Châu Âu đưa ra giải pháp giải quyết khủng hoảng nợ

Thứ Bảy, 05/11/2011, 09:30
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ rõ quyết tâm cao nhất trong cuộc chiến kiểm soát khủng hoảng nợ nhằm cứu đồng euro khỏi rơi vào thất bại. Đó là việc các nhà lãnh đạo thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua kế hoạch cắt giảm nợ cho Hy Lạp, đồng thời tăng cường quỹ cứu nợ khu vực đồng euro lên ít nhất 1 nghìn tỉ USD. Liệu kế hoạch này có thành công hay không?

Cuộc thương lượng kéo dài thâu đêm tại Brussels rốt cuộc đã đạt được kết quả như mong muốn. Cơ cấu tái cấp vốn và việc các ngân hàng cắt giảm 50% số nợ cho Hy Lạp là 2 vấn đề chính trên bàn thương lượng đã được các nhà lãnh đạo EU thống nhất vào rạng sáng 27/10.

Song song với cơ cấu giải quyết nợ cho Hy Lạp là việc nâng Quỹ Hỗ trợ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) lên mức tối thiểu 1 nghìn tỉ USD cũng được thông qua. Phương thức hoạt động mới của quỹ này là có thể cho những quốc gia lâm nợ như Italia và Tây Ban Nha vay lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỉ USD bằng cách cung cấp cho các quốc gia này một loại bảo hiểm để đảm bảo trái phiếu quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cần nhìn nhận một thực tế khắc nghiệt là trước khi bước vào bàn hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu đứng trước nguy cơ rất lớn về sự sụp đổ của đồng euro nếu không đạt được một thỏa thuận chung về cứu nợ Hy Lạp. Nhưng để đạt được thành công trên bàn hội nghị, các nhà lãnh đạo EU buộc phải làm sao thuyết phục các ngân hàng chấp nhận khoản cắt giảm nợ 50% nói trên. Yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối của một số ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân. Họ lo ngại động thái này thứ nhất sẽ làm cho các ngân hàng bị hụt vốn, và thứ hai là tạo ra tiền lệ nguy hiểm về việc "xóa nợ công" cho các quốc gia khủng hoảng.

Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng nợ công, nhất là sau sự sụp đổ của Ngân hàng Dexia (liên doanh Bỉ - Pháp) cách đây vài hôm đã đặt ra một nguy cơ lớn hơn về các rủi ro do các tài sản nợ xấu của các quốc gia bị khủng hoảng đem lại. Xóa một phần nợ không có nghĩa là xóa trắng, mà còn có thể tạo cơ hội cứu vãn phần nợ còn lại. Nhưng một khi các quốc gia khủng hoảng, cụ thể là Hy Lạp sụp đổ, vỡ nợ, mất khả năng chi trả thì việc mất trắng là khó tránh khỏi, vì thế thiệt hại càng trầm trọng hơn.

Theo phân tích của tờ Der Spiegel của Đức, với mức cắt giảm 50% nợ, trong giai đoạn trước mắt Hy Lạp có thể tự đứng trên đôi chân mình, từ đó tạm thời tránh được tình trạng khủng hoảng nợ lan rộng đang đe dọa làm suy thoái nền kinh tế toàn châu Âu nói chung. Chính vì vậy, các ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân đành phải chấp nhận kế hoạch xóa nợ 50% do EU đưa ra. Để thực hiện động thái này, các ngân hàng được yêu cầu phải tăng cường huy động vốn trên thị trường để tạm thời bù đắp vào khoản thâm hụt vốn do giảm nợ.

Ở đây phải thừa nhận vai trò đầu tàu nước Đức và tính quyết đoán của Thủ tướng Angela Merkel một lần nữa đã cho thấy bà không hổ danh là chính khách quyền lực nhất châu Âu và là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới hiện nay. Để đạt được các thỏa thuận hôm 27/10, trước đó Thủ tướng Đức Merkel đã phải vận động quyết liệt và được Quốc hội Đức ủng hộ kế hoạch mới cứu nợ cho Hy Lạp. Bà Merkel đã đưa ra mục tiêu kiềm chế nợ công của Hy Lạp ở mức 120% GDP vào năm 2020 để thuyết phục các nhà lập pháp ở Berlin.

Ngân hàng Dexia sụp đổ vì các khoản huy động vốn ngắn hạn.

Để khắc phục tình trạng thâm hụt vốn hoạt động của các ngân hàng đang nắm giữ các khoản nợ của Hy Lạp, kế hoạch của EU yêu cầu các ngân hàng tăng cường huy động vốn, mức cụ thể là 150 tỉ USD. Bên cạnh đó, kế hoạch còn kêu gọi các chính phủ châu Âu hỗ trợ ngân hàng trong việc tìm nguồn vốn hoạt động. Các ngân hàng châu Âu có đặc điểm là phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn, từ đó tạo ra rủi ro cao, dễ dẫn đến phá sản một khi nguồn huy động vốn ngắn hạn đó không ổn định và thậm chí bị thu hẹp.

Trường hợp phá sản của Ngân hàng Dexia là một điển hình mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà đầu tư tư nhân và các quỹ đầu tư tài chính của Mỹ do lo ngại tình hình khủng hoảng nợ công ở châu Âu nên đã đồng loạt rút vốn. Tình trạng này hiện cũng đang diễn ra tại nhiều ngân hàng khác của châu Âu, cho nên người ta đang lo ngại liệu hàng loạt ngân hàng khác có rơi vào tình trạng giống Ngân hàng Dexia hay không.

Để tránh nguy cơ này, kế hoạch của EU đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng nghiên cứu xây dựng một hệ thống cung cấp vốn mới nhằm giúp các ngân hàng chấm dứt tình trạng huy động vốn ngắn hạn. Một trong những biện pháp bảo đảm an toàn đó là đòi hỏi các ngân hàng dành ra 9% giá trị tài sản để làm nguồn vốn dự phòng, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ 5% hiện hành. Thời hạn thực hiện là vào ngày 30/6/2012.

Có ý kiến băn khoăn cho rằng các ngân hàng có thể "lách" quy định bằng cách giảm giá trị tổng tài sản để dễ dàng đạt được tỉ lệ 9%. Để ngăn chặn việc này chỉ có cách các nhà quản lý tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với các ngân hàng.

Giải pháp cứu vãn “vào phút 89” của EU chỉ mới là bước đệm hữu ích cho tiến trình làm việc tiếp theo khá dài của các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Những bước tiếp theo sẽ là tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ phát sinh khủng hoảng

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.