Chiến sự ở Dải Gaza: Israel thua đậm

Thứ Sáu, 01/08/2014, 14:30

Israel có thể thắng Hamas về số lượng thương vong - nhưng chắc chắn thua Hamas trên nhiều phương diện khác, về mặt ngoại giao quốc tế, tinh thần nhân đạo và đặc biệt là hình ảnh của Hamas bỗng trở nên "chính nghĩa" hơn, không giống với tiếng xấu "khủng bố" mà Israel đang gán cho tổ chức này.

Cả thế giới tiếp tục chấn động, Liên Hiệp Quốc (LHQ) phẫn nộ khi tội ác dã man đã chạm đến tận cùng, đánh vào tận nơi cơ quan LHQ đang làm công tác nhân đạo cứu giúp những người vô tội trú ẩn tránh bom đạn chiến tranh.

Thông tin từ ngành y tế Palestine cho biết, hôm 24/7, Israel đã nã pháo trúng vào một trường học ở Beit Hanoun, ở phía bắc Gaza, hiện đang được tận dụng làm nơi trú ẩn cho người Palestine tị nạn chiến tranh do LHQ quản lý. Vụ nã pháo làm 10 người chết và 100 người bị thương, tất cả đều là dân thường. Những người tị nạn trong trường học này chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chạy khỏi nhà để tránh bom đạn của Israel. Như vậy, sau vụ nã pháo vào một bệnh viện ở Gaza City cách đây  một tuần, thì đây là lần thứ hai quân đội Israel tấn công vào những nơi tập trung dân thường một cách có chủ đích.

Theo thống kê mới nhất của LHQ, con số người Palestine ở Dải Gaza chết do bom đạn của Israel đã vượt qua con số 700 người cùng với gần 1.000 người bị thương. Phía Israel có 32 binh sĩ tử trận.

Tình hình tại Dải Gaza đang cực kỳ căng thẳng và nguy cơ thảm họa nhân đạo đang hiện rõ hơn bao giờ hết. Israel đã kiên quyết đẩy mạnh các hoạt động quân sự, tiếp tục bắn giết bừa bãi người Palestine, không phân biệt dân thường hay các tay súng vũ trang.

Christopher Gunness, phát ngôn viên của Cơ quan Cứu hộ và Công tác nhân đạo LHQ (UNRWA) cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ việc Israel nã pháo vào chính nơi LHQ đang cứu nạn người tị nạn ở Beit Hanoun là do không có sự phối hợp giữa quân đội Israel với UNRWA. Cơ quan này đã cố gắng nhiều lần để liên hệ với quân đội Israel và yêu cầu tạo khoảng không gian dành cho người tị nạn nhưng phía Israel đã từ chối hợp tác.

Khói lửa bốc lên ngút trời Gaza bất chấp các nỗ lực ngoại giao.

Với hành động quân sự lạm sát dân thường trong nỗ lực nhằm tiêu diệt Hamas, Israel đang ngày càng bị thế giới lên án mạnh mẽ. Phát biểu khai mạc tại một cuộc thảo luận khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) tại Geneva hôm 23/7, Cao ủy viên LHQ về nhân quyền Navi Pillay nhận định rằng Israel có thể đang phạm tội ác chiến tranh ở Dải Gaza, trong đó những hành động phá sập nhà cửa và giết hại trẻ em "rất có khả năng" vi phạm luật pháp quốc tế. UNHRC quyết định mở cuộc điều tra về tội phạm chiến tranh tại Dải Gaza.

Hành động quân sự đáng lên án đã khiến cho hình ảnh Israel ngày càng trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng thế giới, đồng thời vô tình giúp cho hình ảnh của Hamas trở nên "dễ thông cảm" hơn trong cộng đồng thế giới. Trong khi quân đội Israel tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza với số người chết không ngừng gia tăng, thì các lãnh đạo người Palestine, gồm Tổng thống Mahmoud Abbas, lãnh đạo chính trị của Hamas Khaled Mashaal và thủ lĩnh Islamic Jihad Ramadan Shalah lại đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và kêu gọi Israel ngừng bắn để tạo điều kiện cho hoạt động cứu hộ nhân đạo!

Động thái chính trị khôn khéo này đã làm cho ngày càng có nhiều quốc gia Arập trong khu vực Trung Đông, kể cả một số quốc gia đồng minh của Mỹ, quay sang ủng hộ người Palestine và phong trào Hamas, đồng thời yêu cầu Israel chấm dứt ngay hành động tàn sát người Palestine.

Tuy nhiên, trong một phát biểu trước báo chí hôm 24/7, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố rằng "Israel đang tiếp tục chiến dịch quân sự Protective Edge ở Gaza với đầy đủ sức mạnh" của quân đội.

Điều này cho thấy Tel Aviv đang nỗ lực dùng sức mạnh để tiêu diệt cho bằng được các lực lượng vũ trang người Palestine ở Dải Gaza, bao gồm không chỉ Hamas mà cả Islamic Jihad và các nhóm vũ trang khác. Một mặt, Thủ tướng Israel đang muốn chứng minh với dân chúng quyết tâm của chính phủ trong việc bảo vệ an ninh cho người Israel, chứng minh cho các quốc gia khu vực Trung Đông và cộng đồng thế giới thấy Israel không ngần ngại dùng vũ lực để tiêu diệt "kẻ thù" của mình bất chấp sự lên án của quốc tế; nhưng mặt khác, chiến dịch quân sự "toàn diện" của quân đội Israel đến nay, cũng bộc lộ những nhược điểm yếu kém cố hữu.

Trẻ em Palestine đang trở thành nạn nhân của bom đạn Israel.

Năm 2006, quân đội Israel từng tiến hành cuộc chiến 34 ngày đầy tai tiếng với lực lượng Hồi giáo Hezbollah ở Liban mà không thu được kết quả nào, trái lại còn gánh lấy một số tổn thất. Chính phủ Israel khi đó đã bị báo chí Israel và quốc tế quật cho tơi tả.

Tháng 7/2014, khi Israel cho máy bay và tàu chiến dội tên lửa xuống các mục tiêu khắp Dải Gaza sau vụ việc 3 thiếu niên Israel bị bắt cóc và sát hại, và sau đó triển khai chiến dịch tấn công bằng bộ binh vào Dải Gaza, nhưng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt bằng nhiều loại vũ khí khác nhau của Hamas, dư luận lại xôn xao rằng liệu Thủ tướng Netanyahu có lặp lại sai lầm cũ từng mắc phải hay không?

Hiệu quả từ chiến dịch Protective Edge mà Thủ tướng Netanyahu đang hết sức kỳ vọng cho đến nay chỉ là những con số thương vong của người Palestine và binh sĩ Israel gia tăng từng ngày, và nó đang làm cho Israel ngày càng lún sâu vào tội ác chiến tranh, và Israel lại có nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra là "làm suy yếu Hamas".

Tờ Haaretz của Israel (thiên tả) từng  đưa ra cảnh báo rằng, quân đội Israel coi chừng "bị Hamas dụ vào bẫy" khi xe tăng Israel hung hăng tiến vào Gaza để truy đuổi các tay súng Hamas. Khi các mục tiêu Hamas ẩn hiện như "bóng ma" khiến tên lửa và đạn pháo Israel giết hại thường dân là chủ yếu, Israel quay sang đổ lỗi cho Hamas lợi dụng dân thường Palestine làm "lá chắn sống" - một lập luận ngụy biện không được dư luận chấp nhận.

Do quá nóng lòng tiêu diệt Hamas mà chưa đạt được mục tiêu, quân đội Israel đang lâm vào thế rượt đuổi nguy hiểm. Tờ Christian Science Monitor ngày 23/7 đã viết: "Chỉ với một quả rocket, Hamas đã khiến kẻ thù chạy rần rần". Quả thật thế, truyền thông quốc tế hôm 23/7 đều đưa tin, sau khi Hamas bắn một quả tên lửa rơi xuống một vị trí gần sân bay quốc tế Ben Gurion, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh cấm các hãng bay đi và đến sân bay Ben Gurion trong 24 giờ.

Còn trước đó, Hãng Hàng không Korean Air của Hàn Quốc và một số nước khác đã bay tránh không phận Israel để phòng tránh rủi ro. Lệnh cấm bay của FAA đã khiến Israel bị ảnh hưởng khá nặng nề về mặt kinh tế cũng như chính trị, và thành phần thân Do Thái ở Mỹ đã lên tiếng chỉ trích quyết định của FAA.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đang có các nỗ không ngừng nghỉ nhằm tìm kiếm một giải pháp ngừng bắn ở Dải Gaza. Sau cuộc gặp không có kết quả với Thủ tướng Netanyahu, ông Kerry đã bay sang Cairo, Ai Cập để hội đàm với Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi nhằm nỗ lực thúc đẩy đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, sau cuộc nói chuyện qua điện thoại sau đó với Thủ tướng Netanyahu, mọi chuyện vẫn chưa có tiến triển

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.
.