Cộng hòa Trung Phi: Bao giờ chấm dứt thanh trừng vì lý do tôn giáo?

Thứ Hai, 10/03/2014, 17:02

Hành động biểu trưng nhất cho sự thù nghịch tôn giáo đó là vụ treo cổ một người Trung Phi theo đạo Hồi ngay giữa buổi lễ mừng sự hồi sinh của lực lượng vũ trang Trung Phi. Tình hình càng tồi tệ và không thể chấp nhận khi nhiều vụ đàn áp diễn ra trước mắt các lực lượng châu Phi (Misca) và Pháp tại đấy.

Từ xung đột chính trị đến xung đột tôn giáo

Dường như không gì có thể ngăn chặn được tình trạng tàn sát người dân tại Cộng hòa Trung Phi (viết tắt là Trung Phi) bởi những vụ xung đột sắc tộc tôn giáo cũng như chính trị. Những tuần vừa qua, hàng trăm người đã chết, trong đó có 1 nghị sĩ. Nữ tân Tổng thống Catherine Samba-Panza bất lực lên tiếng kêu gọi trợ giúp từ Liên Hiệp Quốc (LHQ), từ nước Pháp và các nước láng giềng.

Trong khi Tổng thống Catherine Samba-Panza kết thúc chuyến công du đầu tiên đến Congo ngày 9/2 vừa qua, đất nước của bà không ngớt lún sâu vào bạo lực.

Một số người dân Trung Phi càng ngày càng bị cuốn theo bản năng bằng cách sát hại những người Trung Phi khác dựa trên cơ sở tôn giáo. Tình hình săn đuổi người Hồi giáo lan rộng đã xua hàng ngàn người dân Trung Phi và người nước ngoài bỏ nhà ra đi, làm trầm trọng thêm tình trạng cứu trợ nhân đạo vốn đang ở bên lề thảm họa.

Hành động biểu trưng nhất cho sự thù nghịch tôn giáo đó là vụ treo cổ một người Trung Phi theo đạo Hồi ngay giữa buổi lễ mừng sự hồi sinh của lực lượng vũ trang Trung Phi. Tình hình càng tồi tệ và không thể chấp nhận khi nhiều vụ đàn áp diễn ra trước mắt các lực lượng châu Phi (Misca) và Pháp tại đấy.

Về điều này, người ta có cảm tưởng rằng quân đội Pháp trong chiến dịch Sangaris đã không có sự cứng rắn đối với lực lượng vũ trang Thiên Chúa giáo, giống như với các phần tử phiến loạn Séléka Hồi giáo trước đây. Tất nhiên phe nào cũng có những tổn thất, nhưng phải thừa nhận rằng đa số những vụ đàn áp hiện nay tại Trung Phi là kết quả của lực lượng vũ trang Thiên Chúa giáo; họ công khai thực hiện hành động trước bàn dân thiên hạ. Cho dù lực lượng vũ trang  này được xem như là đòn giáng trả đối với những sự tàn bạo của Séléka trước đây.

Phe phiến loạn tại Cộng hòa Trung Phi.

Sứ mệnh tái lập hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi không dễ dàng gì nhưng cũng không phải là bất khả. Mọi sức mạnh áp lực và răn đe phải góp phần vào, kể cả Tòa án Hình sự Quốc tế (IPC) vốn vừa ra tuyên cáo có ý định thụ lý những vấn đề vi phạm nhân quyền nằm trong thẩm quyền.

Hành động của lực lượng vũ trang Thiên Chúa giáo khiến người ta có cảm tưởng như hành động một cách vô tội vạ, tất nhiên đã lợi dụng những động thái tàn ác trước đây của phe phiến loạn Séléka để tạo ra trong nước một cảm tưởng bài Tchad. Song song đó, cảm tưởng này cũng gợi nên thái độ thù nghịch đối với người Trung Phi gốc Tchad mà đa số là Hồi giáo. Và như thế người dân Trung Phi đã có một cuộc chiến sai lầm.

Tạo dựng một nước Trung Phi mới

Bây giờ đã đến lúc huy động mọi sức mạnh trong nước quanh Tổng thống Catherine Samba-Panza để làm hồi sinh nền dân chủ Trung Phi. Chỉ có viễn cảnh đó mới đưa Trung Phi thoát khỏi bạo lực tôn giáo, chính trị và phát triển.

Để đạt được điều đó, chắc chắn nhân dân Trung Phi sẽ cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhưng điều chủ yếu vẫn tùy thuộc vào tình hình tổng quát trong khu vực. Một tình hình đặc trưng bởi sự lãnh đạm đáng trách của số người này và những mối quan tâm nội bộ của số khác khiến cho bi kịch Trung Phi không bao giờ có hồi kết.

Hôm 11/2, tại Brazzaville Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã lên tiếng chỉ trích lực lượng vũ trang Thiên Chúa giáo đang hoành hành tại Trung Phi, cho rằng các lực lượng quốc tế đã sẵn sàng chấm dứt những sự đàn áp "bằng vũ lực nếu cần thiết".

Người Hồi giáo ồ ạt tản cư khỏi Bangul.

"Việc lực lượng vũ trang Thiên Chúa giáo tiếp tục đàn áp và giết người như hiện nay phải chấm dứt. Lực lượng châu Phi và quân đội Pháp trong chiến dịch Sangaris sẽ áp dụng các nghị quyết của LHQ, nếu cần thì bằng vũ lực. Chúng tôi sẽ có các hành động một cách cứng rắn trong tương lai" - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố sau cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Phi Charles Richard Mondjo trong khuôn khổ của chuyến công du khu vực, chủ yếu nhắm đến Trung Phi.

Lực lượng Misca hiện có khoảng 5.400 người trên tổng số 6.000 người dự trù. Quân đội Pháp trong chiến dịch Sangaris gồm 1.600 binh sĩ. Các lực lượng này hoạt động dưới lá cờ của LHQ và từ tháng 12/2013 đã được ủy quyền sử dụng vũ lực trong trường hợp có mối đe dọa trực tiếp đến dân thường. Nhưng cho đến nay, lực lượng gìn giữ hòa bình này vẫn chưa chấm dứt được tình trạng bạo lực dã man và nạn cướp bóc.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/2 vừa qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nói chuyện với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhằm tìm cách tăng thêm số lượng binh sĩ Misca và Pháp tại Trung Phi.

Tướng tư lệnh lực lượng Pháp tại Trung Phi tuyên bố rằng: "Những kẻ tự xưng là dân quân đã trở thành kẻ thù chính đối với nền hòa bình tại Trung Phi, chính họ đã làm tổn thương các cộng đồng". Đáp lại yêu cầu của ông Ban Ki-moon, Chính phủ Pháp sẽ gửi thêm 400 binh sĩ đến Trung Phi.

Tiếp tục chuyến công du trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói rằng:  "Nền an ninh tại Trung Phi là một vấn đề liên quan đến châu Phi nói chung. Nếu có một khoảng trống an ninh trong một quốc gia thì chính các quốc gia láng giềng sẽ phải gánh chịu hậu quả".

Tình trạng bạo lực đã khiến gần 1 triệu người dân trong tổng số 4,6 triệu dân Trung Phi  phải sống tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong một đất nước thuộc những quốc gia nghèo đói nhất châu Phi dù có tiềm năng về nông nghiệp và khoáng sản.

Nhiều tổ chức phi chính phủ như Oxfam và Action nhận định rằng, phần lớn ngành thương mại thực phẩm tại Bangui tùy thuộc vào 40 nhà bán sỉ, "nhưng 10 hãng nhập khẩu tại Bangui có thể ra đi nếu các điều kiện an ninh không được cải thiện trong tương lai gần”. Giá những thực phẩm thiết yếu như sắn và lạc đã tăng cao, các nhà bán sỉ cũng ghi nhận một sự giảm sút doanh số từ 85% đến 95% trong 2 tháng vừa qua do mức thu nhập của người dân sụt giảm và giá cả gia tăng.

"Tại một khu chợ ở Bangui chỉ còn 3/37 cửa hiệu bán lạc còn ở lại. Do những nhà chăn nuôi di tản nên thịt cũng biến mất trên các sạp hàng, nếu có thì giá đắt gấp đôi. Tệ hơn nữa, 96% số nông dân không có được hạt giống dù mùa gieo trồng lẽ ra đã sắp bắt đầu. Với thu hoạch mùa màng thấp, cơn khủng hoảng hiện nay sẽ càng tệ hơn và có thể kéo dài".

Ngày 15/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, chiến dịch của binh sĩ Pháp có thể sẽ kéo dài hơn theo kế hoạch. Một chiến dịch quân sự không diễn tiến như một bản nhạc, cần phải thích nghi, nhận định tình hình và đáp ứng nhu cầu an ninh tùy theo biến cố. Khởi đầu người ta không thể nói trước là khi nào chiến dịch sẽ kết thúc. Nhưng chúng tôi nhất quyết rằng Trung Phi phải giữ được sự toàn vẹn và dần dần sự an bình sẽ trở lại để mọi người dân Trung Phi có thể sống chung với nhau

Minh Luân (tổng hợp)
.
.
.