệ thông thương rất tích cực với các nước khác trên thế giới. Bản thân vấn đề an ninh vận tải biển cũng đã được xem là một hướng ưu tiên chủ yếu của Tokyo.

Luật pháp của Nhật hiện nay vẫn được nhiều người mệnh danh là "theo chủ nghĩa hòa bình" không có gì thay đổi quá lớn trên phạm vi toàn cầu, bất chấp cả những nới lỏng trên. Bản thân khái niệm về sự tồn tại của lực lượng Hải quân Nhật cũng mang ý nghĩa chỉ phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi của đất nước. Điều này có thể thấy phần nào qua ngay cái tên gọi cũng có nhiều khác biệt so với hải quân các nước khác - Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật (Japan Maritime Self-Defense Force).

Theo những số liệu công khai, Hải quân Nhật hiện có biên chế gần 46.000 người. Trong thành phần trang bị của lực lượng này có gần 120 tàu chiến, trong đó có 20 tàu ngầm, 53 khu trục hạm và chiến hạm, 29 tàu gỡ mìn, 10 tàu tuần tiễu và cũng khoảng chừng đó tàu đổ bộ. Ngoài ra, Hải quân Nhật còn sở hữu 135 trực thăng và 179 máy bay các loại, phổ biến nhất là các máy bay trực thăng SH-60J (một phiên bản cải tiến của loại SH-60B/F Seahawk do Hãng Mitsubishi sản xuất), cũng như các máy bay tuần tiễu P-3 Orion hải quân của Hãng Kawasaki.

Hải quân Nhật hiện nay xét về quy mô không thể so sánh với Hải quân Hoàng gia Nhật (Imperial Japanese Navy) trước Thế chiến II, được coi là một trong những lực lượng tác chiến trên biển mạnh nhất thế giới. Chẳng hạn như hồi đầu Thế chiến II, Hải quân Nhật có tới gần 300 ngàn người cùng một số lượng rất lớn tàu sân bay, tàu chiến, máy bay cũng như tàu ngầm.

Thất bại của Tokyo trong chiến tranh thực tế đã chôn vùi toàn bộ sức mạnh của quân đội nói chung và hải quân nói riêng. Phần lớn các tàu chiến đều bị dỡ bỏ làm sắt vụn, hay được sử dụng làm mục tiêu cho quân đội các nước chiến thắng tập trận.

Theo điều khoản số 9 của hiến pháp mới, người Nhật trên thực tế đã từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng lực lượng vũ trang để giải quyết những tranh chấp quốc tế, mà chỉ tập trung vào việc bảo vệ đất nước.

Những tàu chiến đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật lại là các khu trục hạm cũ của Mỹ chuyển giao cho Tokyo vào năm 1954. Đến năm 1956, người Nhật mới đóng chiếc tàu chiến đầu tiên, mở đầu một thời kỳ mới cho lực lượng hải quân. Kể từ khi bắt đầu được phục hồi từ sau chiến tranh, Hải quân Nhật chỉ duy nhất có một lần sử dụng vũ khí để đánh đắm một chiếc tàu của CHDCND Triều Tiên được cho là xâm phạm lãnh hải vào năm 1999

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.
.