Châu Âu điêu đứng trước nguy cơ phá sản của Italia

Thứ Sáu, 25/11/2011, 11:25
Khủng hoảng nợ ở châu Âu đang trầm trọng thêm bất chấp những nỗ lực giải tỏa nguy cơ phá sản của Hy Lạp đã đạt được tiến bộ hồi cuối tuần trước. Mối họa lần này: Italia lớn hơn Hy Lạp nhiều lần. Những diễn biến mới nhất trên thị trường cho thấy Italia đang tiến dần đến bờ vực phá sản, mà nếu điều này xảy ra, nhiều khả năng đồng euro sẽ sụp đổ.

Điều hết sức nguy hiểm là giữa Hy Lạp và Italia có nhiều điểm giống nhau: nợ công vượt tỉ lệ cho phép 120% GDP, khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm mức nợ do lủng củng chính trị nội bộ, và người đứng đầu Chính phủ "cạn vốn" chính trị. Điểm khác biệt duy nhất, đó là mặc dù Thủ tướng Italia chấp nhận rời bỏ chức vụ vẫn không thể giúp Italia khôi phục niềm tin nơi các nhà đầu tư - chủ nợ.

Sau cuộc làm việc riêng với Tổng thống Giorgio Napolitano chiều tối 8/11, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã phát biểu trên kênh truyền hình tư nhân Canale 5 rằng, ông sẽ không tái ứng cử trong kỳ bầu cử sắp tới. Berlusconi cho biết, ông từ chức là để "cứu" nền kinh tế Italia, để tránh cho Italia khỏi phá sản.

Thực ra, theo tờ báo La Stampa của Italia, việc từ chức của ông Berlusconi là một điều kiện bắt buộc mà các đảng phái đối lập đưa ra để họ chấp nhận ủng hộ kế hoạch cải cách kinh tế do ông Berlusconi đưa ra nhằm cứu vãn khủng hoảng nợ. Berlusconi đã tức giận "chửi" 8 người cùng đảng cầm quyền là "đồ phản bội". Nhưng ngược lại, ông cũng thừa nhận một điều, sự tồn tại của ông ở vị trí Thủ tướng Italia đang là gánh nặng cho đất nước, là trở ngại lớn cho việc giải quyết khủng hoảng nợ của Italia.

Nhưng tuyên bố không tái ứng cử của ông Berlusconi vẫn không thể cứu vãn được tình trạng sụt giảm niềm tin trên các thị trường tài chính đối với trái phiếu Italia. Theo giới phân tích, những dấu hiệu bất ổn liên tục tại Italia kể từ vài tháng qua, nhất là sau khi nước này bị Hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor's hạ bậc tín dụng, chính là nguyên nhân chủ yếu làm mất niềm tin của giới đầu tư, làm cho giá trị trái phiếu Italia tụt giảm, đồng thời lãi suất dành cho trái phiếu dài hạn (10 năm) tăng lên, đạt kỷ lục 7,4% vào ngày 9/11. Đây là mức lãi suất trái phiếu được các chuyên gia tài chính đánh giá là "nguy hiểm" có thể đẩy Italia đến bờ vực phá sản nhanh hơn.

Đồng Euro đang đứng trước nguy cơ sụp đổ từ tình trạng khủng hoảng của kinh tế Italia.

Ngay sau khi có tin Thủ tướng Italia tuyên bố từ bỏ chức vụ, thị trường chứng khoán toàn cầu đã lập tức giảm từ 2% đến 4% do lo ngại những bất ổn từ Italia có thể ảnh hưởng xấu đến toàn châu Âu, đe dọa sự tồn vong của đồng euro và khủng hoảng có nguy cơ lan rộng, kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ hoặc suy thoái.

Riêng với châu Âu, khủng hoảng Italia là mối họa lớn hơn nhiều so với Hy Lạp. Hy Lạp chỉ nợ khoảng 400 tỉ USD mà đã lo "toát mồ hôi",  trong khi kinh tế Italia lớn hơn hàng chục lần, đứng hàng thứ 8 thế giới và thứ 3 trong khối đồng tiền chung. Tỉ lệ nợ công của Italia hiện đang rất cao, hơn 120% GDP, tương đương 2.600 tỉ USD. Năm 2012, Italia sẽ phải huy động thêm 412 tỉ USD để thanh toán bớt một số khoản nợ.

Hiện tại, Italia vẫn còn khả năng tự xoay sở, chưa đến mức phải nhờ đến sự trợ giúp của quốc tế (EU và IMF), nhưng cho dù Italia có kêu cứu thì với món nợ "khủng" như thế, chắc chắn EU cũng sẽ không tài nào cứu nổi. Chính vì Italia đóng vai trò khá lớn trong khối đồng tiền chung và EU nói chung, nên việc nước này phá sản cũng đồng nghĩa với sự phá sản đồng tiền chung euro.

Mario Monti - người nhiều khả năng sẽ thay ông Berlusconi làm thủ tướng Italia.

Vấn đề cấp bách hiện nay là giới đầu tư đang thúc ép các đảng phái trong Quốc hội Italia phải nhanh chóng thông qua gói cải cách kinh tế nhằm sớm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, trở về giới hạn nợ an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ phá sản đang đe dọa hàng ngày. Cả châu Âu cũng đang sốt ruột theo dõi sát những diễn biến tại Italia. Dự kiến, vào ngày 11/11 (giờ địa phương), gói cải cách sẽ được Thượng viện thông qua, và hôm sau, ngày 12/11, sẽ đến lượt Hạ viện thông qua. Chỉ khi những bước cải cách kinh tế được triển khai thì niềm tin của giới đầu tư vào trái phiếu Italia mới được phục hồi, nhờ đó khủng hoảng cũng sẽ từng bước được giải tỏa. 

Ngày 9/11, Tổng thống Napolitano đã xác nhận lời hứa "không tái ứng cử" của ông Berlusconi, đồng thời bổ nhiệm ông Mario Monti - cựu quan chức Liên minh châu Âu - làm Thượng nghị sĩ suốt đời. Động thái này gây chú ý trong giới quan sát và được đánh giá là bước đi đầu tiên của Tổng thống Napolitano nhằm chuẩn bị nhân sự thay thế ông Berlusconi lãnh đạo Chính phủ Italia. Rất có thể ông Monti sẽ lên thay ông Berlusconi làm Thủ tướng Italia sau kỳ bầu cử sắp tới để cáng đáng chương trình cải cách kinh tế đã được Quốc hội thông qua.

Riêng phần ông Berlusconi, không như Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, ông là người thua cuộc đau đớn nhất qua vụ việc từ chức để giải cứu nền kinh tế. Như nhận xét của một số tờ báo, vị Thủ tướng Italia 75 tuổi đang bước vào giai đoạn thoái trào của sự nghiệp chính trị, với hàng loạt bê bối liên quan đến tình dục và tham nhũng. Berlusconi đã hết thời, và việc rời khỏi chức vụ Thủ tướng sẽ là bước mở đầu cho đoạn kết không có hậu dành cho ông.

Đa số người Italia đang mong chờ sự ra đi của ông Berlusconi, nếu ông "giữ lời hứa". Và một khi không còn được hưởng đặc ân miễn truy tố, ông Berlusconi sẽ đối mặt với hàng loạt vụ xét xử tại tòa án do các cáo buộc về tình dục bất chính và tham nhũng. Một cuộc "hạ cánh" không an toàn, hay một sự hy sinh nhưng không thu hoạch được lợi điểm chính trị nào chính là trường hợp của ông Berlusconi

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.
.