Động đất kinh hoàng tại Haiti: “Họa vô đơn chí”

Thứ Tư, 20/01/2010, 17:00
Trận động đất kinh hoàng (7 độ richter) hôm 12/1 vừa qua làm rung chuyển Haiti không phải là thảm họa thiên nhiên đầu tiên mà quốc gia nghèo Caribê này phải gánh chịu. Tuy nhiên, tình hình bất ổn chính trị triền miên, cộng với sự kém phát triển về kinh tế xã hội đã khiến hậu quả về mọi mặt của trận động đất trên được nhân lên gấp bội.

"Cú lớn"

Trận động đất kinh hoàng mà nhiều chuyên gia địa chấn xác nhận là thuộc vào hàng "Cú lớn" (The Big One) đã tàn phá toàn bộ Haiti, đảo quốc nghèo nhất tại châu Mỹ chiều ngày 12/1.

Số người thiệt mạng có thể lên tới hàng trăm nghìn thậm chí còn cao hơn thế vì cho đến nay chưa thống kê và tìm kiếm được hết những nạn nhân như người ta lo ngại hãy còn bị chôn vùi trong đống đổ nát của nhà cửa. Cho đến sáng ngày 14/1, nhiều thi thể nạn nhân đã tìm thấy vẫn đang còn đặt dọc theo hai bên đường phố Port-au-Prince.

Theo miêu tả của các nhóm phóng viên nước ngoài có mặt tại hiện trường thì khung cảnh hiện nay tại Haiti vô cùng hoang tàn thê lương. Xác chết nằm la liệt trên đường, nhiều phụ nữ bò ra từ đống đổ nát vẫy tay cầu cứu. Những thi thể nhỏ bé của trẻ em nằm chất đống gần trường học đã sập, mặt nhiều người phủ đầy bụi trắng và máu từ những vết thương hở vẫn nhiễu xuống đường. Hoảng loạn, cướp bóc, đau đớn bao trùm Haiti.

Không chỉ có người dân Haiti bị tử thương vô số trong trận động đất trên mà rất nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trụ sở của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Haiti hoàn toàn sụp đổ, con số thương vong chưa biết là bao nhiêu, hiện khoảng 100 người vẫn còn được ghi nhận là mất tích.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết có 100-150 người đang ở trong tòa nhà trụ sở của LHQ tại Port-au-Prince khi trận động đất xảy ra. Trưởng phái bộ duy trì hòa bình của LHQ và Tổng giám mục Thiên Chúa giáo của Port-au-Prince cũng bị thiệt mạng. Quân đội Brazil nói rằng, trong đơn vị thuộc lực lượng LHQ của họ ở Haiti có 11 binh sĩ tử nạn, 9 bị thương và 7 còn mất tích.

Tin báo chí ở Bắc Kinh nói trong Lực lượng bảo vệ hòa bình có 8 binh sĩ Trung Quốc chết, 10 mất tích. Tuy nhiên, tin tức này chưa được xác nhận. Pháp ước tính 200 người đã mất tích. Hiện có khoảng 1.400 người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Haiti, thuộc địa cũ của Pháp. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng khẳng định ít nhất 7 công dân nước này đang bị mất tích tại Haiti.

Đất nước của thiên tai

Đây là trận động đất lớn nhất tại Haiti kể từ 200 năm qua. Trong cấu tạo địa chất ở vùng này có một hệ thống đường nứt tên là Enriquillo-Plaintain Garden thường xuyên xảy ra địa chấn. Tuy nhiên, trận động đất mạnh vào hàng "Cú lớn" vừa xảy ra là điều đã được các chuyên gia dự đoán từ trước.

Một trong những hoạt động cứu trợ quốc tế.

Động đất là hiện tượng rung chuyển mạnh mà giải thích một cách khoa học là do sự lan truyền của năng lượng phát sinh đột ngột khi hai khối đất va chạm nhau và sụp vỡ. Hai khối đất có thể xô đẩy, dồn nén nhau từ một thời gian rất dài hàng trăm nghìn năm tạo nên "sức căng" nhưng tới một lúc nào đó mới xảy ra tình trạng sụp vỡ. Khoa học không tính được chính xác thời điểm ấy nên không thể dự đoán khi nào xảy ra động đất. Vỏ trái đất không phải là một lớp lành lặn mà nứt thành nhiều mảnh, được gọi là mảng tạo sơn tiếp cận nhau theo những đường nứt gãy. Chuyển động và va chạm của hai mảng ở đường nứt là nguyên nhân động đất.

Chuyên gia địa chất Roger Musson thuộc Viện Địa chất Anh ở Edinburgh nói rằng trận động đất Haiti ngày 12/1, xảy ra tại đường nứt có tên là "Enriquillo-Plaintain Garden fault" chạy dài từ biên giới phía nam Haiti - Cộng hòa Dominica ra biển cho đến Jamaica.

Một sự kiện đáng ghi nhận nữa là tâm điểm địa chấn vừa qua tại Haiti ở khá gần mặt đất, chỉ dưới độ sâu 8km, vì vậy năng lượng truyền đi gây nên những rung động rất dữ dội trên mặt đất. Sau chấn động chính, những hậu chấn cỡ 5 độ richter trở lên vẫn còn là hiểm họa đáng kể.

Đảo quốc Haiti thuộc vùng biển Caribê từ lâu luôn phải gánh chịu những thiên tai như bão nhiệt đới và lũ lụt. Năm 1998, cơn bão George càn qua đảo quốc này đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người. Năm 2004, cơ bão Jeanne - kèm theo lũ lụt và trượt đất - đã xóa sổ một phần đất nước, chủ yếu ở tỉnh Gonaives, phía bắc Haiti, khiến hơn 3.000 người chết và số người mất nhà cửa và công cụ sản xuất cao gấp 100 lần số người tử vong. Cách đây 3 năm, phía nam của đảo quốc này đã chịu cảnh lụt lội nghiêm trọng nhất trong lịch sử sau hơn một tuần trời mưa như trút nước. Chỉ tính riêng năm 2008, có đến 4 cơn bão các loại: Fay, Gustav, Hanna và Ike đã dồn dập đổ vào Haiti làm trên 800 người chết, trong đó hơn phân nửa là người của tỉnh Gonaives, và khiến 1 triệu người mất nhà cửa.

Nạn chặt phá rừng bừa bãi cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc Haiti phải gánh chịu những thiên tai như bão lũ. Mặc dù nằm trong vùng nứt gãy của lớp vỏ trái đất, nhưng tới nay Haiti chưa từng biết tới một vụ động đất nào mạnh như trận động đất xảy ra ngày 7/5/1842. Trận động đất mạnh 8,1 độ richter diễn ra vào ngày hôm đó đã xóa sổ hoàn toàn Cap-Haitien, thành phố du lịch lớn thứ hai Haiti.

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học Haiti và Mỹ đã thường xuyên cảnh báo nguy cơ Haiti sẽ phải gánh chịu một trận động đất cực mạnh trong tương lai gần và khuyến cáo chính quyền nước này phải có những biện pháp ứng phó cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế không có bất kỳ công trình xây dựng nào tại đảo quốc này đáp ứng những yêu cầu về chống động đất. Tháng 11/2008, một ngôi trường trong tình trạng cũ nát ở ngoại ô Port-au-Prince đã bị sập khiến 103 em học sinh bị chết và 150 người khác bị thương. Và mỗi khi có thiên tai thì lại có hàng nghìn ngôi nhà lại bị sập.--PageBreak--

Nghèo lại gặp cái eo

Đáng lý những hậu quả thiên tai mà người dân Haiti phải gánh chịu sẽ được giảm thiểu rất nhiều nếu Haiti là quốc gia mạnh về kinh tế và ổn định về chính trị. Đằng này, từ nhiều thập niên trở lại đây, đảo quốc này là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu màn đảo chính, nội chiến triền miên. 

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2006 cho biết: "Sự yếu kém trong việc chống chọi với những thiên tai bắt nguồn từ sự nghèo khổ, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường tự nhiên bị xuống cấp và một chuỗi những chính phủ bất lực trong việc đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng về thuế má".

Bất ổn chính trị triền miên khiến kinh tế đất nước không thể khá nổi. Năm 1990, Jean Bertrand Aristide được bầu làm Tổng thống đầu tiên tại Haiti theo lối bầu phổ thông đầu phiếu. Một năm sau, Aristide bị lực lượng quân đội đảo chính và buộc phải sống lưu vong. Quay lại nắm quyền năm 2001 nhưng dưới sức ép của Mỹ, Pháp, Canada và một số quan chức quân đội, Aristide một lần nữa từ chức năm 2004 và tiếp tục sống lưu vong. Từ đó đến nay, khoảng 7.500 binh lính LHQ và cảnh sát quốc tế đã được huy động để duy trì ổn định cho Haiti.

Năm 2006, René Préval - một đồng minh thân cận của Aristide - được bầu làm người đứng đầu đất nước, nhưng từ đó đến nay, Haiti vẫn không cải thiện được tình trạng nghèo đói. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2009, Haiti là quốc gia nghèo thứ hai tại Tây Bán Cầu. Đây cũng là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, lệ thuộc gần như hoàn toàn vào trợ cấp nước ngoài, với gần 70% dân số sống với thu nhập chưa đến 2 USD/ngày và 54% dân số sống trong tình trạng nghèo khó cùng cực (chưa tới 1USD/ngày). Trên 65% lực lượng lao động tại quốc gia này hiện không có việc làm.

Đoàn kết trong hoạn nạn

Chỉ vài giờ sau khi trận động đất kinh hoàng diễn ra, lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã lên tiếng chia sẻ nỗi mất mát với chính phủ và người dân Haiti, nhiều đoàn cứu trợ đã được lệnh lên đường sang Port-au-Prince cứu giúp người gặp nạn. Toàn quyền Canada, bà Michaelle Jean, vừa khóc vừa đọc bức thông điệp kêu gọi người dân Haiti hãy can đảm đứng lên, không khuất phục trước khó khăn, mất mát.

Xác người la liệt sau vụ động đất.

Hai máy bay của Mỹ đã tới Haiti với 72 nhân viên cứu hộ và hàng chục tấn thiết bị, hàng hóa cứu trợ. Trong khi tàu, máy bay và tàu sân bay USS Carl Vinson của quân đội Mỹ đã đến Haiti chiều ngày 14/1.

Giới chức Mỹ cũng tiết lộ thêm rằng, căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo ở Cuba có thể được sử dụng làm nơi ở tạm thời cho những người đi lánh nạn. Nước Pháp trong ngày 13/1 cũng huy động hai máy bay chở nhân viên cứu hộ và hàng hóa tới Haiti. Liên minh châu Âu khởi động cơ chế đối phó với khủng hoảng trong khi đó nhiều nước châu Âu khác như Đức, Hà Lan, Anh cũng thông báo đưa lực lượng cứu hộ và hàng hóa tới trợ giúp. Các nước láng giềng của Haiti đã có phản ứng nhanh chóng.

Sáng sớm ngày 13/1, khoảng 50 nhân viên cứu hộ Venezuela và nhiều tấn hàng đã có mặt tại Haiti, trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva đề nghị giúp đỡ Haiti nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại cho tính mạng của 1.200 binh sĩ Brazil thuộc lực lượng gìn giữ ổn định của LHQ, đang có mặt tại Haiti bởi vì trụ sở của lực lượng này cũng bị đổ nát.

Ngân hàng Thế giới tuyên bố đã lên kế hoạch tháo khoán khẩn cấp 100 triệu USD để giúp Haiti khắc phục hậu quả động đất. Các cơ quan không gian châu Âu và Mỹ cũng đã huy động các vệ tinh tìm kiếm nạn nhân còn sống sót tại Haiti. Ngay từ ngày 14/1, vệ tinh SPOT 5 của châu Âu đã được lập trình chụp ảnh màu với độ phân giải 2,5m tại khu vực xảy ra động đất. Sang ngày 15/1, các vệ tinh của Mỹ, Nhật Bản, Canada cũng đã được huy động để tìm kiếm nạn nhân của vụ động đất kinh hoàng này.

Các tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cũng đã gửi người sang Haiti cứu trợ. Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã tiếp nhận 600 người bị thương tại các trung tâm chăm sóc y tế của tổ chức này tại Port-au-Prince, ngoài ra, còn đang gửi thêm một bệnh viện dã chiến có sức chứa 100 giường bệnh từ Bordeaux, Pháp qua.

Tình hình cấp bách nhất hiện nay là cứu những nạn nhân còn sống sót và tái lập điều kiện sinh sống tối thiểu cho người dân Haiti. Nhưng vụ động đất vừa qua cũng cho thấy Haiti không thể cứ mãi là quốc gia nghèo khổ. Vụ động đất kinh hoàng này và tinh thần đoàn kết mà nó tạo ra sẽ là cơ hội hiếm có để cộng đồng quốc tế và bản thân giới lãnh đạo Haiti tính tới việc thiết lập một chế độ chính trị và kinh tế ổn định tại quốc gia này. Có như vậy, quốc gia nằm trong vùng thiên tai này mới có thể chống chọi được với “ông trời”

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.
.