Điều chỉnh hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật: Vai trò chủ động hơn trong khu vực

Thứ Năm, 16/10/2014, 12:25

Một bản hướng dẫn điều chỉnh hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật vừa được công bố đang đặc biệt khiến dư luận châu Á quan tâm, nhất là Trung Quốc. Sự điều chỉnh này dựa vào yếu tố nào và nhằm mục đích gì?

Sử dụng quyền phòng vệ tập thể khi một nước có quan hệ mật thiết với Nhật bị tấn công vũ trang

Ngày 8/10 vừa qua, Nhật và Mỹ đã công bố báo cáo sơ bộ về hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương sửa đổi (gọi tắt là hướng dẫn sửa đổi). Báo cáo sơ bộ nhấn mạnh hướng dẫn sửa đổi nhằm mục đích củng cố quan hệ đồng minh, nâng cao năng lực răn đe và cho phép Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể. Hướng dẫn sửa đổi cũng đề ra các biện pháp hợp tác nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh của Nhật trong mọi giai đoạn, từ thời bình đến lúc xảy ra tình huống khẩn cấp.

Các biện pháp hợp tác sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực như tình báo, tập trận, phòng không và phòng thủ tên lửa, hỗ trợ hậu cần, tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ tài sản.

Báo cáo khẳng định hướng dẫn sửa đổi sẽ nêu chi tiết hoạt động hợp tác Mỹ-Nhật trong trường hợp Nhật bị tấn công vũ trang và trong trường hợp Nhật có quyền. Trong trường hợp bị tấn công vũ trang, Nhật sẽ chịu trách nhiệm chính để đẩy lùi cuộc tấn công và Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ, trong đó có tổ chức chiến dịch không kích. Hướng dẫn hợp tác quốc phòng hiện nay giữa hai nước chỉ tập trung vào hoạt động hợp tác để bảo vệ Nhật và các phản ứng phối hợp khi xảy ra tình huống khẩn cấp trong khu vực xung quanh Nhật.

Điểm mới trong hướng dẫn sửa đổi là quy định cách thức hai nước hợp tác để thúc đẩy an ninh và hòa bình trong khu vực và trên toàn cầu. Các lĩnh vực hai nước hợp tác trên bình diện toàn cầu và khu vực bao gồm gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và thảm họa, an ninh hàng hải, xây dựng năng lực, hỗ trợ hậu cần, tình báo và do thám, các hoạt động sơ tán dân sự.

Hướng dẫn sửa đổi sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Và nếu xong thì đây là lần sửa đổi quan hệ quốc phòng Mỹ-Nhật đầu tiên từ gần 20 năm qua. Lần điều chỉnh gần đây nhất là vào năm 1997.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong cuộc tập trận thường niên gần núi Phú Sĩ, phía tây Tokyo.

Việc sửa đổi lần này được dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là hoàn cảnh quốc tế. Mỹ-Nhật xem xét lại hợp tác quốc phòng, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng do tranh chấp chủ quyền các đảo ở vùng biển Hoa Đông, cũng như quan ngại về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Một giới chức Mỹ tham gia đàm phán mô tả các hướng dẫn tạm thời này là “một dấu mốc quan trọng” hướng tới việc duyệt lại sự hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật, nhằm ngăn chặn những hiểm họa quốc tế và khu vực.

Báo cáo không đề cập đến hiểm họa nào cụ thể. Nhưng một giới chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói những thay đổi trong vùng châu Á - Thái Bình Dương trong 2 thập niên vừa qua – kể cả trên vũ đài không gian ảo - sự trỗi dậy của Triều Tiên và Trung Quốc trong tư cách một cường quốc quân sự và kinh tế, là những yếu tố góp phần vào các hướng dẫn được duyệt lại.

Thứ hai là nhờ vào việc Chính phủ Shinzo Abe đã thông qua việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình của nước này, cho phép quân đội Nhật bảo vệ Mỹ và các đồng minh khác trong khuôn khổ của quyền “phòng vệ tập thể”. Chính phủ Nhật Bản hôm 1/7/2014 đã nới lỏng các hạn chế về quân đội Nhật, trong một quyết định lịch sử đưa đất nước ra khỏi các chính sách chủ hòa, hậu Thế chiến II. Quyết định này được coi là cần thiết để giúp Nhật Bản đóng một vai trò “tích cực hơn” trong vùng, nơi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng, cũng như giúp Nhật Bản bảo vệ các nước bị đặt dưới sự tấn công. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tăng 2,2% mức chi của Nhật Bản dành cho quốc phòng lên tới 48 tỉ USD cho năm tài chính 2014.

Cuối cùng là do tình trạng “kém năng động” của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngân sách quân sự Trung Quốc, theo con số công bố chính thức, đã tăng gấp 4 lần trong thập niên qua (hiện gần 132 tỉ USD), trong khi kinh phí quân sự Tokyo lại giảm gần như mỗi năm trong cùng thời gian (hiện gần 49 tỉ USD). Trung Quốc chi tiêu quân sự nhiều hơn so với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam cộng lại. Phát triển khả năng quân sự tấn công mạnh mẽ hơn, Trung Quốc tích cực khẳng định quyền kiểm soát biển Đông, nơi Senkaku được quản lý bởi Tokyo là đối tượng tranh chấp của Nhật Bản và Trung Quốc, và là nơi có tuyến hàng hải thương mại quan trọng.

Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương David Shear trong cuộc họp với các giới chức Nhật Bản tại Tokyo, ngày 8/10/2014.

Tháng 1/2013, tàu chiến Trung Quốc đã khóa radar nhắm vào một máy bay trực thăng và tàu khu trục hải quân Nhật. Tháng 11/2013, Bắc Kinh mở rộng khu vực xác định phòng không phủ rộng phần lớn biển Đông. Trong một năm tính đến tháng 3/2014, Không quân Nhật đã đụng độ máy bay Trung Quốc 415 lần (tăng 36% so với năm trước).

Vào tháng 5 và 6/2014, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã chặn máy bay giám sát Nhật trên vùng trời tranh chấp đến mức suýt va chạm. Trong suốt thời gian này, Trung Quốc tiến hành loạt tập trận quân sự mà Hải quân Mỹ gọi là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến chớp nhoáng để chiếm các hòn đảo tranh chấp với Nhật.

“Vùng xám” phải được quan tâm cả trong thời bình

Trong bối cảnh trên, Tokyo nghiên cứu sự tụt giảm ngân sách quân sự của Washington, sự mệt mỏi chiến tranh của cử tri Mỹ, và sự mở rộng danh sách các cuộc khủng hoảng ở Đông Âu và Trung Đông khiến Mỹ phải can thiệp, bằng cách này hay cách khác… Tất cả đều khiến nguồn lực Mỹ đối với châu Á bị giảm đáng kể. “Cục xương khó nuốt” Syria rồi sự kiện Crimea, và tiếp đó là chiến dịch bành trướng của Trung Quốc, bao gồm loạt sự kiện trục xuất tàu Philippines khỏi vùng tranh chấp bãi cạn Scarborough hoặc đánh chìm tàu cá Việt Nam. Mỹ đã phản ứng ít hơn so với những cam kết của họ. Nhật Bản bắt đầu nhìn thấy một tổng thống Mỹ quá thận trọng khi đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng thế giới. Tokyo buộc phải tự lo.

Sự trưởng thành của quân đội Nhật có thể là câu trả lời cho vấn đề Trung Quốc, vì nó có thể tăng cường năng lực quân sự của cá nhân lẫn tập thể, giúp Mỹ có thể tránh trực tiếp xử lý các hành động khiêu khích ở mức độ thấp từ Trung Quốc và dành nguồn lực tập trung vào các mối đe dọa cấp cao hơn. Để thực hiện chiến lược này, quân đội Nhật phải có được thông số hoạt động rộng hơn, từ trên không, đất liền đến hàng hải; phải có khả năng giám sát mạnh để bảo vệ (và có thể lấy lại) các hòn đảo cũng như hỗ trợ các nước láng giềng.

Ngày 8/10, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh báo bất kỳ thay đổi nào trong hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật cũng không được vượt ngoài phạm vi quan hệ song phương và không được gây tổn hại đến lợi ích của nước thứ ba như Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố kêu gọi hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sửa đổi phải thúc đẩy hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á.

Với Mỹ, hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương sửa đổi phù hợp với chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Chính phủ Mỹ. Với Nhật, hướng dẫn sửa đổi phù hợp với nỗ lực của Nhật nhằm bảo vệ người dân và lãnh thổ cũng như thực hiện chính sách đóng góp chủ động cho hòa bình dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế.

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, có thể mất nhiều thời gian hơn dự định để Nhật Bản và Mỹ hoàn tất việc sửa đổi phương châm hợp tác phòng vệ giữa 2 nước. Báo cáo vừa được công bố kêu gọi Nhật Bản và Mỹ đảm bảo liên tục lưu tâm về cái được gọi là "vùng xám", kể cả trong thời bình và trong các tình trạng khẩn cấp.

"Vùng xám" là những tình huống khi có các vụ việc xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản nhưng không được xác định ngay lập tức là tấn công vũ trang. Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản và Mỹ đã hoãn các cuộc thảo luận về việc hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng của quân đội Mỹ liên quan đến chính sách an ninh mới của Nhật. Chính sách này sẽ cho phép Nhật sử dụng quyền phòng thủ tập thể một cách có giới hạn. Quan chức 2 nước hy vọng có thể hoàn tất bản báo cáo vào cuối năm nay.

Hai bên dự định tập trung thảo luận về cách thức cụ thể để hợp tác phòng vệ, phù hợp với chính sách an ninh mới của Nhật. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Nhật nói rằng, họ chưa chắc chắn về lịch trình của các cuộc thảo luận. Họ nhắc tới khó khăn của việc cố gắng phản ánh việc sử dụng quyền phòng thủ tập thể của Nhật Bản trong phương châm hợp tác giữa 2 nước. Họ nói liên minh cầm quyền của Nhật Bản chưa làm rõ những tình huống nào thì Nhật có thể thực hiện quyền này.

Chính phủ Nhật cũng đang chuẩn bị các dự luật về phòng vệ quốc gia để đệ trình lên Quốc hội vào năm sau. Một số quan chức nói rằng, báo cáo cuối cùng về hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ sẽ bị hoãn sang đầu năm sau, do cần có thời gian để thảo luận với Mỹ các cách thức hợp tác cụ thể

Mộc thạch (tổng hợp)
.
.
.