Di cư quốc tế vấn đề của an ninh thế giới hiện nay

Thứ Năm, 22/06/2006, 08:30

Di cư là vấn đề đã có từ lâu trong quá trình phát triển của thế giới, nhưng ngày nay nó trở thành một xu hướng đáng chú ý trong bối cảnh quốc tế mới, nhất là thời đại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh những yếu tố tích cực, di cư quốc tế gây ra không ít phiền toái đối với nhiều nước.

Theo báo cáo mới đây của LHQ, ước tính có khoảng 191 triệu người trên khắp thế giới đã rời bỏ quê hương di cư đến các nơi khác trong năm 2005, so với 155 triệu người năm 1990, nghĩa là tăng gần 25%. Thống kê của cơ quan nghiên cứu LHQ cho biết, số người nhập cư đến Liên minh châu Âu (EU) chiếm 34% trong năm 2005, Bắc Mỹ 23%, châu Á 28%, châu Phi 9%, Mỹ Latinh 3% và châu Đại Dương 3%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư quốc tế gia tăng đó là chiến tranh, xung đột, an ninh, kinh tế và xã hội chậm phát triển. Tuy nhiên, lý do kinh tế vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng di cư quốc tế ngày càng tăng. Do dân số ngày càng giảm đến mức báo động, trước nguy cơ thiếu lao động nghiêm trọng: Nhiều nước phát triển như các nước trong Liên minh châu Âu, Australia, Canada... và cả Mỹ đã nới lỏng chính sách nhập cư đối với người nước ngoài.

Tuy nhiên, di cư quốc tế là một vấn đề mang tính an ninh và xã hội sâu sắc. Người di cư từ nước này sang nước khác hiện nay là một đặc điểm lớn trong đời sống quốc tế nhưng lại có lịch sử khá lâu đời. Sau khi “phát hiện” ra châu Mỹ, những làn sóng người châu Âu tràn sang lục địa này và dần dần trở thành những ông chủ của vùng đất mới. Dân bản xứ trở thành thiểu số. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một bằng chứng điển hình nhất của lịch sử di cư quốc tế. Đa số người Anh, người Ireland, người Đức... đã vượt Đại Tây Dương sang định cư ở Bắc Mỹ. Còn người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... sang chiếm lĩnh các vùng đất Nam Mỹ, nơi mà ngày nay tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức của họ như Brazil, Argentina, Mexico, Peru, Venezuela, Cuba...

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cho biết: “Nếu có chính sách đúng đắn, người di cư sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả những nước họ rời đi và nước tiếp nhận”.

Nhưng tình trạng di cư quốc tế gây ra nhiều vấn đề cho những nước nhập cư. Sự phân biệt đối xử, sự chênh lệch về trình độ dân trí, sự khác biệt về văn hóa, xã hội cũng là những mầm mống gây xung đột xã hội. Điển hình trong năm 2005 là các cuộc xung đột ở Pháp do phần lớn thanh thiếu niên nhập cư chủ yếu là người Arập và người châu Phi vì bất bình với sự phân biệt đối xử và mức sống thấp nên đã nổi lên phản kháng, thậm chí vi phạm pháp luật, gây nên tình trạng bất ổn về an ninh cho nước Pháp trong nhiều tháng liền.

Còn ở Mỹ, các cuộc biểu tình rầm rộ lên đến hàng triệu người mà phần lớn là người nhập cư đòi phải đảm bảo quyền lợi cho họ cũng đã làm rung động nước này. Vấn đề nhập cư cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi ở các nước Tây Âu. Họ đang đứng trước mâu thuẫn lớn là tỉ lệ dân số giảm, thiếu lao động, cần phải cho người nhập cư từ các nước khác. Nhưng đây là việc không dễ dàng vì vấn đề nhập cư rất phức tạp nhiều mặt, từ an ninh đến xã hội.

Cũng cần phải kể đến tình trạng đáng lo ngại về những người di cư quốc tế bất đắc dĩ ở châu Phi, nơi có nhiều cuộc xung đột vũ trang đã buộc nhiều người phải chạy sang tị nạn ở các nước láng giềng vì mạng sống chứ chưa phải vì miếng cơm manh áo. Người di cư gặp nhiều nguy hiểm trên đường đi từ châu Phi đến châu Âu...

Để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép, chính quyền Mỹ đã quyết định xây bức tường biên giới dài hàng trăm kilômét giữa nước này với Mexico. Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ cũng được huy động tuần tra biên giới giống như thời chiến, gây bất bình cho người Mexico và làm hoen ố hình ảnh một nước Mỹ “tự do”...

Mặt khác, tình trạng di cư quốc tế không chỉ gây ra tiêu cực cho nước nhập cư mà còn cho cả những quốc gia có người di cư. Tình trạng chảy máu chất xám từ các nước nghèo sang các nước giàu theo kiểu “nước chảy về chỗ trũng” rất đáng lo ngại.

Báo cáo của LHQ ước tính có 60% số người có học thức cao ở Guyana, Haiti và Jamaica hiện đang sống ở nước ngoài. Nhiều bằng sáng chế, phát minh của Mỹ là sản phẩm của những người nhập cư. Giáo dục đại học và sau đại học ở các nước phát triển ngày càng trở thành một ngành kinh doanh có hiệu quả không ít lợi nhuận. Trong đó, có loại lợi nhuận không thể hạch toán được bằng tiền, đó là trí tuệ của dân nhập cư.

Vấn đề tị nạn - rất gần gũi và nhiều khi đồng thời là vấn đề di cư quốc tế cũng được chú ý. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết, năm 2005, số người tị nạn trên thế giới đã giảm tới mức thấp nhất trong 26 năm qua do có chương trình hồi hương, đã giúp hơn 4,6 triệu người trở về quê hương kể từ năm 2002. Nhưng ngược lại, số người sống trong điều kiện “như tị nạn” ngay trên đất nước của họ đã tăng từ 19,5 triệu người năm 2004 lên 21 triệu người năm 2005. Các nước có số người tị nạn ở ngay trong nước cao nhất là: Colombia với 2 triệu, Iraq 1,6 triệu, Pakistan 1,1 triệu, Sudan 1 triệu. Afghanistan vẫn là nước có số người tị nạn cao nhất, với 1,9 triệu người xin tị nạn ở 72 nước...

Khó có thể phủ nhận những nỗ lực của Cao ủy LHQ về người tị nạn ở một số khu vực nóng bỏng về an ninh, thiên tai, thảm họa trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề tị nạn nói riêng và và vấn đề di cư quốc tế nói chung nhiều khi bị chính trị hóa hoặc bị lợi dụng vì những mục đích thiếu thiện chí từ một số thế lực quốc tế.

Trước tình trạng di cư quốc tế ngày càng phổ biến, LHQ đề nghị thành lập một diễn đàn thường trực về vấn đề này để các chính phủ có thể bàn đến những biện pháp xử lý tốt hơn về tình trạng di cư quốc tế. Hội nghị này dự kiến  sẽ được tổ chức tại Maroc vào tháng 7/2006

Nguyễn Khắc Đức
.
.
.